Cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện gói 30.000 tỉ với lãi suất ưu đãi
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 18:35, 23/05/2016
Ngày 23.5, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)cho biết đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đề nghịchỉ đạo việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng sau ngày 31.5.2016 và việc định hướng sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Theo đó, về việc tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng, NHNNđã có công văn hỏa tốc số 1953/NHNN-TD thông báo quyết định chấm dứt nhận hồ sơ vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kể từ ngày 31.3.2016.
Theo HoREA, việc công bố thời điểm kết thúc nhận hồ sơ là cần thiết vì tổng giá trị hợp đồng cam kết cho vay tại thời điểm ngày 10.3.2016 đã vượt quá hạn mức 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, NHNN vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 30/03/2016 của Chính phủ.
Đáng chú ý, gần đây, trên một số thông tin đại chúng đưa thông tin về hiện tượng cò mồi (có thể có quan hệ với chủ đầu tư) móc nối với khách hàng đã vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để ký khống biên bản bàn giao nhà để được giải ngân đến 95% hợp đồng vay.
“Nếu việc này xảy ra thì sẽ gây thiệt hại cho người vay và có thể cho cả ngân hàng, vì chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn này vào mục đích khác mà không hoàn thành bàn giao nhà, người vay còn bị thiệt vì sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn do việc giải ngân sớm”, HoREA nói.
Do đó, HoREA kiến nghị NHNN sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 30.3.2016 của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết để các ngân hàng thương mại có căn cứ thực hiện và người vay yên tâm.
Hiệp hội này đề xuất nên thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng của từng ngân hàng thương mại. Đồng thời, sau ngày 31.5.2016, các ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân cho khách hàng vay đến hết hợp đồng theo tiến độ và điều kiện giải ngân đã xác định trong hợp đồng tín dụng để các doanh nghiệp và người vay yên tâm.
Còn về định hướng sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, HoREA đề nghị NHNN có văn bản đồng thuận với ý kiến của NHNN chi nhánh TP.HCM.
Cụ thể, HoREA nhất trí với NHNN về việc cần thiết điều chỉnh sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN để phù hợp với diễn biến tình hình của nền kinh tế và của thị trường bất động sản, nhưng cần có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.
Hiệp hội đề nghị nếu sửa đổi điều 5 Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng 50%nguồn vốn ngắn hạn đểcho vay trung hạn và dài hạn và xếp các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như hiện nay.
Chưa kể, quy định phải có hiệu lực vào thời điểm thích hợp nhất (có thể sau năm 2017) để các bên có liên quan có lộ trình, chủ động điều chỉnh hoạt động của mình thì hợp lý hơn và không gây sốc cho thị trường.
Trước đó, trong văn bản phản hồi kiến nghị của HoREA liên quan đến việc sửa đổi bổ sung đối với dự thảo Thông tư 36, NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết việc NHNN đưa ra dự thảo chỉnh sửa các nội dung trên nhằm hạn chế rủi ro do tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đồng thời tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.
Cơ quan này cho rằng thực tế các chỉ số điều chỉnh của NHNN là phù hợp với thông lệ quốc tế. Các chỉ số hiện nay (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 60% và tỷ lệ trích lập dự phòng 150%) là các tỷ lệ cho giai đoạn khó khăn vừa qua nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng cũng như tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, và các thị trường nói chung, trong đó có thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, ổn định, cần phải có sự điều chỉnh, để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, theo NHNN chi nhánh TP.HCM, sự điều chỉnh của NHNN là phù hợp nhưng cần có lộ trình thực hiện (1-2 năm) tránh để xảy ra rủi ro chính sách và gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Phan Diệu
Ảnh minh họa