Chuyển keo sinh học từ Pháp đến Việt Nam phẫu thuật cho trẻ bị liệt đám rối thần kinh

Sự kiện - Ngày đăng : 15:38, 24/05/2016

Sau khi sàng lọc các bệnh nhi bị liệt đám rối thần kinh cánh tay tại Bệnh viện Nhi đồng 1,TP.HCM giáo sư Professor Alain Gilbert (chuyên gia phẫu thuật liệt đám rối thần kinh tại Pháp) đã quyết định phẫu thuật cho 7 trẻ tại đây. Đặc biệt, thay vì phẫu thuật bằng khâu chỉ mất đến 8 tiếng đồng hồ mới hoàn tất một ca mổ, giáo sư Professor Alain Gilbert đã mang keo sinh học từ Pháp sang để nối lại chưa đầy 2 tiếng đồng hồ.

Ngày 24.5, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho hay, trong ngày hôm qua (23.5) bệnh viện này đã cùng với giáo sư Professor Alain Gilbert phẫu thuật thành công cho 4 trẻ (gồm 2 trẻ 6 tháng tuổi, 1 trẻ 4 tháng tuổi và 1 trẻ 3 tháng tuổi ) bị liệt đám rối thần kinh cánh tay. Dự kiến trong ngày hôm nay (24.5), bệnh viện sẽ cùng với giáo sư Professor Alain Gilbert tiếp tục phẫu thuật cho 3 trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay còn lại.

Giáo sư Professor Alain Gilbert cho hay, vấn đề khó khăn trong việc phẫu thuật tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ em tại Việt Nam chính là nguồn keo sinh học còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là gần như không có. Điều này gây khó khăn làm kéo dài thời gian ca phẫu thuật, ảnh hưởng đến sự sức khỏe của trẻ trong quá trình phẫu thuật.

“Phẫu thuật mà phải khâu nối đám rối thần kinh, thời gian cho một ca phẫu thuật kéo dài từ 6 đến 8 tiếng đồng, còn nếu dùng keo sinh học để nối dây thần kinh bị tổn thương thì chỉ cần 1,5 đến 2 tiếng đồng hồ có thể hoàn thành 1 ca phẫu thuật”, giáo sư Professor Alain Gilbert cho biết.

Một bé trai bị liệt đámrối thần kinh cánh tay đã được phẫu thuật thành công tại Bệnh việnNhi đồng 1, TP.HCM.

Trong khi đó, theo phân tích của bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, việc xác định được dây thần kinh nào trong đám rối bị tổn thương là điều cực kỳ khó. Vì đám rối là nơi rất phức tạp, khi khám và phẫu thuật phải xác định được dây thần kinh nào chi phối, dây thần kinh nào bị tổn thương trong đám rối.

Do đó, bác sĩ phẫu thuật cần phải có kinh nghiệm ít nhất là 5 năm. Ngoài việc xác định chính xác dây thần kinh chi phối, dây thần kinh bị tổn thương trong đám rối, bác sĩ phẫu thuật còn phải có khả năng đánh giá tình trạng sức khỏe của cháu bé trong 5 năm hay 10 năm, 20 năm sau mổ sẽ như thế nào.

Khi xác định chính xác chúng ta phải dùng kính lúp để phóng đại dây thần kinh bị tổn thương trong đám rối mới có thể khâu nối hoặc dùng keo sinh học để nối lại.

“Đám rối thần kinh cánh tay chi phối toàn bộ cánh tay, cổ tay, bàn tay, ảnh hưởng toàn bộ từ khuỷu tay đến bàn tay. Do đó khi bị tổn thương phải phẫu thuật nối lại, giúp trở lại bình thường, nếu không trẻ sẽ bị dị tật suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Giáo sư Professor Alain Gilbert kiểm tra lại tình hình sức khỏe của bé trai sau khi phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay.

Giáo sư Professor Alain Gilbert cho biết, trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay là do một sang chấn trong quá trình sinh.Tỷ lệ trẻ sinh ra bị liệt đám rối thần kinh cánh tay là 1/1000. Trong số 4 trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay có 3 trẻ tự khỏi, trẻ còn lại phải phẫu thuật. Đây là một bệnh lý nhưng rất khó phát hiện nên nhiều trẻ phát hiện trễ không thể phẫu thuật được, chỉ can thiệp bằng phương pháp khác nhưng không hiệu quả, trẻ vẫn dị tật suốt đời.

“Thời điểm vàng” để có thể phẫu thuật tốt nhất là lúc trẻ từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi. Nếu quá thời gian trên, việc phẫu thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không đạt hiệu quả như mong muốn”, giáo sư Professor Alain Gilbert nói.

Để có thể nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay, giáo sư Professor Alain Gilbert cho hay, thường sau 3 tháng, nếu trẻ không tự phục hồi sẽ xuất hiện dấu hiệu: khuỷu tay không gấp được, ngoẹo cổ… Lúc này các bậc phụ huynh nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện khám, chẩn đoán để được phẫu thuật kịp thời.

Hồ Quang


Hồ Quang