Khán giả Việt chịu thiệt bởi rạp Hàn
Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 26/05/2016
Tín đồ điện ảnh Việt Nam chẳng ai còn lạ gì với các cụm rạp CGV (tên gọi cũ là Megastar), thường chiếm giữ những “vị trí vàng” trong thành phố, với nhiều phòng chiếu hiện đại và giá vé cũng cao hơn hẳn các rạp khác. Có điều, khi hào hứng xếp hàng mua vé xem phim ở CGV, đa số khán giả vô tư không biết mình đang bị thiệt thòi những gì. Điều đáng nói là sự thiệt thòi này đã kéo dài nhiều năm, gần đây tăng dần lên đến mức đáng ngại, nhưng không phải ai cũng nhận ra.
Cuộc thống trị từ từ, lặp lại
Hồi tháng 3.2010, cùng lúc 6 doanh nghiệp phát hành và chiếu phim trong nước đã gửi đơn khiếu nại đến Cục quản lý cạnh tranh, cáo buộc Megastar (ông chủ cũ của cụm rạp hiện đã về tay CGV) lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để ép buộc một tỷ lệ ăn chia không công bằng. Bởi, ngoài việc liên tục tăng giá vé ở các cụm rạp của mình sau khi đã trụ vững và bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam, Megastar lúc ấy đã thể hiện vị trí thống trị về phân phối và phát hành phim bằng cách bắt đầu chèn ép các doanh nghiệp Việt, điển hình là áp đặt mức giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem là 25.000 đồng. Như vậy, muốn có lợi nhuận, các rạp thuê phim của họ buộc phải bán vé tối thiểu là trên 50.000 đồng. Tại thời điểm đó, Cinebox - cụm rạp mang tiêu chuẩn quốc tế từ những năm đầu 2000 (thuộc hãng phim Giải Phóng) - giá vé chỉ là 25.000 đồng. Hay như rạp Dân Chủ (Hà Nội), chỉ là 20.000 đồng. Việc buộc phải nâng mức giá vé cao hơn gấp đôi để có dư phần lợi nhuận đủ trả cho Megastar đã khiến các cụm rạp này mất đi lượng khách hàng- khán giả có mức thu nhập trung bình và thấp, thậm chí đã dẫn đến tình trạng phải đóng cửa như rạp Dân Chủ. Việc lạm dụng độc quyền này của Megastar khi ấy đã bị 6 nhà phát hành nội địa khiếu kiện. Vụ kiện rồi cũng giải quyết xong, Megastar phải chịu chi phí giải quyết sự việc là 100 triệu đồng, tự nguyện hủy bỏ hành vi bị khiếu nại. Nhưng còn hệ quả là giá vé xem phim ở Việt Nam đã đồng loạt bị tăng lên, người chịu thiệt nhất cuối cùng lại là khán giả!
Nhưng mới đây, 8 doanh nghiệp điện ảnh trong nước lại đồng loạt làm đơn khiếu nại CGV lạm dụng độc quyền, chèn ép phim Việt. Cụ thể là CGV đã áp đặt tỉ lệ ăn chia bất hợp lý: phim do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác thì CGV hưởng 55% doanh thu, còn phim do các doanh nghiệp Việt phát hành tại hệ thống CGV thì nhà phát hành đó chỉ được hưởng 45%, CGV vẫn hưởng 55%. Đây là một tiền lệ chưa từng có trên thế giới, khi những người bỏ công sức cùng chi phí rất lớn cho sản xuất và quảng cáo phim lại bị ép nhận tỉ lệ doanh thu thấp hơn rạp.
Khi “ông trùm” Hàn là người chọn món ăn cho khán giả Việt
Trong màn chèn ép mới của rạp Hàn với phim Việt này, khán giảsẽ chịu thiệt những gì?
Dườngnhư sức ảnh hưởng của “ông trùm” Hàn Quốc không chỉ đơn thuần đơn giản là trêngiá vé xem phim nữa, mà còn quyết định cả chuyện xem phim gì cho người Việt. Các nhà làm phim Việt khi phải chịu đựng sự ăn chia bất hợp lý sẽ khó thu hồi vốn, không còn khả năng tái đầu tư để tiếp tục làm ra những bộ phim hay, chưa kể làm xong rồi phim lại có thể bị ép chiếu ở những rạp ít khán giả. Trong lúc đó, toàn bộ các cụm rạp CGV đương nhiên ưu tiên cho những bộ phim do CGV phát hành, hoặc phim Việt được đầu tư sản xuất theo khuynh hướng chủ đạo là dòng phim Việt được làm lại (remake) từ phim Hàn quốc, như “Em là bà nội của anh”. Khán giả Việt tưởng mình có quyền tự do chọn xem mình thích, nhưng rồi chọn gì đây trên menu mà một “ông trùm” Hàn Quốc đã chấm sẵn hết cả rồi?!
Gần đây, CGV rầm rộ quảng cáo cho “Tuần lễ phim Việt” trên toàn quốc. Nhiều người trong nghề đã đặt câu hỏi “Tại sao lại phát động chương trình đó trong thời điểm này, khi CGV đang bị kiện vì chèn ép phim Việt?”. Nhưng dù sao thì có vẫn còn hơn không. Nhưng cốt lõi câu chuyện là sự bất hợp lý trong sự ăn chia không công bằng, cơ hội cho phim Việt ngày càng hẹp thì liệu trong tương lai khán giảcòn cơ hội được xem phim thế này không, khi có một “ông trùm” Hàn Quốc không ngừng vươn tay can thiệp sâu vào nội tình điện ảnh Việt Nam...
Văn bản kiến nghị của 8doanh nghiệp điện ảnh
Kính gửi: Bộ Văn hoá, Thông tin và Du lịch (Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác Quốc tế)
Trong những năm vừa qua, nền Điện ảnh Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể nhờ những nỗ lực không ngừng của các cơ quan Nhà nước, của các nhà làm phim, của các đạo diễn và diễn viên cùng một số công ty tư nhân, đã và đang xây dựng nền công nghiệp này từng bước đáp ứng với yêu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân và từng bước hội nhập với Điện ảnh khu vực và thế giới.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và phát triển nền điện ảnh nước nhà, chúng tôi những người làm điện ảnh Việt Nam đang gặp phải những thách thức và khó khăn mà nếu không được sự quan tâm ủng hộ cũng như không có biện pháp thích hợp, kịp thời thì những người làm điện ảnh Việt Nam khó có thể bảo vệ và xây dựng những thành quả và sản phẩm cũng như để phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà theo đúng Chiến lược phát triển của Chính phủ cũng như cụ thể của Bộ Văn hóa Thông tin & Du lịch và của Cục Điện ảnh đề ra. Thách thức đó là từ hệ thống rạp chiếu phim và các hình thức kinh doanh của tập đoàn CJ CGV Việt Nam (sau đây gọi là “CGV”), cụ thể như sau:
- Trong công nghiệp điện ảnh, việc xây dựng hệ thống rạp để phục vụ khán giả đến xem phim là khâu then chốt, là cơ sở hạ tầng để đưa phim đến với mọi tầng lớp nhân dân. Hiện nay để đáp ứng với ứng dụng công nghệ số hóa (digital) trong việc chiếu phim của thế giới, việc đầu tư vào xây dựng các hệ thống rạp theo chuẩn tốn nhiều công sức và tiền bạc. Mặc dù với nỗ lực của mình nhưng các Trung tâm phát hành và chiếu phim của nhà nước cũng như các hệ thống rạp chiếu phim tư nhân của Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với nước ngoài) cũng chỉ chiếm thị phần khá khiêm tốn trong lĩnh vực này (theo ước tính chỉ chiếm chưa đến 40%) trong khi đó các doanh nghiệp có vốn nước ngoài từ 80% trở lên mà chủ yếu là Hàn Quốc chiếm hơn 60% thị phần còn lại, riêng hệ thống rạp của CGV đã chiếm khoảng 40% thị phần và hình thành “vị trí thống lĩnh thị trường”.
-Về mặt phát hành phim: CGV được các studio lớn trên thế giới chọn là đơn vị phát hành độc quyền tại Việt Nam vì họ chiếm thị phần rạp lớn nhất, do sẽ có khả năng mang lại doanh thu lớn. Vài năm gần đây, CGV cũng đã nhận phát hành các phim Việt Nam khiến cho thị phần phát hành phim tại Việt Nam tại thị trường của họ càng tăng mạnh. Trước đây hệ thống phát hành của CGV với tên gọi cũ là Công Ty TNHH Truyền Thông MegaStar đã từng bị các hệ thống rạp chiếu phim trong nước khiếu nại, về một số hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và độc quyền thị trường.
- Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp mà CGV là nhà phát hành phim lớn nhất tại Việt Nam hiện nay nên họ đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình: phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỉ lệ ăn chia là 55/45 ( CGV hưởng 55%), còn với các phim Việt Nam do các doanh nghiệp Việt Nam phát hành tại hệ thống CGV là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành đó chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần). Các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác đã phải chịu sự áp đặt của CGV do số lượng rạp của CGV quá lớn, nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim sẽ không được chiếu tại hệ thống rạp CGV, đồng nghĩa với việc phim không được chiếu trên 40% tổng số rạp, có nghĩa là sẽ mất 40% doanh thu. Nhà phát hành trong nước khi nhận được tỷ lệ chia thấp như vậy thì cũng chỉ có thể đưa lại doanh thu thấp cho nhà sản xuất phim. Sự chênh lệch giữa hai tỷ lệ này với các nhà sản xuất - phát hành phim Việt Nam là rất lớn và rất bất hợp lý, một tỷ lệ chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được tỷ lệ lớn hơn nhà sản xuất - phát hành bởi chính nhà sản xuất - phát hành mới là người phải bỏ ra chi phí rất lớn không chỉ là cho sản xuất phim mà còn bỏ cả chi phí về marketing, phát hành cho phim. Trên cơ sở đó có thể thấy CGV đang tiến hành việc áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau, điều này chính là bất bình đẳng trong cạnh tranh và có dấu hiệu vi phạm khoản 4 điều 11, Mục 2, Chương II Luật Cạnh tranh.
Phương thức hoạt động như trên của CGV không những gây thiệt hại cho các nhà sản xuất phim Việt Nam nói riêng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam nói chung, cụ thể như sau:
1. Tại Quyết Định 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược, Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Chính phủ đã đặt mục tiêu: (1) Đến năm 2015, sản xuất 25 - 30 phim truyện/năm, 12 - 24 phim/năm cho mỗi thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, (2) Đến năm 2020,sản xuất: 40 - 45 phim truyện/năm, 36 - 48 phim/năm cho mỗi thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, (3) Đến năm 2030, sản xuất 55 - 60 phim truyện/năm; 48 - 72 phim/năm cho mỗi thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình. Tuy nhiên, với mức chia doanh thu không thỏa đáng như trên dẫn đến việc không đủ tiền tái đầu tư, nhà sản xuất phim vô cùng e dè lo ngại trong việc tiếp tục cho ra đời những sản phẩm mới.
2. Các rạp chiếu phim của CGV thường có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ “vàng” lâu hơn. Cùng với những hoạt động mang tính chất nhằm chiếm lĩnh thị trường, chúng tôi lo ngại trong giai đoạn sắp tới, CGV sẽ dần dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam. Đây có thể xem là nguy cơ cho nền công nghiệp và thị trường điện ảnh nước nhà nằm trong tay tập đoàn này. Trong khi đó, ngành sản xuất phim Việt đang có dấu hiệu khởi sắc với số lượng phim được sản xuất mỗi năm tăng lên, chất lượng phim cũng có nhiều tiến bộ, mang tính nhân văn cao, nhưng đứng trước nguy cơ như đã nêu trên, các nhà sản xuất phim đều lo ngại phimViệt Nam sẽ bị ép buộc chiếu ở những rạp ít khán giả, tần suất và thời gian chiếu bị hạn chế, đặc biệt với tỷ lệ chia doanh thu khó có thể thu hồi vốn chứ chưa nói đến việc có lợi nhuận để tích lũy đầu tư cho các tác phẩm tâm huyết của mình. Như vậy nền điện ảnh Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng cả chất lượng cũng như số lượng phim và không thể đạt mục tiêu của Chính Phủ đề ra.
Trước tình hình đó, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan ban ngành của Chính Phủ có những động thái điều chỉnh phù hợp để tránh những tình trạng trên có thể xảy ra tại Việt Nam trong thời gian tới. Số lượng hệ thống rạp chiếu phim là phương tiện phổ biến văn hóa hữu hiệu với đại chúng trong cả nước, hiện đã bị các đơn vị nước ngoài chi phối, số lượng phim nước ngoài đặc biệt là phim Hàn Quốc tràn lan trên phủ sóng khắp các Đài truyền hình trong nước đã là việc quen thuộc, nay nếu các nhà sản xuất phim điện ảnh Việt chiếu rạp cũng bị chèn ép sẽ làm chúng tôi nản chí, mất nhiệt huyết và tự tin trên con đường tạo ra những sản phẩm văn hóa thuần Việt mà bản thân nó đã có rất nhiều những khó khăn mà chúng tôi đang cố gắng phải vượt qua.
Do đó, để tạo môi trường điện ảnh lành mạnh và phù hợp với chiến lược phát triển, chúng tôi - những người sản xuất phim Việt mong muốn các cơ quan Nhà nước có những hành động cụ thể phù hợp với Luật pháp Việt Nam, thông lệ quốc tế, nhằm hạn chế những hoạt động mang tính lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, dẫn đến việc độc quyền nhằm chèn ép các nhà sản xuất phim Việt của công ty CGV như đã nêu trên; cũng như kịp thời có những chính sách, tác động thiết thực và kiên quyết để ủng hộ cho các nhà sản xuất Việt Nam được phát triển trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng.
Trên đây là những ý kiến tâm huyết của những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của nước nhà để các đơn vị tư nhân và Nhà Nước cùng nhau có những biện pháp thực tế, hiệu quả giúp nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển, đạt những thành tựu mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ văn hóa – xã hội của mình trong tiến trình phát triển của đất nước.
Xin chân thành cảm ơn!
Bá Thông