Việt Nam sẽ là chìa khóa giúp tổng thống Obama mở cánh cửa TPP?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:56, 25/05/2016
Chuyến thăm Việt Nam dài tới 3 ngày này được báo giới Mỹ nhìn nhận như một sự kiện đặc biệt khi nó dài hơn hầu hết các chuyến công du thông thường khác của người đứng đầu Nhà Trắng. Và vì thế, nó được xem là một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của chuyến đi lần này, không chỉ về cán cân xung đột trên biển Đông hiện nay khi lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã chính thức được vị tổng thống da màu tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn.
Hãy đừng quên di sản lớn nhất mà ông Obama đang khao khát hoàn tất hơn bao giờ hết, đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và sẽ không có gì bất ngờ, nếu như một trong những mục đích lớn nhất của tổng thống Obama trong chuyến thăm lần này là muốn Việt Nam đóng vai trò chìa khóa giúp ông mở toang cánh cửa TPP mà Quốc hội Mỹ vẫn đang lưỡng lự.
Để hiểu trọn vẹn ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài 3 ngàycủa tổng thống Barack Obama, thì cần đặt chuyến đi trong bối cảnh vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút để hoàn tất các di sản như những dấu ấn cá nhân của mình trong hai nhiệm kỳ làm tổng thống.
So với các tổng thống tiền nhiệm, sự khao khát muốn để lại những di sản đóng vai tròdấu ấn cá nhân của ông Obama mãnh liệt hơn rất nhiều. Dễ dàng nhận ra điều này khi nhìn vào danh sách các di sản mà ông Obama đã hoàn tất tính đến thời điểm này, đó là thỏa thuận hạt nhân với Iran, bình thường hóa quan hệ và hướng tới hợp tác kinh tế với cựu thù Cuba, gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam như một động thái kết thúc những di sản của thời Chiến tranh Lạnh và trở thành đối tác chiến lược.
Đó là chưa kể trong vài ngày tới ông Obama cũng sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima, một trong hai nơi đã lĩnh trọn một trái bom nguyên tử của quân đội Mỹ trong thế chiến thứ hai. So với hầu hết các tổng thống tiền nhiệm, danh sách các di sản mà ông Obama để lại đang dài hơn khá nhiều, và hầu hết đều là những vấn đề mà các đời tổng thống Mỹ trước đó không thể giải quyết nổi.
Tuy nhiên, trong danh sách di sản của tổng thống Obama vẫn còn một cái chưa được hoàn tất, nó cũng được xem có thể sẽ là di sản vĩ đại nhất mà ông Obama để lại sau khi rời Nhà Trắng – Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại được đánh giá sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong hệ thống thương mại toàn cầu trong tương lai.
Dù ông Obama đã không ít lần tuyên bố sẽ sử dụng mọi ảnh hưởng và quyền lực còn lại của mình để hiệp định thương mại quan trọng này được thông qua, thì hiện tại khả năng nước Mỹ sẽ chấp nhận hiệp định này đang ngày càng mong manh. Quốc hội Mỹ vẫn đang lưỡng lự với một sự chia rẽ sâu sắc xung quanh việc có thông qua TPP hay không, trong khi hầu hết những ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ kế tiếp đều đang có xu hướng phản đối hiệp định này, từ Donald Trump của đảng Cộng Hòa cho đến Hillary Clinton và Bernie Sanders của đảng Dân Chủ.
Không nghi ngờ gì việc vị tổng thống sắp tới của nước Mỹ nhiều khả năng sẽ phủ quyết TPP, vì thế cơ hội duy nhất của tổng thống Obama là phải tìm cách để hiệp định thương mại này được thông qua ngay khi ông vẫn còn đang tại chức. Vì thế, những chuyến công du cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama, về lý thuyết sẽ được tính toán để thúc đẩy khả năng TPP được thông qua ở mức cao nhất có thể, trong đó có Việt Nam.
Nếu như việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam được xem là một di sản của ông Obama, thì cũng sẽ không nên bỏ qua vấn đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ là một trong những chủ đề chính yếu trong chuyến thăm Việt Nam lần này của vị tổng thống da màu. Trong đó, Việt Nam (và sau đó là Nhật Bản, nơi ông Obama sẽ đến thăm sau khi rời Việt Nam) sẽ đóng vai trò đòn bẩy và thậm chí là chìa khóa để giúp ông Obama thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP.
Vậy, tổng thống Obama đã làm điều đó bằng cách nào? Đó là bằng một loạt các bản hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước chỉ trong vòng 3 ngày ông Obama ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, đã có tới 7 dự án được ký kết; đặc biệt trong đó có một siêu dự án có trị giá lên tới 11,3 tỷ USD giữa hãng hàng không Vietjet và tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng Boeing, trong đó Vietjet sẽ mua 100 máy bay B737 MAX 200 của Boeing. Đây được xem là dự án hợp tác có giá trị lớn nhất từ trước đến nay giữa DN Việt Nam với DN Mỹ, đồng thời cũng là một trong những dự án có giá trị lớn nhất trong lịch sử của hãng chế tạo máy bay Boeing.
Thông điệp mà tổng thống Obama muốn gửi đến Quốc hội và người dân Mỹ thông qua hàng loạt các dự án hợp tác có giá trị lớn này là gì? Nhìn bề ngoài nó giống như những dự án hợp tác kinh tế thường thấy khi nguyên thủ hai quốc gia gặp nhau, nhưng nó lại đang chuyển tải một thông điệp hết sức quan trọng: tiềm năng mà TPP đem lại cho kinh tế Mỹ là vô tận.
Việt Nam hiện đang là nước đứng đầu ASEAN về giá trị xuất khẩu của hàng hóa sang thị trường Mỹ kể từ năm 2014 đến nay, và như nhiều người dân Mỹ nghĩ rằng trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ thì Mỹ đang là bên chịu thâm hụt thương mại. Nhưng những bản hợp đồng bom tấn như của Vietjet với Boeing đang chỉ ra rằng, việc tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam có thể đem lại cho kinh tế Mỹ những cơ hội khổng lồ, thậm chí thừa đủ sức bù đắp những thâm hụt về thương mại.
Đó là chưa kể hiện kinh tế Việt Nam vẫn đang xếp sau nhóm ASEAN 6, nghĩa là trong tương lai cơ hội nâng cao giá trị hợp tác Việt – Mỹ sẽ còn có thể tăng lên gấp nhiều lần sau khi TPP được thông qua.
Nói cách khác, trong chiến lược vận động Quốc hội Mỹ thông qua TPP của tổng thống Obama, thì Việt Nam đang giữ vai trò một biểu tượng để chỉ ra cho người dân Mỹ thấy rằng các lợi ích kinh tế mà quan hệ thương mại Việt – Mỹ nói riêng và những lợi ích kinh tế mà Mỹ sẽ nhận được nói chung nếu TPP được thông qua sẽ là rất lớn.
Rằng, một nước được đánh giá là đứng cuối cùng về kinh tế trong số các nước thành viên TPP như Việt Nam cũng có thể đem lại cho Mỹ những hợp đồng thương mại béo bở và kếch xù, thì hẳn nó sẽ còn nhân lên nhiều lần sau khi TPP được thông qua và Mỹ có thể thúc đẩy trao đổi thương mại với hàng loạt các nền kinh tế còn lớn hơn Việt Nam rất nhiều.
Vì thế, hiện Việt Nam dường như sẽ là chiếc chìa khóa giúp tổng thống Obama mở toang cánh cửa TPP, nhất là khi trọng tâm của chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của ông Obama được dự đoán sẽ tập trung vào vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân với chuyến thăm thành phố Hiroshima, chứ không phải là tăng cường hợp tác thương mại Mỹ - Nhật.