Trao quyết định thành lập Fulbright - đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:42, 25/05/2016

Ngày 25.5, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã chính thức được thành lập dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Đây là trường đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam.

Tại buổi trao quyết định thành lập, Bí thưĐinh La Thăng nói ông rất vui mừng khi Trường đại họcFulbright (FUV) có mặt tại TP.HCM và tin tưởng rằng, FUV là một đóng góp ý nghĩa vào sự phát triển của TP.HCM, để nơi này trở thành một trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới.

“TP.HCM là một trung tâm hàng đầu của Việt Namvề nhiều mặt, trong đó có giáo dục. Chúng tôi có khát vọng to lớn là giành lại ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Từ kinh nghiệm của Mỹ, chúng tôi biết chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa vàlà yếu tố quan trọng đểthực hiện mục tiêu trên. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào FUV, đồng thời TP.HCM sẽ dành những điều kiện tốt nhất cho đại họcnày để tạo ranhân lực có chất lượng", Bí thư Thăng nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu (Ảnh: PD)

Trong khi đó, Ngoại trưởng John Kerry cho rằng việc thành lập FUV sẽ mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trong lịch sử hợp tác giữa Mỹ vàViệt Nam về giáo dục đại học. Theo ông Kerry, FUV được thành lập dựa trên các nguyên tắc trọng dụng nhân tài, tự do học thuật, quản trị tự chủ, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

“Chúng tôi hy vọngFUV sẽ xây dựng một nền tảng vững chắc để thu hút các học giả và nhà khoa học Việt Nam đã được đào tạo nhiều năm ở nước ngoài, theo các chương trình hợp tác giáo dục giữa 2 nước”, ông Kerry nói thêm.

Ngoại trưởng John Kerry (Ảnh: PD)

FUV sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹvà Việt Nam. Đến nay, chính phủ Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 20 triệu USD để hỗ trợ việc thành lập trường đại học này.

Chính quyền TP.HCM cũng dành cho FUV 25 ha đất ở Khu công nghệ cao (quận 9), trong đó có 15 ha được sử dụng để xây dựng khuôn viên chính và 10 ha để dành cho khu nhà ở và ký túc xá.

Với số vốn đăng ký ban đầu là 70 triệu USD, hiện trường FUV đã nhận được cam kết tài trợ khoảng 60 triệu USD bằng tiền và các hình thức khác. Tuy nhiên, bà Đàm Bích Thủy - Hiệu trưởng FUV nói rằng họ cần nhiều tiền hơn để có thể hiện thực hoá tham vọng của trường.“Chúng tôi ước tính sẽ cần huy động 150 triệu USD trong 5 năm đầu tiên”, bà Thủy cho biết.

Bà Thủy cũng chưa tiết tiết lộ mức học phí cụ thể là bao nhiêu, nhưng theo bà dự kiến FUV sẽ có mức học phí cạnh tranh. Mặc dù vậy, để có mức học phí cạnh tranh nhưng vẫn tự chủ và độc lập về tài chính là một thách thức đối với lãnh đạo ngôi trường này.

Theo bà Thủy, đơn vị học thuật đầu tiên của FUV sẽ là khoa Chính sách công và quản lý Fulbright, một nơi đào tạo cao học chuyên ngành. Khoa này sẽ khai giảng vào mùa thu 2016, đồng thời sẽ mở các khóa cao học và các chương trình đào tạo cao cấp về chính sách công, kinh doanh… Năm2018, trường này cũng sẽ thành lập khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Fulbright với chương trình giáo dục cử nhân 4 năm.

“Sự khác biệt của FUV với các trường đại học khác đó là, FUV làtrường đại học của Việt Nam, hoạt động tạiViệt Nam nhưng tiêu chuẩn, chất lượng, mô hình đào tạo sẽ giống với các trường của Mỹ”, bà Thủy nhấn mạnh.

Đáng chú ý, FUV sẽ cấp bằng Việt Nam nhưng FUV phấn đấu đạt kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định Mỹ.Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ giảng dạy chính tại đây.

Ở giai đoạn phát triển ổn định, trường dự kiến sẽ có từ 6.000-10.000 sinh viên. Ngôi trường này cũng sẽ xây dựng một đội ngũgiảng viên quốc tế và đặc biệt chú trọng tuyển dụng những học giả và nhà khoa học người Việt được đào tạo quốc tế.

Trước đó, ngày 16.5, FUV đã chính thức nhận quyết định thành lập do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký. Quyết định thành lập cho phép FUV được tuyển sinh học viên cao học khóa đầu tiên vào cuối năm nay. Đồng thời, trường cũng sẽ triển khai công tác chuẩn bị xây dựng trụ sở chính ở Khu công nghệ cao.

Phan Diệu

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao quyết định thành lập cho FUV (Ảnh: PD)

Phan Diệu