Nhật Bản cho Việt Nam vay vốn xây Nhà máy nhiệt điện Thái Bình

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:57, 26/05/2016

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung Hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản giữa Chính phủ Việt Nam và cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) và cơ chế tài chính của khoản vay cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải (khoản vay lần 4).

Theo đó,Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho lãnh đạo Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết hiệp định vay vốn nóitrên với phía Nhật Bản. Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục đối ngoại cần thiết cho việc ký kết hiệp định vay.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của bên vay nợ liên quan đến trách nhiệm của cơ quan thực hiện dự án được quy định tại hiệp định vay; các cam kết về đảm bảo hiệu quả dự án và khả năng trả nợ bao gồm cả ưu tiên bố trí đủ nguồn trả nợ cho dự án trong những năm đầu hoạt động chưa có lãi và thu xếp đầy đủ kịp thời vốn đối ứng để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm kiểm soát trị giá vốn vay tính đến khoản vay lần 4 nằm trong mức vốn vay nước ngoài được phê duyệt; chỉ đạo EVN giám sát chặt chẽ và thực hiện dự án đúng quy định, có hiệu quả, quản lý chặt về chi phí, sản lượng và tiến độ dự án. Trong trường hợp phát sinh rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, kịp thời thông báo cho Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án tiếp theo, Bộ Tài chính có đánh giá tổng thể từ kết quả sản xuất kinh doanh của EVN đối với các cam kết của EVN về việc bù những khoản thiếu hụt trong thời gian đầu tư các dự án từ nguồn vốn tự có, đảm bảo hiệu quả và khả năng trả nợ.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình do EVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA nhiệt điện Thái Bình được giao nhiệm vụ quản lý dự án, là một trong 2 nhà máy của Trung tâm điện lực Thái Bình (TTĐL), thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ VII).

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình gồm 2 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 600MW (2x300MW), sản lượng điện phát hằng năm 3,6 tỉ kWh.

Nhà máy phát điện lên lưới điện quốc gia qua đường dây 220kV mạch kép từ TTĐL Thái Bình - trạm biến áp 220kV Thái Bình. Tổng mức đầu tư của dự án là 26,5 nghìn tỉ đồng(tương đương với 1,27 tỉ USD), trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%, phần15% còn lại là vốn đối ứng của EVN.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, là loại công nghệ đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than khai thácở tỉnh Quảng Ninh.Nhu cầu tiêu thụ than cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình khoảng 1,5 triệu tấn/năm.

Gói thầu số 11 là gói thầu xây dựng nhà máy chính, được thực hiện theo hình thứcEPC(thiết kế - cung cấp vật tư thiết bị và xây lắp) và nhà thầu Marubeni đã trúng thầu với giá trị hợp đồng là 1,02 tỉ USD. Gói thầu này được khởi công xây dựng hồi tháng 2.2014.

Trí Lâm

Trí Lâm