Xót lòng khi nhìn những tài năng nhí bị... “ép chín”

Văn hóa - Ngày đăng : 11:37, 26/05/2016

Chật vật tập luyện hát to, khỏe, chạm đến những nốt cao của bản nhạc quá sức... là tình trạng đang diễn ra với nhiều sinh nhí tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng. Việc người huấn luyện yêu cầu các em thể hiện các ca khúc gượng gạo, thiếu cảm xúc, không phù hợp với lứa tuổi có thể xem như một kiểu thúc trái cây “chín ép”.

Biến trẻ em thành người lớn

Khoe giọng điệu trong trẻo trong đêm liveshow 1 chương trình Thần tượng Âm nhạc nhí 2016 (VTV3 tối 22.5), “búp bê” nhỏ Khánh Linh đã khiến nhiều khán giả trầm trồ. Phần trình diễn của em khiến giám khảo – ca sĩ Văn Mai Hương ngả mũ cúi đầu nói: “Giọng hát của con vô cùng sáng, vô cùng vang. Xin nhận của tại hạ một lạy. Con có biết không, “Thư pháp” là ca khúc mà người lớn còn khó hát...". Kết quả công bố không có gì bất ngờ khi Khánh Linh trở thành thí sinh nhận được nhận số phiếu bình chọn cao nhất từ khán giả và ban giám khảo với 60,92%.

Xem trọn 6 tiết mục của liveshow 1, nhiều ca sĩ chuyên nghiệp hẳn phải… giật mình vì những bài của các thí sinh nhí khiến họ phải... toát mồ hồi. Thậm chí, bộ ba giám khảo gồm các ca sĩ Isaac, Văn Mai Hương, Tóc Tiên cũng phải đứng ngồi không yên trước những phần biểu diễn các thí sinh nhí. Cũng liều mình lựa chọn một ca khúc độ khó không kém, tuy nhiên, Linh Hoa – Quán quân “Bước nhảy hoàn vũ nhí” mùa 1 đã không thành công như “búp bê” Khánh Linh. Ca khúc “Roar” được đánh giá là bài hát quá sức với Linh Hoa. Giám khảo Văn Mai Hương đánh giá bài hát thậm chí còn khó với bản thân người hát gốc. Điều đó cho thấy, nếu chọn hát một ca khúc vừa phải phù hợp tông giọng, có lẽ Linh Hoa đã không chia tay chương trình trong nước mắt.

Được biết, để có mặt trong chương trình này, tại vòng thi trước đó, các thí sinh nhí phải đối mặt với những sáng tác không hề “dễ nuốt”, đa số thí sinh theo sự định hướng của người hướng dẫn đã lựa chọn những bài hát có thể nói chỉ hợp với ca sĩ trưởng thành như: “Ly cà phê Ban Mê”, “Tự nguyện”, “Tiếng đàn Chapi”, “Đất nước lời ru”, “Đôi chân trần”, “Hồ trên núi”, “Và ta đã thấy mặt trời”, “Xuân chiến khu”… Thậm chí còn có những bài hát có nội dung vượt quá suy nghĩ, tâm sinh lý lứa tuổi của các em như trường hợp cậu bé đến từ New Zealand Jayden Trịnh dù chưa nói sõi và hiểu rõ tiếng Việt nhưng chọn hát ca khúc “Sắc màu” của nhạc sĩ Trần Tiến.

Cần cố vấn dẫn dắt đúng hướng

Nhắc đến sự định hướng lựa chọn của các thí sinh nhí thành công, không thể bỏ qua trường hợp của Đức Vĩnh- cậu bé 9 tuổi đã đăng quang ngôi vị Quán quân Tìm kiếm tài năng – Vietnam’s Got Talent 2014. Ai cũng phải nhớ đến lần những lần Đức Vĩnh hóa thân thành “Cô Mầu nhí” trong trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”, hát xẩm với “Cô Đôi thượng ngàn”, vào vai Xúy Vân trong vở chèo nổi tiếng “Kim Nham”, thể hiện trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”...

Điều này cho thấy, cậu bé dù chưa qua trường lớp đào tạo nghệ thuật nào nhưng nếu được nghệ sĩ chuyên về chèo, tuồng giúp sức tập luyện các tiết mục phù hợp thì em vẫn sẽ tỏa sáng đúng với khả năng bẩm sinh có thể thể hiện đa thể loại: Chèo, tuồng, dân ca, xẩm, chầu văn… Đó là phẩm chất mà chẳng cần phải “lên gân cốt” để tạo ấn tượng, hay “chín ép” đầy gượng gạo, vượt quá sức so với lứa tuổi các em.

Thực tế chứng minh, niềm đam mê, khả năng tốt về âm nhạc chưa hẳn đủ để quyết định đến thành công. Bởi điều đó còn phụ thuộc phần nhiều vào sự định hướng hỗ trợ một cách đúng đắn, đúng thời điểm cho các tài năng, đặc biệt là với những tài năng nhí. Gần đây nhất, dù phải chia tay không nhận được giải thưởng cao của chương trình Tìm kiếm tài năng 2016, nhưng dẫu sao cô bé Võ Hương Giang (7 tuổi) đã được thể hiện đúng khả năng của mình và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả khi em biểu diễn thành công tiết mục tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Nghệ sĩ Trấn Thành gọi Hương Giang là “hiện tượng” bởi ở độ tuổi này đã đạt đến đẳng cấp của bộ môn tuồng.

Còn nghệ sĩ Việt Hương khen ngợi thí sinh này là nghệ sĩ thực thụ vì quá xuất sắc. Cô bé 7 tuổi lạc quan sau cuộc thi: “Có lẽ vì con quá nhỏ nên con sẽ gắng vừa học tập thật giỏi, vừa tập luyện biểu diễn tuồng, chèo, hát xẩm thật hay để lớn lên trở thành nghệ sĩ theo đúng ước mơ”.

Từ góc độ là người định hướng tài năng cho các thí sinh yêu thích nghệ thuật truyền thống, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng, điều quan trọng của người định hướng là thấy được sự say mê và xác định xem tố chất nghệ thuật của các bé có thể làm tốt được việc đó không. Vì ngoài say mê ra, mỗi người trình diễn dù là chuyên hay không chuyên muốn tham gia vai diễn phải có tính cách và khả năng biểu cảm vai diễn.

Từ đó, người thầy, người định hướng mới có thể hướng đúng cho các cháu biểu diễn ra sao cho phù hợp. “Nếu như không nắm được tố chất, niềm say mê từ người học, vô hình trung người hướng dẫn sẽ định hướng sai đi mặc dù bản thân các cháu rất thích, làm uổng phí những cảm xúc đầu tiên đối với nghệ thuật” – ông Tuấn nói.

Theo Mỵ Lương/ Dân Việt

motthegioi