Tốc độ cải cách vẫn chưa bắt kịp yêu cầu thực tế
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:51, 27/05/2016
Chỉ còn vài ngày nữa là tròn một tháng kể từ thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng cùng các bộ ngành với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra vào ngày 29.4. Trong suốt một tháng đầy kỳ vọng ấy, đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết cùng những động thái mang tính biểu tượng cho cải cách kinh tế một cách mạnh mẽ. Và giờ là lúc cần phải tiến hành thực hiện những cam kết ấy trong thực tế. Ý nghĩa thực sự của cải cách kinh tế là hiệu quả thực tế chứ không phải những lời cam kết. Và một cuộc cải cách chỉ được coi là thành công khi nó bắt kịp được với tốc độ của những yêu cầu trong thực tế; còn nếu tốc độ cải cách diễn ra chậm hơn so với yêu cầu thực tế, thì đó chưa thể gọi là một cuộc cải cách thành công được.
Những con số thống kê mới nhất đang cho thấy, những vấn đề chủ yếu trong nền kinh tế Việt Nam đang diễn ra với tốc độ và quy mô ngày càng nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán. Chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp. Theo báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động, thương binh và xã hội thì trong quý I.2016 cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có thêm 35.400 lao động có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp, nâng tổng số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp lên con số 190.900 người, tăng 22,8% so với quý IV.2015.
Sự tăng nhanh vượt quá mức dự đoán của tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt là trong tầng lớp lao động trí thức đang thực sự là một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại.Nó đang cho thấy một khía cạnh khác của tốc độ tăng trưởngmà kinh tế Việt Nam đạt được trong quý I.2016 không chỉ do các nguyên nhân đến từ lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các chuyên gia cho rằng tình trạng hạn hán thiên tai ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long là nguyên nhân hàng đầu khiến cho kinh tế Việt Nam trì trệ và chỉ đạt được tốc 5,46% trong quý I vừa qua. Nhưng thực tế lại đang cho thấy không chỉ có ngành nông nghiệp, mà các bộ phận chủ chốt khác trong nền kinh tế cũng đang có vấn đề, như sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Vì mức tăng 35.400 lao động có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp trong quý I năm nay rõ ràng không có gì liên quan đến tình trạng hạn mặn thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long cả. Nó đang cho thấy, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ đang có dấu hiệu rơi vào trì trệvà không đủ khả năng hấp thụ thêm lực lượng lao động có trình độ đại học đang nhàn rỗi trong nền kinh tế.
Điều này cho thấy, trong khi quá trình cải cách kinh tế mới chỉ bắt đầu rục rịch diễn ra, thì các vấn đề cần giải quyết trong nền kinh tế Việt Nam lại đang tăng nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Kinh tế tăng trưởng chậm hơn, thất nghiệp nhiều hơn, số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngưng hoạt động trong nền kinh tế cũng tăng mạnh hơn. Nó đang đặt ra yêu cầu về sự tăng tốc cần thiết của quá trình cải cách kinh tế của Chính phủ cùng các bộ ngành và địa phương, để có thể bắt kịp các vấn đề trong nền kinh tế đang diễn ra ngày càng khó lường hơn.
Tuy nhiên, quá trình cải cách kinh tế mà Chính phủ vừa công bố triển khai lại đang diễn ra khá chậm chạp và chưa có nhiều hiệu quả thực sự trong thực tế. Đề án “quốc gia khởi nghiệp” trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu DN đã được công bố và bắt đầu triển khai, tuy nhiên những động thái hỗ trợ DN thực sự thì vẫn chưa có nhiều. Chẳng hạn như trong vấn đề giảm thuế phí phải đóng của các DN. Dù Thủ tướng đã chính thức yêu cầu các bộ ngành xem xét giảm mức đóng thuế phí đang lên tới 39,4% cho các DN, thì các bộ ngành vẫn cho rằng khả năng giảm ngay là điều rất khó, lãnh đạo Bộ Tài chính đã khẳng định không thể đưa ra một cam kết hay lộ trình giảm thuế một cách chắc chắn nào, nhưng lại đưa ra lộ trình chắc chắn về việc sẽ tăng thuế phí trong tương lai, cụ thể là tăng mức lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội trong một loạt các lĩnh vực từ nay đến năm 2018.
Theo luật sư Trương Thanh Đức của Công ty luật Basicothì dù các bộ ngành đã đưa ra nhiều phương án giảm thuế cho các DN, nhưng vấn đề là số tiền thuế mà DN phải đóng hầu như vẫn không thay đổi. Dù mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp trong vài năm qua đã giảm rất mạnh (từ 28% năm 2004 xuống còn 20% năm 2016), nhưng do áp lực thu ngân sách nên cơ quan thuế bị khoán chỉ tiêu thu và số tiền thuế mà DN phải nộp luôn tăng lên chứ không giảm đi, bởi nhiều khoản chi phí trước đây được DN trừ trước khi tính thuế nhưng nay lại không.
Rõ ràng là đang có một khoảng cách khá xa giữa những cam kết cải cách nền kinh tế của Thủ tướng đến việc thực thi trong thực tế của các bộ ngành và địa phương. Để thay đổi triệt để tình trạng này có lẽ Thủ tướng cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện mục tiêu trở thành một chính phủ kiến tạo và phục vụ, trong đó Thủ tướng có thể đẩy mạnh hơn quá trình thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy các DN trong nước phát triển theo đúng tinh thần của chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”. Sẽ không thể có những đột phá cần thiết trong nền kinh tế, nếu như những hỏng hóc vốn tồn tại lâu nay trong nền kinh tế không được tẩy rửa và sửa chữa. Một cỗ xe sẽ không thể tăng tốc nếu vẫn giữ nguyênđộng cơ đầy hỏng hóc và trục trặc của mình.
Đó là chưa kể, tình trạng hiện nay đang cho thấyViệt Nam không còn nhiều thời gian trước mắt. Sự sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu đang tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam, thông qua sự trì trệ của các ngành chủ lực như sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Điều này đã khiến cho tỷ lệ thất nghiệp đang ngày càng gia tăng do số lao động mới đủ tuổi lao động đang ngày càng nhiều thêm trong khi các ngành kinh tế lại không đủ sức hấp thụ do kinh tế trì trệ.
Nếu không có biện pháp giải quyết nhanh chóng, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ trở thành một chiếc nồi áp suất thực sự, đến một lúc nào đó sẽ nổ bùng nếu không được xả bớt hơi. Chỉ có một cách duy nhất để giải quyết tình trạng hiện tại, đó là thực hiện đúng tinh thần của chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” như một cách để giải phóng tiềm năng thực sự trong nền kinh tế. Một khi số DN tăng lên gấp đôithì việc giải quyết hơn 1 triệu lao động thất nghiệp hiện nay cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là điều quá dễ dàng.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)