8 việc cần làm ngay của Bộ trưởng Giáo dục

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:45, 28/05/2016

Ngày 27.5, Văn phòng Bộ GD-ĐT phát thông báo số 338 truyền đạt kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố.

Theo đó, Bộ trưởng ghi nhận, thời gian qua GD-ĐT đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục được mở rộng, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ...Tuy nhiên, chất lượng GD-ĐT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế. Hiện tượng "dạy thêm - học thêm", "chạy trường, chạy lớp", thu chi không đúng quy định...vẫn chưa khắc phục triệt để.

Để khắc phục những hạn chế, Bộ trưởng chỉ đạo: Bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên của ngành, các sở cần triển khai các nhiệm vụ sau ngay trong năm 2016.

Căn cứ các quy định hiện hành, các sở xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết và kế hoạch hành động tới từng trường, từng cán bộ, giáo viên của địa phương. Kế hoạch tuyên truyền gửi về Bộ trước ngày 30.6.

Trước ngày 31.7, gửi về Bộ tổng hợp những bất cập trong quá trình triển khai nhiệm vụ về GD-ĐT tại địa phương. Đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm giải quyết những bất cập để có kế hoạch khắc phục.

Nhiệm vụ thứ 3, Bộ trưởng yêu cầu các sở rà soát và cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của địa phương, đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện để nâng cao chất lượng GD-ĐT ở địa phương. Báo cáo gửi về Bộ trước ngày 31.8.

Việc xây dựng báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 cần chỉ rõ những kết quả nổi bật, những hạn chế - yếu kém...Công tác khen thưởng phải thực chất. Mỗi địa phương chọn ra 2 giáo viên và 2 học sinh tiêu biểu nhất để Bộ trưởng khen ngợi và gặp mặt trực tiếp. Báo cáo gửi về Bộ trước ngày 31.8.

Trước ngày 30.6, các địa phương có đánh giá, kiến nghị gửi về Bộ về việc triển khai Thông tư 30; triển khai mô hình trường học mới; phương pháp "bàn tay nặn bột"...để xem xét, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp thực tế từng địa phương.

Nhiệm vụ thứ 6, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương có chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp đúng quy định, khắc phục hiện tượng "chạy trường, chạy lớp"...

Đồng thời, tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện để "Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; xây dựng và triển khai các giải pháp chống tình trạng "bạo lực học đường"...

Nhiệm vụ cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh hơn công tác truyền thông về GD-ĐT. Giao Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch để Bộ trưởng làm việc định kỳ hoặc hội nghị chuyên đề giữa Bộ với các sở và lãnh đạo địa phương.

Bộ trưởng khuyến khích các sở đề xuất các sáng kiến, chuyên đề nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời Bộ sẽ tăng cường lắng nghe ý kiến các địa phương trước khi đưa ra những chủ trương, quyết sách cho toàn ngành.

Nguyễn Hiền - Vietnamnet

Ảnh: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Theo Vietnamnet