Lập trường học mang tên Hoàng Sa là ‘việc đương nhiên phải làm’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:57, 30/05/2016
Trường công lập này đóng ở số 7 Vũ Tông Phan (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) được nói là tạo điều kiện cho con em ngư dân thuộc khu vực ven biển và giáp với phường Mân Thái theo học.Trường sẽ đi vào hoạt động đầu tháng 7.2016; nhà trường sẽ tuyển học sinh lớp 6 cho năm học 2016 - 2017; số học sinh các khối 7, 8 và 9 được chuyển từ trường THCS Lý Tự Trọng (P.Thọ Quang) sang.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa nói Đà Nẵng thành lập và đặt tên trường học theo tên quần đảo Hoàng Sa là "việc đương nhiên phải làm". Ông Ngữ cho rằng việc đặt tên trường học là Hoàng Sa sẽ là tiền đề cho việc kéo Hoàng Sa về đất liền. Nếu việc tách hai phường Mân Thái và Thọ Quang để nhập vào UBND huyện Hoàng Sa được Trung ương chấp thuận, thì huyện đảo khi đó đã có những thực thể, ít nhất là trường học.
Kéo Hoàng Sa vào đất liền
Nhận định này đã từng được ông Đặng Công Ngữ khẳng định với báo điện tử Một Thế Giới. Đây cũng là kiến nghị nhiều lần của các đại biểu ở Đà Nẵng.
Thực tế, từ những năm 1969, việc kéo Hoàng Sa vào đất liền đã được khởi sự. Tuy nhiên, sau khi bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, đến nay huyện Hoàng Sa của Đà Nẵng không có đơn vị hành chính cụ thể, dân không có.
“Cũng như bao huyện thị trực thuộc khác, để nó toàn diện, đầy đủ thì phải hoàn chỉnh bộ máyhành chính, đoàn thể địa phương, quản lý lãnh thổ, có HĐND và UBND theo Luật Chính quyền địa phương”, ông Ngữ nói.
Hoàng Sa từ thời Nguyễn đã có chính quyền quản lý; hay thời Việt Nam Cộng Hòa đã đưa Hoàng Sa vào đất liền (toàn quần đảo Hoàng Sa lúc đó được định danh là xã Định Hải, sáp nhập vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam).
Tại Đà Nẵng những năm vừa qua đã có nhiều đề xuất nhập hai phường Thọ Quang và Mân Thái của quận Sơn Trà vào huyện Hoàng Sa. Quan điểm của ông Ngữ thì chỉ cần một phường cũng được, như ngày xưa chính quyền VNCH nhập vào xã Hòa Long.
Đưa hải chiến Hoàng Sa vào SGK
ĐàNẵng cũng đã soạn một bộ sách lịch sử nói rõ về hải chiến Hoàng Sa và việc quần đảo này bị Trung Quốc cưỡngchiếm trái phépvào năm 1974, đưa vào giảng dạy học sinh 2 bậc THCS và THPT từ 2 năm nay. Bộ sách do ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng chủ biên, xuất bản bởi NXB Giáo dục Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, hai cuốn này có tổng số 11 tiết học, trong đó 7 tiết cho cấp THCS, 4 tiết cho cấp THPT.
Theo đó, Đà Nẵng không dạy riêng một chương trình, bài giảng về Hoàng Sa, Trường Sa mà đưa Hoàng Sa, Trường Sa là một phần quan trọng trong lịch sử 700 năm của Đà Nẵng.
Ví dụ, cuốn dành cho cấp THPT bắt đầu bằng bài Đà Nẵng từ khởi thủy đến giữa thế kỷ 19, bài 2 Đà Nẵng giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, bài 3 Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp, bài 4 Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời kỳ xây dựng đất nước từ năm 1975. Trong từng thời kỳ lịch sử đó, Hoàng Sa đều hiện ra và được xâu chuỗi. Trong bài 1, có phần quan trọng là Hoàng Sa thuộc về nước Đại Việt. Trong bài 2 có phần nói về quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn…
Ông Nguyễn Minh Hùng cho hay, hiện hai cấp THCS và THPT thành phố (có gần 100 ngàn học sinh) đã được đưa bộ sách vào dạy chính thức ở học kỳ 2 năm học 2014 - 2015. Năm học này đã được đưa ra học đại trà.
Lê Đình Dũng
Ảnh: Bộ SGK Lịch sử Đà Nẵng có nói rõ về hải chiến Hoàng Sa và thực tế quần đảo Hoàng Sa đã mất vào tay Trung Quốc - Ảnh: Lê Đình Dũng.