Cải cách kinh tế và chuyện người Việt vẫn đang tự hại lẫn nhau

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:10, 30/05/2016

Dù chính sách, pháp luật và những hỗ trợ từ phía chính phủ có hào phóng đến đâu thì cũng vẫn chưa đủ để cải cách nền kinh tế thành công, nếu như các DN không thể tìm được tiếng nói chung và đồng tâm hiệp lực, và vẫn để tình trạng tự làm hại lẫn nhau diễn ra trong nền kinh tế.

Qúa trình cải cách nền kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại đã chính thức được phát độngvà đang tạo ra không khí hào hứng lớn đối với không chỉ người dân mà còn với cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Dù vẫn còn rất nhiều những khó khăn trong quá trìnhcăn bảnchuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ lấy khu vực kinh tế quốc doanh làm chủ đạo chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân làm trụ cột và động lực, nhưng có thể hy vọng những nỗ lực của Chính phủ và Nhà nước sẽ dần cải thiện được tình hình theo thời gian.

Nhưng, Chính phủ và Nhà nước chỉ có thể giải quyết những khó khăn vướng mắc về mặt chính sách, pháp luật, còn những khó khăn và thách thức về sự nỗ lực tự thân thì lại là câu chuyện riêng của các doanh nghiệp (DN) nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Dù chính sách, pháp luật và những hỗ trợ từ phía Chính phủ có hào phóng đến đâu, thì cũng vẫn chưa đủ để cải cách nền kinh tế thành công, nếu như các DN không thể tìm được tiếng nói chung và đồng tâm hiệp lựcvà vẫn để tình trạng tự làm hại lẫn nhau diễn ra trong nền kinh tế.

Đúng là so với các DN tại một số quốc gia trong khu vực, thì DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng khả năng cạnh tranh, khi tỷ lệ thuế phí, giá nhân công cùng với việc ít nhận được hỗ trợ từ phía Chính phủ của các DN Việt Nam đang cao hơn khá nhiều so với các DN trong khu vực.

Nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua yếu tố nỗ lực bản thân để thay đổi của các DN trong nước.

Có thể kể đến nhiều trường hợp điển hình trong nền kinh tế. Chẳng hạn như những cái tên như Saigon Co.op hay Vinmart trong mảng bán lẻ, khi các chuyên gia đánh giá 50% thị trường đã nằm trong tay các DN Thái Lan thì hai hệ thống bán lẻ này vẫn đang phát triển khá mạnh và vẫn đang cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Sự tồn tại và cạnh tranh sòng phẳng của Saigon Co.op và Vinmart đang cho thấy, kể cả trong những lĩnh vực đã bị nước ngoài thâu tóm nhiều nhất trong nền kinh tế như bán lẻ, thì DN Việt Nam vẫn luôn có chỗ đứng và cạnh tranh nếu như có sự nỗ lực tự thân.

Tuy nhiên, những điều đáng mừng đó không phải diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, khi mà tình trạng thiếu liên kết, tự gây khó khăn và thậm chí làm hại lẫn nhau vẫn đang là một trong những nan đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Về lý thuyết, lẽ ra sự xâm lấn của các DN và các sản phẩm nước ngoài vào thị trường phải trở thành động lực để các DN trong nước liên kết với nhau, nâng cao sức cạnh tranh để đối phó với tình trạng bị hàng ngoại lấn ép ngay trên sân nhà, thì nó lại không diễn ra. Thậm chí, không ít DN trong nước bắt tay với các DN nước ngoài để quay lại chèn ép, thậm chí hãm hại các DN trong nước khác như một biện pháp để kiếm lời.

Nói cách khác, chúng ta đang trở nên chia rẽ và mất đoàn kết nhất ngay ở trong thời điểm mà sự xâm nhập của hàng hóa và các DN nước ngoài đang trở nên gay go nhất, thời điểm mà lẽ ra chúng ta cần trở nên đoàn kết nhất.

Sự thiếu đoàn kết và chia rẽ đó của người Việt Nam trong nền kinh tế hiện nay chủ yếu diễn ra trên hai khía cạnh: thiếu liên kết và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các DN trong nước, và giữa các DN trong nước với nhau.

Sự thiếu liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các DN trong nước, điển hình là trong lĩnh vực bán lẻ, là một trong những bài học vô cùng đắt giá mà chúng ta không được phép lặp lại trong tương lai gần. Chính việc thiếu liên kết và hỗ trợ lẫn nhau đã khiến cho tình trạng các DN bán lẻ nước ngoài lách luật để cạnh tranh không lành mạnh diễn ra tràn ngập trong thời gian qua.

Công cụ pháp lý về kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT - vốn là quy định về phân bổ vị trí các hệ thống siêu thị bán lẻ phù hợp với nhu cầu kinh tế của từng khu vực, đã bị bỏ qua. Nếu như ENT được áp dụng một cách nghiêm ngặt, sẽ không thể có chuyện các siêu thị bán lẻ nước ngoài được mọc lên ngay cạnh các siêu thị trong nước vốn được xây dựng từ trước đó như một cách thức cạnh tranh không lành mạnh và thậm chí vi phạm pháp luật.

Chính sách tập trung thu hút FDI đã khiến cho các cơ quan quản lý gần như bỏ quên quy định này, vô tình khiến cho các DN bán lẻ trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Việc các cơ quan quản lý vì sơ suất hoặc thiếu hiệu quả đã gây ra những tác động xấu với DN trong nước không phải là việc hiếm. Một trường hợp điển hình gần nhất là vụ việc đình đám liên quan đến thương hiệu xúc xích Vietfoods. DN chuyên chế biến thực phẩm này đã bị thiệt hại nặng nề lên tới hàng chục tỷ đồng chỉ vì Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã công bố thông tin trong sản phẩm xúc xích của DN này có chứa chất cấm gây ung thư.

Tuy nhiên, quá trình điều tra đã kết luận rằng thông tin này là không chính xác, và dù Chi cục quản lý thị trường có thừa nhận lỗi đi nữa, thì hậu quả tài chính và ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu thực phẩm này cũng đã bị tổn hại nặng nề, và việc có thể hồi phục một thương hiệu nhất là trong lĩnh vực thực phẩm là điều không hề dễ dàng.

Sự thiếu liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn diễn ra giữa các DN trong nước với nhau. Trước áp lực lớn từ sự xâm lấn của hàng ngoại chất lượng tốt và giá rẻ, nhiều chuyên gia đã dự đoán các DN trong nước vốn yếu hơn về tiềm lực và tên tuổi sẽ phải hợp tác với nhau như một biện pháp sống còn, nhưng rất tiếc là nó đã không diễn ra trên thực tế.

Không những các DN trong nước vẫn chưa thực sự liên kết và hợp tác với nhau, mà lại dần xuất hiện xu hướng các DN trong nước đang tự làm hại lẫn nhau, thậm chí còn lợi dụng việc DN khác bị DN nước ngoài o ép để kiếm lợi.

Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến trong lĩnh vực bán lẻ, nơi 50% thị trường đang ở trong tay các DN Thái Lan và đang có nhiều biến động nhất. Đã xảy ra tình trạng nhiều DN trong nước không chịu nổi các điều kiện để đưa hàng vào các siêu thị ngoại như mức chiết khấu cao hay thời gian thanh toán quá dài, đã phải rút hàng và tìm cách đưa hàng vào các siêu thị nội như một giải pháp cuối cùng.

Tuy nhiên, nhiều siêu thị nội lại lợi dụng tình trạng này để o ép, tăng yêu sách và điều kiện với sản phẩm của các DN sản xuất trong nước. Rõ ràng, nền sản xuất trong nước không chỉ đang phải chịu sức ép từ sự đổ bộ và xâm lăng của các DN bán lẻ nước ngoài, mà còn đang phải chịu sức ép từ chính các DN bán lẻ trong nước khác.

Và vấn đề này, đáng tiếc là không thể giải quyết bằng các công cụ hành chính hay pháp luật, mà chỉ có thể giải quyết từ sự tự ý thức về quyền lợi của các DN trong nước với nhau.

Nhàn Đàm (bài viết sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)

Nhàn Đàm