Từ 1.6: ‘nới lỏng’ việc vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:43, 31/05/2016
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 27.5 đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo Thông tư này, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệpxuất khẩu sẽ được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ.
Cụ thể, NHNN sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 điều 3 Thông tư số 24/2015/TT-NHNN với nội dung các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luậtquy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Được biết, quy định này chính thức có hiệu lực từ 1.6.2016 và được thực hiện đến hết ngày 31.12.2016.
Theo NHNN, việc mở lại cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế-xã hội còn khó khăn.
Trước đó, sau hơn 1 tuần kể từ khi Thông tư 24/2015/TT-NHNN của NHNN quy định về việc cho vay ngoại tệ chính thức có hiệu lực, cácdoanh nghiệpthủy sản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)đã có văn bản kiến nghị xem xét về việc cho các doanh nghiệp thủy sản có thêm cơ hội để vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Theo VASEP, Nhà nước hiệncó chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, gia tăng xuất khẩu. Thế nhưng, kể từ tháng 4.2016, doanh nghiệp xuất khẩu mang lại ngoại tệ không còn được vay ngoại tệ với lãi suất từ 2-2,5%/năm. Thay vào đó, các doanh nghiệp này phải vay vốn bằng VND với lãi suất cao hơn từ 6-6,5%/năm.
Điều này không chỉ làm giảm đi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI khi họ có được các khoản vay hoặc nguồn vốn bằng ngoại tệ.
Chưa kể, năm 2016, ngành nông lâm thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với việc sức cạnh tranh bị giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2015 đạt 30 tỉ USD, giảm mạnh so với năm 2014.Tính riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt khoảng 6,7 tỉ USD, giảm hơn 1 tỉ USD so với năm 2014.
Hơn nữa, hiện đa phầndoanh nghiệp Việt Nam tham giasản xuất xuất khẩu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2015 do đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Các doanh nghiệp này chưa thể kịp cơ cấu sắp xếp được nguồn vốn khả dĩ cho các phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu năm 2016.
Cho nên, với quy định chỉ cho vay đến 31.3.2016, các doanh nghiệp đang phải chuyển sang vay nguồn ngắn hạn bằng VND lãi suất cao hơn nên càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Phan Diệu