Khi vợ là sếp

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:39, 01/06/2016

Một chút mềm dẻo, nhẫn nhịn, biết giấu bớt đi một chút sắc sảo, thông minh, độc lập cá nhân của mình sẽ giúp ta có được mái ấm thanh bình.

Bạn bè tôi thường bảo: Thằng Hiên là sướng nhất, vợ giám đốc, tiền bạc rủng rẻng, đi nước ngoài như đi chợ. Nó chỉ suốt ngày làm thơ và trồng cây cảnh, đi làm như đi chơi… Mỗi lần nghe vậy, Hiên đều cười… bí ẩn. Có khi anh chua chát đùa lại: “Sướng khổ không biết đâu mà lường!”. Chẳng ai để tâm đến lời Hiên, cho đến khi gia đình anh lục đục vì Hiên ngoại tình, rồi vợ chồng ly hôn.

Làm sếp mọi lúc, mọi nơi

Thật ra, chúng tôi ngưỡng mộ gia đình cũ của Hiên là do nhìn vào đời sống lên xe xuống ngựa của họ, chứ chẳng mấy ai thích vợ Hiên. Chưa bao giờ cô vợ quyền cao chức trọng ấy tham dự những buổi họp mặt bạn bè của chồng. Những khi chúng tôi có việc ghé nhà, tình cờ gặp Nhung - vợ Hiên, thì Nhung có thái độ lạnh nhạt, chỉ giữ đủ phép lịch sự. Cô thể hiện sự cao ngạo có lẽ vì tự xem chúng tôi không thuộc đẳng cấp, không đồng vai phải lứa. Không chỉ thế, chúng tôi còn rất bất mãn vì trước mặt người ngoài, Nhung cũng đối xử với chồng rất kẻ cả.

Có nằm mơ cũng không tưởng tượng được có ngày Nhung lại tìm đến chúng tôi để kể lể chuyện Hiên đã phản bội cô vì một cô gái khác. Hình như khi rơi vào đau khổ, người ta phải hạ cánh xuống mặt đất để đứng cho vững hơn. Chỉ tiếc là, nghe bà tổng giám đốc ấy trút những tâm sự cay đắng, chúng tôi không nhận thấy tình yêu hay sự xót xa cho cái gia đình vừa đổ vỡ mà chỉ thấy Nhung tổn thương khi “thua cuộc” bởi một phụ nữ tầm thường.

Tôi khuyên: Hãy dịu dàng với chồng hơn, “lạt mềm buộc chặt”; hãy bỏ qua phút lạc lòng của chồng, đừng đẩy anh ấy về phía tình địch; hãy chăm sóc chồng nhiều hơn, nhất là chăm sóc gia đình, cha mẹ, anh em của anh ấy… Thật bất ngờ, Nhung thốt lên: “Tại sao tôi lại phải làm thế với anh ta? Cái nhà này một tay tôi gầy dựng, con cái một tay tôi lo. Anh ta chỉ là một nhân viên quèn, thu nhập không đủ trả tiền điện hàng tháng. Tại sao tôi lại phải nhún mình, phải chịu lép vế? Tôi bận trăm nghìn công việc, về đến nhà còn phải xuống nước để giữ chồng nữa sao?”. Tôi chỉ biết mỉm cười. Thương và hiểu hơn thằng bạn có vợ giám đốc của mình.

Có thể vừa là sếp, vừa là vợ?

Chuyện về sếp Hồng Dung ở công ty truyền thông H. là đề tài thường trực của các nữ nhân viên. Họ rất ngạc nhiên về sự “gan lỳ” đến mức vô cảm của một người vợ, người mẹ. Phấn đấu 5 năm trời cùng sếp tổng từ ngày công ty mới ra đời, khi sinh đứa con đầu lòng, Dung đã trở thành cánh tay phải của sếp. Chẳng biết vì công việc, chức vụ hay mức lương khủng mà Dung yêu công việc và công ty đến gần như mù quáng.

Mỗi ngày Dung đến công ty lúc 8 giờ sáng và không ngày nào rời công ty trước 10 giờ đêm. Con mới ba tuần tuổi, Dung đã đi làm trở lại. Công ty có nhà trẻ riêng, nên sáng sớm là cô tha con đến, giao cho các cô trông trẻ. Chiều tối, nếu chồng đi công tác xa thì đứa bé lăn lê ở nhà trẻ với hết nhân viên này đến nhân viên khác. Đi sớm, về khuya nên đứa bé lúc nào cũng ho hen, bệnh vặt. Trong những chuyến du lịch cùng công ty, ai nấy đều bất mãn vì cách xử sự của Dung với chồng con. Lúc nào cô cũng ung dung nghỉ ngơi, trong khi anh Hùng chồng chị hết cho con ăn đến chơi với con, ru ngủ, ẵm bồng.

Có lần, đang giờ làm việc, nghe cô giáo điện thoại báo con bé sốt cao, yêu cầu người nhà đón về, Dung bảo chồng đón con đưa về nhà, canh chừng con, còn cô vẫn làm việc đến tối. Ngay cả khi con nằm bệnh viện, cô vẫn đi làm, còn lý luận: “Mình ở bệnh viện cũng đâu giúp gì được. Có bác sĩ với anh Hùng và bà ngoại rồi. Còn việc công ty, không có mình thì ai làm?”. Cứ tưởng Dung sẽ gắn bó với công ty trọn đời trọn kiếp, không ngờ đùng một cái, cô bị cho thôi việc vì một vụ gì đó rất lớn có dính đến tiền bạc.

Lúc đó, Dung lại vừa xây nhà, một căn biệt thự lớn ở Phú Mỹ Hưng, vay ngân hàng đến cả tỷ đồng. Dung sụp đổ hoàn toàn. Không ngờ người chồng mẫn cán của cô lại bình tĩnh bảo vợ: “Em đừng lo, mọi việc rồi sẽ ổn”. Và, anh cùng những người thân trong gia đình đã thực sự thành chỗ dựa của Dung trong những ngày hoảng loạn tưởng là đã mất tất cả.

Sau sự kiện đó, Dung thay đổi hoàn toàn. Cô bảo, lúc hoạn nạn mới biết chỉ có gia đình là không bao giờ bỏ mình. Quan trọng nhất là cô đã nhận ra chồng có thể bảo bọc cho mình và gia đình, chứ không phải là người đàn ông “vô tích sự” như cô đã nghĩ. Với bề dày kinh nghiệm và năng lực của mình, Dung nhanh chóng tìm được một vị trí lãnh đạo ở công ty khác, nhưng dù được trả lương cao đến đâu, cô vẫn ưu tiên lo cho gia đình và con cái. Đến tận nhiều năm sau, Dung vẫn cho rằng, điều cô ân hận nhất là đã bỏ qua những ngày tháng khôn lớn của con gái đầu. May mà Dung đã không mất chồng con trong cơn “say việc”.

"Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ"

Đó là một câu nói nổi tiếng của Simone de Beauvoir, nhà nữ quyền người Pháp. Điều Simone de Beauvoir muốn khẳng định trong câu nói này, ngoài ý nghĩa về quyền bình đẳng, vị trí của phụ nữ, mà còn là dù ở bất kỳ cương vị nào, khi trở về gia đình, người phụ nữ cũng phải là người vợ, người mẹ tốt.

Đừng nghĩ người phụ nữ thành đạt hoàn toàn không thể có được hạnh phúc gia đình là một lời nguyền. Vẫn có những cặp vợ chồng mà người vợ có vị trí xã hội cao, nhưng vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Một chút mềm dẻo, nhẫn nhịn, biết giấu bớt đi một chút sắc sảo, thông minh, độc lập cá nhân của mình sẽ giúp con người ta có được mái ấm thanh bình. Nhưng làm thế có phải giả dối? Tôi nghĩ là không, mà đó mới là sự chân thực với tình cảm của mình.

Không ít nữ doanh nhân, nữ minh tinh ngày nay luôn phát biểu với công chúng: "Với tôi gia đình là quan trọng hơn tất cả". Họ hiểu điề u đó đúng, nhưng sống được như thế không dễ, nhất là khi người ta đang đứng trên đỉnh cao của thành công. Sự tự tin quá mức, sự ưu tiên dành thời gian cho công việc khiến họ không còn giữ được cho mình những mềm mại, nữ tính. Sự tự tôn, quyết đoán có thể khiến họ đánh mất gia đình. Và cuối cùng, họ đành đổ lỗi cho sự thành đạt và hơn tất cả là đổ lỗi cho người đàn ông của mình.

Anh bạn tôi, sau khi ly hôn với một người vợ tài giỏi đã ca thán: “Sao tôi không tiếc cô ấy? Tiếc quá đi chứ! Nhưng sống chung, lúc nào tôi cũng có cảm giác mình chỉ là nhân viên dưới quyền cô ấy. Cô ấy thậm chí còn mang cả những tiêu chuẩn ISO này nọ về nhà, bắt gia đình phải hoàn hảo theo kiểu chồng ngoan, con giỏi; lại còn so sánh tôi với những người đàn ông khác trên thương trường mà thách thức: “Anh có giỏi thì lo cho gia đình, tôi về làm bếp”.

Tôi không chịu nổi cách sống đó. Tôi không bắt cô ấy tự vào bếp, tự dạy con học. Chúng tôi có tiền và dư sức thuê người làm những việc như vậy. Điều quan trọng là tình cảm và suy nghĩ của cô ấy dành cho gia đình, là sự tôn trọng và yêu thương mái ấm của mình. Nếu thật sự yêu chồng con, quý trọng gia đình, dù bận rộn thế nào cô ấy vẫn có thể tham gia vào sinh hoạt gia đình với vai trò người vợ, người mẹ, chứ không phải là sếp”.

Song Văn - Theo Phunu

Theo Phunu