Hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam vẫn từ doanh nghiệp FDI
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:02, 01/06/2016
Xuất khẩu: Doanh nghiệp FDI thống lĩnh
Tăng cường trị giá xuất khẩu ra nước ngoài vẫn luôn là một trong nhiều mục tiêu kinh tế được các bộ, ngành quan tâm đến. Cũng chính vì thế mà câu chuyện làm sao cân bằng được tỷ trọng xuất khẩu giữa khối doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) và khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) luôn được đặt ra, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Ít nhất 5 - 7 năm trở lại đây, trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI vẫn thống lĩnh tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và vẫn không ngừng tăng lên theo thời gian.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2011, trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 56,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì con số này đã tăng lên 63,1% vào năm 2012. Đến năm 2014, con số này tiếp tục tăng lên 67,7% và chiếm đến 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2015.
Mặt khác, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng tiếp tục chứng minh sự thống lĩnh của doanh nghiệp FDI trong tổng trị giá xuất khẩu.
Cụ thể, tính đến hết ngày 15.5.2016, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 41,45 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015 (tương ứng tăng 3,43 tỉ USD) và chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 5.2016, trị giá xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 19,4 tỉ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nhìn vào những con số trên có thể thấy, việc xuất khẩu hàng hóa từ trước cho đến nay vẫn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn cả là sự phụ thuộc này lại ngày càng lớn hơn, đồng nghĩa với vai trò của khối doanh nghiệp trong nước ngày càng nhỏ bé, teo tóp theo thời gian.
Doanh nghiệp Việt phá sản, ngừng hoạt động ngày càng nhiều
Trong khi vai trò của doanh nghiệp FDI ngày càng lớn trong nền kinh tế thì số lượng doanh nghiệp Việt Nam phá sản, ngừng hoạt động lại ngày càng gia tăng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2012. Sang năm 2014, con số này đã tăng lên 67.823 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, tăng hơn 1.000 doanh nghiệp so với năm 2013.
Đến năm 2015, cả nước đã có 71.391 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 22,4% so với năm 2014.
Còn tính đến hết tháng 5 năm 2016, cả nước có đến 28.582 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, nguy cơ vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi song song với việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thì các doanh nghiệp FDI sẽ "nhảy vào" ngày càng nhiều.
Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tính trong năm 2015, cả nước có 2.013 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,578 tỉ USD. Có 814 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,18 tỉ USD, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Còn tính trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp FDI là 10,159 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, và hiện có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế là do còn tồn tại bất bình đẳng
Những bất bình đẳng, kém cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước là những cản trở lớn.
Theo thứ tự, doanh nghiệp nhà nước đang ở vị trí ưu tiên số một, tiếp đến là doanh nghiệp FDI và đến doanh nghiệp trong nước gần như không còn. Doanh nghiệp FDI đang cạnh tranh mang tính chèn lấn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần làm doanh nghiệp Việt Nam bé nhỏ đi.
Bên cạnh đó, còn có sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp thân hữu và không thân hữu, trong đó doanh nghiệp thân hữu là doanh nghiệp nhà nước, số lớn doanh nghiệp FDI và phần ít doanh nghiệp tư nhân lớn được tiếp cận nguồn lực, cơ chế tốt hơn.