'Nếu Hoàng Anh Gia Lai muốn được cứu thì cần phải đánh đổi'

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:50, 01/06/2016

“Nếu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) muốn được cứu thì cần phải đánh đổi. Đánh đổi ở đây trước hết là thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp”.

Trao đổi với BizLIVE, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc cứu doanh nghiệp này và để doanh nghiệp kia “chết” là chuyện hết sức bình thường của nền kinh tế thị trường.

Ông Kiên cho biết, trong cuộc khủng hoảng các ngân hàng ở Mỹ vào cuối năm 2008, Chính phủ Mỹ đã phải nhanh chóng đưa ra quyết sách cứu ngân hàng, doanh nghiệp này mà bỏ ngân hàng, doanh nghiệp khác để cứu nền kinh tế chung. Tuy nhiên, theo ông Kiên vấn đề cần cảnh báo đằng sau những trường hợp này là công tác quản trị nguồn vốn vay của hệ thống ngân hàng thương mại.

“Việc đổ lỗi cho thị trường vận hành không thuận lợi dẫn tới hoạt động kinh doanh khó khăn là lý do không thể chấp nhận được đối với nền quản trị hiện đại. Chỉ khi nhìn nhận thẳng thắn về những thiếu sót trong đánh giá về quản trị doanh nghiệp dẫn tới sơ suất trong quản trị nguồn vốn, thì những trường hợp tương tự mới không tiếp diễn trong tương lai”, ông Kiên chỉ ra.

Xin ông phân tích rõ hơn về nhận định này qua trường hợp của HAGL?

- Phân tích từ chính báo cáo tài chính quý I/2016 của HAGL, có thể thấy mấy nhóm vấn đề nổi lên. Thứ nhất, HAGL là tập đoàn kinh tế tư nhân có hàng chục công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tạo thành tổ chức công ty rất phức tạp về định danh sở hữu. Điều này đặt ra câu hỏi bộ máy quản lý của công ty có hiện đại không, có hợp lý không?

Tiếp theo, HAGL hiện nợ 30.000 tỷ đồng, nhưng lại có 10.000 tỷ đồng cho các công ty con vay lại. Cá nhân chủ tịch HĐQT cũng nợ hàng trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy một cơ chế tài chính không theo chuẩn mực kinh tế thị trường.

Không những thế, còn có tình trạng lấy tài sản của bầu Đức cho một công ty con thế chấp đi vay để mua lại chính công ty của ông này. Rõ ràng là có sự không minh bạch ở đây. Và điều này cũng cho thấy HAGL về mặt tổ chức là tư nhân, đại chúng, nhưng về quản trị thì mang nặng tính gia đình trị.

Từ thực tế này có thể thấy việc thẩm định vay vốn của các ngân hàng là có vấn đề, chưa kể vấn đề lợi ích nhóm đặt trong đó. Ở đây điều sơ sẩy trước hết thể hiện ở chỗ ngân hàng vẫn quen nếp một ông vay vốn 10 năm thanh toán tốt thì cứ thếmở hầu bao rất xông xênh, thay vì tìm ra động lực mới, lĩnh vực mới tạo lợi nhuận cao hơn, trong khi thị trường thì liên tục biến động.

Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng 20 năm nay HAGL làm ăn tốt, bây giờ khó khăn thì nên chung tay giúp. Điều này về mặt tình thì được nhưng lý thì đuối.

Vậy phải chăng với những thiếu sót này thì những doanh nghiệp quản trị như HAGL có đáng được cứu, thưa ông?

- Đề cập cụ thể tới trường hợp HAGL, chúng ta cần có cái nhìn đa diện, ít nhất là từ 3 góc độ: từ phía HAGL, từ phía chủ nợ là 9 ngân hàng, từ phía dư luận và cơ quan quản lý là NHNN.

Đứng từ phía HAGL, khi họ thấy lãi dự báo trong tương lai là có, thì họ sẽ vẫn hy vọng.

Đứng từ phía chủ nợ là 9 ngân hàng thì không chủ nợ nào lại muốn con nợ của mình chết và kết quả là mất cả vốn lẫn lãi. Vì vậy họ phải làm cách nào đó để nuôi sống con nợ, giữ nó sinh sôi nảy nở để ít nhất là thu hồi được nợ. Đó là lẽ đương nhiên.

Đứng từ phía xã hội, cơ quan quản lý là NHNN sẽ không bao giờ muốn có điều gì gây xáo trộn, đột biến, ảnh hưởng xấu tới hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý thì NHNN có trách nhiệm tạo được sự minh bạch trong cách hành xử. Đó là một việc khó và cần làm trước khi đưa ra quyết sách.

Vì vậy, vấn đề mà chúng ta nên đặt ra ở đây là dựa vào đâu mà NHNN lại chọn cứu doanh nghiệp này và trong một số trường hợp, để doanh nghiệp khác tự đào thải. Đây cũng là một cảnh báo mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp chưa có kế hoạch đổi mới phương thức quản trị hiện đại. NHNN cần dựa vào một bộ tiêu chí rõ ràng để từ đó đối chiếu xem nên giải cứu doanh nghiệp nào, và minh bạch bộ tiêu chí này để các bên cùng giám sát.

Có ý kiến cho rằng việc dồn lực cứu doanh nghiệp như HAGL là sử dụng nguồn lực chung. Và câu chuyện này dường như không sòng phằng?

- Sẽ khó nói là sòng phẳng hay không nếu như không dựa vào những số liệu, quy tắc, về đóng góp của doanh nghiệp với sự phát triển kinh tế- xã hội nói chung, về đánh giá triển vọng trong dài hạn… Vì vậy tôi cho rằng chúng ta cần đặt ra một bộ tiêu chí với các chỉ tiêu cụ thể như hiệu quả sản xuất kinh doanh; tài sản đảm bảo; tài sản thế chấp; quản trị doanh nghiệp; số lượng lao động; khả năng lan tỏa; đảm bảo an ninh quốc phòng; đảm bảo hình ảnh với thế giới…

Từ đó mới có căn cứ để soi chiếu và đánh giá thành công - thất bại, triển vọng phát triển trong tương lai… và quyết định có nên cứu doanh nghiệp đó hay không.

Như bản thân HAGL, cũng vẫn còn những mảng hoạt động hiệu quả. Như khoản đầu tư ở Myanmar hiện nay thu lợi tốt, cần tính toán xem khoản này bao lâu có thể bù đắp được. Đây cũng có thể coi là điểm tựa để HAGL xin cơ cấu nợ. Bên cạnh đó, để được giải cứu thì doanh nghiệp cũng cần chấp nhận có sự đánh đổi nhất định.

Cụ thể những đánh đổi mà ông đề cập tới là gì?

- Như trên đã phân tích, rõ ràng HAGL đang gặp vấn đề trong quản trị doanh nghiệp. Vì thế nếu HAGL muốn được cứu thì cần phải đánh đổi. Đánh đổi ở đây trước hết là thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp này không thay đổi cách quản trị mà được cứu thì sẽ chẳng khác nào “ngựa quen đường cũ”.

Vì vậy, ngân hàng cho HAGL tái cơ cấu nợ cần kèm điều khoản tái cơ cấu lại đơn vị này. Đặc biệt, cần tiết chế lại quyền hành của Chủ tịch HĐQT. Ngân hàng cần rà soát lại các sản phẩm đầu tư gây lỗ, để xem liệu các khoản đầu tư này có đảm bảo hiểu quả trong tương lai, từ đó tách ra để xử lý.

Cuối cùng tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải đứng trên vị trí ngân hàng của mọi ngân hàng để xử lý trường hợp của HAGL. Có nghĩa là NHNN phải đại diện cho quyền lợi của cả xã hội trong trường hợp này. Chúng ta cần đặt lợi ích của đất nước lên trước, sau đó tới lợi ích người lao động và cuối cùng mới là HAGL.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Thoan/Bizlive

Ảnh:TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

bizlive