Ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk: Parkson rút đi không ảnh hưởng đến Paragon cả!
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 09:37, 03/06/2016
Ngày 16.5.2016 việc tập đoàn bán lẻ Parkson rút khỏi tòa nhà Paragon của doanh nhân Hoàng Khải được cho là một “cú sốc” trên thị trường bán lẻ và khiến dư luận quan tâm không ít đến sự tồn tại của Parkson tại VN và những ảnh hưởng liên quan đến tòa nhà Paragon có kiến trúc độc đáo của ông Hoàng Khải.
- Thưa ông, rất nhiều người thắc mắc làsau khi Parkson Paragon rút đi liệu có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tòa nhà Paragon?
Nếu như trước kia có Parkson thì tòa nhà của chúng tôi lấp đầy 100% mặt bằng, còn bây giờ, khi Parson rút đi thì tòa nhà chỉ còn 80%, chúng tôi đang thương lượng với một số khách hàng để cho thuê lại 2 tầng mà Parkson đã trả, tuy nhiên, giá thuê sẽ khác so với 7 năm trước. Riêng với Parkson, họ cũng mất tiền cọc và thậm chí bị phạt vì đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu theo hợp đồng thì tiền phạt sẽ là một con số rất lớn, chúng tôi đang thương lượng để có thể chia sẻ với Parkson trong lúc khó khăn này.
- Vậy còn việc quản lý tòa nhà sẽ như thế nào, thưa ông?
Parkson chưa bao giờ quản lý tòa nhà. Có nhiều người vẫn nhầm lẫn vì biển hiệu trên đỉnh tòa nhà là Parkson Paragon. Đơn giản, họ chỉ là một đơn vị bán lẻ và thuê mặt bằng của tòa nhà để kinh doanh. Hiện tại, dòng chữ Parkson đã được rút xuống và trên đỉnh tòa nhà chỉ còn lại Paragon mà thôi.
- Gần tòa nhà Paragon, ông đang tiếp tục xây dựng 2 dự án cao ốc?
Đó là tòa nhà The Khai cao 18 tầng và The Prince cao 20 tầng. Tòa tháp The Khai mang kiến trúc hình dải lụa đã khởi công xây dựng từ hồi tháng 3 còn The Prince với ý tưởng những quyển sách chồng lên nhau sẽ tiếp tục được xây dựng trong thời gian tới. Theo kế hoạch thì 2 dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 và tôi nghĩ, đó sẽ là những công trình kiến trúc độc đáo trong tổng thể của đô thị Phú Mỹ Hưng.
- Xin hỏi, hàng loạt trung tâm thương mại đang đóng cửa, lẽ nào ông vẫn “dũng cảm” đầu tư hàng loạt như thế?
Dòng chảy tài chính từ trung tâm ra các đô thị vệ tinh đang rất mạnh. Bản thân các công ty trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay cũng đang tiết kiệm tối đa chi phí. Hơn nữa, với các doanh nghiệp lớn, mang tính toàn cầu, bộ máy lớn, nhân sự nhiều, họ cần không gian rộng, từ 3.000 – 5.000m2 mà không cần mặt tiền thì sẽ chọn khu vực ngoài trung tâm một chút, bởi giá thuê sẽ rẻ hơn. Ví dụ như trong trung tâm là 25USD thì khu vực này chỉ có 15USD/m2 chẳng hạn. Dòng chảy tài chính đổ về các đô thị vệ tinh là quy luật tất yêu và nhu cầu của khách hàng luôn luôn có, thế nên các tòa nhà cũng sẽ được lấp đầy rất nhanh. Một tòa nhà chỉ cần vài công ty lớn là đã lấp đầy rồi. Thường thì Q.7 hay Q.2 sẽ là sự lựa chọn của họ.
- Và tại sao ông luôn chọn Phú Mỹ Hưng, Q.7 mà không phải là nơi khác, như Q.2 chẳng hạn?
Phú Mỹ Hưng là trung tâm đô thị vệ tinh quy hoạch bài bản và còn sơ khai. Các khu dân cư, nhà ở thì đã tạm ổn còn về khu văn phòng, cao ốc và các công trình công cộng vẫn còn đang phát triển.
Việc xây dựng 2 tòa nhà mới của tôi cũng nằm trong sự phát triển non trẻ của Phú Mỹ Hưng và đón đầu dòng chảy từ trung tâm.
Khi tôi xây văn phòng cho thuê và đón đầu dòng chảy tài chính, tôi tự tin để nói rằng mình sẽ mang những “tuyệt phẩm kiến trúc” làm cho thành phố đẹp hơn, có dấu ấn hơn cho Phú Mỹ Hưng, chứ xây chỉ như những khối bê tông “lạnh lùng” thì còn gì là đẹp.
- Theo ông thì tốc độ phát triển đô thị của Q.2 và Q.7 như thế nào?
Q.2 tốc độ phát triển mạnh mẽ và sôi động hơn, còn Phú Mỹ Hưng, Q.7 thì quy hoạch đồng bộ, mảng xanh hài hòa và có tầm nhìn xa. Về cơ bản thì tôi thấy cũng không khác nhau là mấy, tuy nhiên, Q.2 khá đông dự án dân cư và là những mảnh ghép.
- Hiện tại, ông quan tâm đến lĩnh vực nào, bất động sản hay ẩm thực nhà hàng?
Cái nào phát triển hơn thì tôi theo. 10 năm là một chu kỳ, trong lĩnh vực ẩm thực nhà hàng, tôi cũng nên dừng lại để làm mới mình và nhường đường cho những nhân tố mới, dồn sức cho những dự án bất động sản. Bạn biết đó, để mở một nhà hàng thì dễ như để đầu tư cho một tòa building thì không phải ai cũng làm được.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Vào ngày 27.6.2009, Trung tâm thương mại Saigon Paragon đã được khai trương. Dự án Saigon Paragon là dự án bất động sản đầu tiên của công ty Cổ phần Kim Cương do ông Hoàng Khải làm chủ tịch HĐQT.
Được biết, trung tâm thương mại này được hợp tác cùng với một doanh nghiệp khác, tổng vốn đầu tư là 35 triệu USD theo tỷ lệ 50/50, trên diện tích đất 6.000m2tại trung tâm khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tòa nhà Saigon Paragon cao 10 tầng với tổng diện tích gần 20.000m2được thiết kế với kiến trúc độc đáo và sang trọng, bao gồm khu vực cho thuê văn phòng, showroom, khu vực giải trí, ẩm thực và 3.000m2dành riêng khu vực tổ chức hội nghị,…
Chỉ sau hơn một năm ra mắt, Công ty Cổ phần Kim Cương đã hợp tác với đơn vị bán lẻ Parkson của Malaysia cùng khai thác và quản lý toà nhà. Tòa nhà đổi tên thành Parkson Paragon và được nhận định là địa điểm lý tưởng của Parkson. Saigon Paragon được phủ kín 100% và thu hút khoảng 150 đơn vị bán lẻ tham gia, trong đó có nhiều nhãn hàng hiệu lớn trong nước và quốc tế.
Sau 5 năm hoạt động, vào ngày 16.5.2016 Parkson đã phải đóng cửa và rút đi do một thời gian dài hoạt động kinh doanh không hiệu quả.