Phòng và chữa trị ngộ độc thực phẩm ở trẻ
Thông tin Y học - Ngày đăng : 06:30, 08/06/2016
Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi trùng (nhiễm vi khuẩn) có hại, các chất độc (độc tố) hoặc các hóa chất trong thức ăn hay đồ uống. Trẻ thường bị nặng hơn người lớn do kháng thể của trẻ yếu hơn nên hậu quả của ngộ độc thường rất nặng nề. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng có thể xuất hiện trong vài phút, vài giờ hoặc sau 1 ngày kể từ khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm và sẽ hết trong vài ngày khi kịp chữa trị nhưng đôi khi phải mất lâu hơn.
Đặc biệt, đối với một số loại thực phẩm gây ngộ độc, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 90 ngày, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các rủi ro chính là thiếu chất lỏng trong cơ thể (mất nước), phát triển nhanh và nặng hơn ở trẻ em. Việc điều trị chủ yếu là để cung cấp nước cho trẻ để tránh mất nước.
Các triệu chứng
Triệu chứng chính là tiêu chảy, thường bị ốm, buồn nôn. Bệnh tiêu chảy được định nghĩa là đi phân lỏng hoặc chảy nước (phân), thường đi ít nhất ba lần trong vòng 24 giờ. Với một số bệnh nhiễm trùng, tình trạng phổ biến là đau quặn ở bụng, và máu hoặc chất nhầy có thể xuất hiện trong phân. Đôi khi xảy ra nhiệt độ cao (sốt), nhức đầu và đau nhức chân tay. Nếu nôn xảy ra, nó thường kéo dài chỉ một ngày hoặc lâu hơn. Tiêu chảy thường tiếp tục sau khi ngừng nôn mửa và thường kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều hơn. Đi phân lỏng có thể kéo dài một tuần hoặc lâu hơn nữa trước khi trở lại bình thường. Tiêu chảy và nôn có thể gây ra tình trạng mất nước. Trẻ em có thể bị mất nước nghiêm trọng và gầy đi nhanh chóng, mất nước nhẹ là phổ biến và thường được dễ dàng trị bằng cách uống nhiều nước.
Các triệu chứng của mất nước ở trẻ bao gồm: đi ít nước tiểu, lưỡi và miệng khô, khi khóc ít nước mắt, mắt trũng, cơ thể không có sức. Các triệu chứng của tình trạng mất nước nghiêm trọng ở trẻ: buồn ngủ, da nhợt nhạt hoặc lốm đốm, tay hoặc bàn chân lạnh, tiểu ít, thở nhanh (nhưng thường nông). Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ mất nước cao và dễ viêm dạ dày ruột. Nếu triệu chứng nhẹ, bạn không cần phải đưa con bạn đến bệnh viện mà có thể chữa trị tại nhà. Nếu con bạn bị mất nước nghiêm trọng, phải đến y tế và có thể phải nhập viện. Bác sĩ có thể yêu cầu một mẫu phân của trẻ để gửi xét nghiệm, có thể xét nghiệm máu, chụp X-quang để tìm nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Và để tìm kiếm sự lây lan của nhiễm trùng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Làm gì khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Cần lưu ý, những lúc trẻ bị nôn thì cả lúc đang ngủ vì quá mệt trẻ cũng có thể bị nôn. Do vậy lúc trẻ đang nằm, cần nghiêng đầu trẻ qua một bên vì nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi trẻ nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ khó thở và có thể dẫn đến tử vong. Khi trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa mất nước bạn hay được khuyên dùng Oresol - là loại thuốc bù nước và các chất điện giải bị mất (Na, Ka, glucose)... giúp cân bằng và lấy lại khả năng tự chống đỡ với bệnh tật. Oresol nhìn chung là an toàn, dùng được cho người lớn và trẻ em, nhưng phải sử dụng đúng cách, pha đúng tỉ lệ để đạt hiệu quả cao.
Nên cho trẻ uống ít một, không uống quá nhiều cùng một lúc. Nếu trẻ bị nôn ngay sau khi uống, cho trẻ tạm nghỉ trong 5-10 phút. Nếu uống Oresol theo nguyên tắc ít một nhưng mỗi lần uống bé vẫn bị nôn, đi ngoài quá nhiều thì hãy nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch. Trong quá trình điều trị, cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động lại bình thường. Thông thường, trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại sau 24 giờ. Tránh các sản phẩm sữa cho đến khi nào tiêu chảy đã ngừng. Kiểm tra thường xuyên nhiệt độ, số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu.
Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu nặng như nôn nhiều, không thể uống được, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ có thêm dấu hiệu khác như sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày. Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm tiêu chảy càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng vô cùng khó chịu.
Phòng tránh
Để tránh cho trẻ không bị ngộ độc thực phẩm, tốt nhất là bảo đảm ăn chín, uống sôi. Chọn thức ăn chế biến an toàn (bánh kẹo có nhãn mác, trái cây đã rửa và chế biến sạch…), tránh những thức ăn ô nhiễm, thực phẩm lạ. Những ngày hè, đừng vì chiều theo ý thích của trẻ mà cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt, thay vào đó cần những thức ăn đầy đủ chất. Sử dụng thực phẩm dễ bị hư hỏng càng sớm càng tốt. Nấu tất cả các thực phẩm từ động vật ở nhiệt độ an toàn. Đối với thịt bò và thịt lợn, độ chín ít nhất là ở 71°C. Đối với thịt gà ít nhất là ở 74°C. Nấu trứng gà cho đến khi lòng đỏ chín hoàn toàn. Cá an toàn để ăn khi độ chín ít nhất là ở 63°C. Bảo quản thức ăn đã nấu cho trẻ cẩn thận, tốt nhất là giữ thức ăn lạnh, nhưng không nên để quá 2 giờ, hâm nóng kỹ lại trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ và người chăm sóc rửa tay cho trẻ trước khi ăn.
Bảo Trân (Duyên dáng Việt Nam)