Vất vả nghề đạp xích lô ở xứ Huế

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:57, 06/06/2016

Cứ thế, những bàn chân nặng trịch đạp pê-đan quay bánh xe chở theo các vị khách, đi qua nhiều con đường rợp bóng cây và di tích lịch sử của cố đô Huế để kiếm kế mưu sinh...

Mưu sinh nghề xích lô

Đến Huế, nếu chưa trải nghiệm đi xích lô thì thật đáng tiếc cho du khách. Ngắm cột Kỳ Đài đứng thẳng tắp bên dòng sôngHương, ngắm Hoàng Thành một thời uy nghi của triều Nguyễn… bằng phương tiện di chuyển chậm như xích lô sẽ giúp du khách cảm nhận được nhiều hơn những vẻ đẹp của Huế. Để phục vụ cho nhu cầu tham quan của du khách, các bác xích lô ở Huế (hầu hết là những người đàn ông trên 40 tuổi, có người 70 tuổi) suốt ngày này qua tháng nọ cần mẫn “cày” trên những con đường rợp bóng cây.

Ông Nguyễn Công Thành (62 tuổi) gần 40 năm nay gắn bó với nghề đạp xích lô tại bến xe Nguyễn Hoàng (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).Theo ông, nhóm xích lô (20-25 người) trước cửa Thể Nhơn đã có từ những năm 40 của thế kỷtrước, công việc thường nhật là chở khách du lịch và hàng hóa. Rít một hơi thuốc dài, ông Thành cũng là Tổ trưởng Tổ xích lô bến xe Nguyễn Hoàng tâm sự: “Kỳthực, nhiều khi thấy khổ quá tôi và nhiều anh em muốn tìm nghề khác nhưng biết làm nghề gì khi mà mình đã gắn bó với nó hơn nửa đời người rồi. Kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, cuộc sống của người đạp xích lô cũng đỡ hơn phần nào. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập nghiệp đoàn xích lô, đưa xe xích lô tập trung có quy củ, tránh nạn tranh giành, chặt chém du khách. Hiện tại, tổ xe xích lô tự quản bến xe Nguyễn Hoàng có 25 đầu xe, được phân chia thứ tự đón khách”.

Tổ xe xích lô bến xe Nguyễn Hoàng làm việc từ 7-22 giờ mỗi ngày. Mỗi tài xế thường chở từ 2-3 khách/ngày, những hôm trời mưa thì thường ế ẩm. Công việc hằng ngày của họ là đến bến xe chờ khách, thấy khách thì mời họ, cũng có khi khách tự tới hỏi rồi chở đi tham quan các địa điểm. Đến trưa, các bác tài chỉ ăn qua loa phần cơm bụi rồi nghỉ ngơi dưới những bóng cây xanh gần bến xe. Một chuyến tham quan thường đi qua các địa điểm như Đại Nội, hồ Tịnh Tâm, vòng quanh Hoàng Thành, với thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ được tổ quy định ở mức từ 50.000 - 70.000 đồng.

“Mỗi ngày trung bình đi được 2 chuyến chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình nhưng những hôm vắng khách hoặc hôm mưa gió thì tay trắng ra về.Một chiếc xe xích lô để phục vụ du lịch ban đầu có giá từ 7 đến 8 triệu đồng, trong khi đó hàng năm đều phải tu bổ, sơn mới để hành nghề”, tài xế Nguyễn Văn Thuận (50 tuổi, phường Phú Hòa) cho biết. Chính vì công việc nặng nhọc, bấp bênh như thế nên người trong nghề hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, theo thời gian, đời sống ngày càng được cải thiện, các phương tiện giao thông cá nhân tăng dần khiến cho cuộc sống của họ thêm khó khăn hơn. Lúc rảnh rỗi, họ tranh thủ làm nhiều công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Ông Thuận gần 15 năm theo nghề, phải lo mưu sinh hằng ngày và nuôi 3 người con trong độ tuổi ăn học. Có những hôm vắng khách, ông phải chạy thêm xe ôm, chở hàng hóa, vật liệu xây dựng… để trang trải phần nào chuyện cơm áo gạo tiền.

Chuyên chở văn hóa Huế

Vất vả là vậy, nhưng công việc của các bác tài diễn ra quanh năm, bởi xích lô Huế dường như đã xây dựng được thương hiệu, có phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Người đạp xích lô đồng thời cũng là “hướng dẫn viên du lịch”. Đi xích lô Huế không bao giờ hết chuyện, bởi các bác xích lô hầu như đều am hiểu về những kiến thức liên quan đến Cố đô Huế, thậm chí những câu chuyện hiếm hoi về vùng đất được mệnh danh là “kinh đô thần bí” này.

Tài xế Phạm Dũng (40 tuổi, thuộc Tổ xích lô du lịch tại khách sạn Xanh) chia sẻ: “Tôi ở phường Trường An, ban ngày tôi làm hương thuê, đến 18 giờ lại đạp xích lô đến đây chờ khách.Lịch trình chở khách của tôi là đi dọc đường Lê Lợi, qua cầu Phú Xuân rồi vào Hoàng Thành qua cửa Thể Nhơn. Sau khi đưa khách tham quan Đại Nội và ăn uống các đặc sản, tôi lại chở họ về khách sạn qua cầu Trường Tiền”. Vừa chở khách, anh vừa là người “hướng dẫn viên du lịch” miễn phí. Anh giới thiệu, tư vấn cho du khách về các địa điểm tham quan cũng như các đặc sản của Huế. Một chuyến như thế được nghiệp đoàn thống nhất ở mức 150.000 đồng. Khách đi thường là du khách trong nước, thỉnh thoảngvẫn có du khách Đài Loan, Nhật Bản và châu Âu…

Hơn 10 năm qua, các nghiệp đoàn xích lô được Liên đoàn Lao động thành phố Huế quản lý nên đội ngũ xích lô thường xuyên được tập huấn kỹ năng giao tiếp, nâng cao kiến thức về du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch Huế. Xích lô Huế bây giờ có đến gần 4.000 chiếc. Cũng theo ông Thành, “từ ngày có nghiệp đoàn, mọi người chấp hành tốt mọi quy định vì quyền lợi cũng đi liền với nghĩa vụ, không còn tình trạng chặt chém. Anh em cũng góp tiền lại làm đồng phục, sơn màu xe riêng tạo tính đồng bộ và dễ quản lý trong tổ. Đã có trường hợp, sau khi chở khách xong thì phát hiện khách để quên một chiếc điện thoại iPhone trị giá đến 14 triệu đồng, thế nhưng anh em vẫn tìm tới khách sạn và giao trả cho người mất”.

Chị Hoàng Thị Hiền My (42 tuổi, một du khách đến từ Hà Nội) nhận xét: “Trước khi lên xe, tôi và tài xế đều thỏa thuận giá cả trước để đi tới các địa điểm. Tôi thấy tài xế xích lô Huế ai cũng thân thiện, nhiệt tình, trên đường đi còn thuyết minh miễn phí về các di tích lịch sử nữa”.

Niềm vui trong công việc của các bác tài là lúc du khách xin số điện thoại để giới thiệu cho bạn bè đi xe xích lô khi đến Huế và trở thành những người bạn đồng hành, hướng dẫn cho khách biết thêm về cuộc sống, con người Huế qua mỗi chuyến tham quan Cố đô. Nếu một ngày nào đó, Huế vắng bóng hình ảnh chiếc xích lô trên những con đường thì e rằng miền đất này sẽ mất đi vẻ đẹp nên thơ, quyến rũ mà nó vốn có.

Nguyễn Cường - Khải Tuấn / Duyên dáng Việt Nam

DDVN