Bộ Tài chính yêu cầu BIDV, Vietinbank trả cổ tức bằng tiền mặt: Chẳng ngân hàng nào muốn?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:26, 06/06/2016
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ phiếu lại đối với quyết định về việc trả cổ tức của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Bộ Tài chính đề nghị NHNN với tư cách là người đại diện vốn ở 2 ngân hàng này tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt, thay vì cổ tức bằng cổ phiếu như đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua đã quyết định.
Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất này là phù hợp với các quy định hiện hành liên quan tới vấn đề quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là việc thu hồi cổ tức tiền mặt từ các doanh nghiệp và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng, Bộ Tài chính đang yêu cầu 2 ngân hàng VietinBank và BIDV phải trả cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, theo quy định thì Bộ Tài chính vẫn phải tham khảo ý kiến của NHNN để đi tới quyết định cuối cùng.
"Trước đó, BIDV đã có quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu, sau đó Bộ Tài chính mới đưa ra ý định này. Dĩ nhiên, Bộ Tài chính cũng có thể yêu cầu BIDV triệu tập đại hội cổ đông bất thường để quyết định về vấn đề này", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, xét về tỷ lệ an toàn vốn của 2 ngân hàng hiện ở mức rất thấp, TS. Hiếu cho rằng, ban quản lý, điều hành của 2 ngân hàng chắc chắn đều muốn giữ lại mức lợi nhuận để tăng cường vốn tự có. Nên nếu trả cổ tức bằng tiền mặt thì một phần lợi nhuận sẽ rời khỏi hai ngân hàng, đây là điều mà 2 ngân hàng không muốn.
"Quan điểm các nhà quản lý ngân hàng là tiết kiệm được việc trả cổ tức càng nhiều thì sẽ càng thuận lợi trong việc duy trì vốn tự có. Nhưngvới cổ đông thì khác, họ bỏ tiền ra đầu tư thì họ muốn trả cổ tức bằng phương pháp thật hợp lý. Đây là quan điểm khác nhau về cổ tức giữa cổ đông và các nhà quản lý ngân hàng. Trong trường hợp này, bất cứ quyết định nào cũng phải được thông qua bởi nhà quản lý và cổ đông", TS. Hiếu nói.
Về việc thu được bao nhiêu vào ngân sách nhà nước sẽ phụ thuộc vào việc hai ngân hàng chi bao nhiêu phần trăm trả cổ tức. Còn quyết định chi bao nhiêu phần trăm cổ tức sẽ phụ thuộc vào quyết định giữa NHNN và Bộ Tài chính, TS .Hiếu nhận định.
Hiện cả hai ngân hàng VietinBank và BIDV đều muốn giữ nguyên phương án đã được Hội đồng cổ đông thông qua là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Tại BIDV, tỷ lệ vốn Nhà nước là 95,28% trong khi tại VietinBank là 64,46%. Theo ước tính của Công ty chứng khoán TP. HCM (HSC), nếu hai ngân hàng này trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lần lượt là 8,5% và 8%, thì Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỉ đồng từ BIDV và 1.900 tỉ đồng từ VietinBank. Như vậy, tổng cộng ngân sách Nhà nước sẽ có cơ hội thu về 4.600 tỉ đồng cổ tức từ VietinBank và BIDV.
Tại Đại hội cổ đông vừa qua, trong khi BIDV chốt phương án trả cổ tức là 8,5% bằng cổ phiếu thì VietinBank không chia cổ tức. Các năm trước, cả hai nhà băng này thường chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ khoảng 10%.
Theo đại diện của BIDV, việc giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% là để đáp ứng việc tăng vốn tự có nhằm đáp ứng quy định về hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời chuẩn bị cho việc áp dụng các tiêu chí về Basel II mà Việt Nam phải thực hiện theo thông lệ quốc tế, hiện rất cấp bách. Việc giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn tự có là cần thiết.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2011-2015, VietinBank đã nộp về ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng, với tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân hàng năm 10-16%. Tương tự với BIDV cũng vậy.
Tuyết Nhung
Ảnhminh họa.