Nhà 'siêu mỏng', 'siêu méo' lại xuất hiện ở đường Võ Chí Công

Sự kiện - Ngày đăng : 05:05, 07/06/2016

Nhiều căn nhà trên con đường Võ Chí Công (Xuân La – Tây Hồ - Hà Nội) mang hình thù rất lạ. Có những căn nhà chỉ rộng khoảng hơn 1 mét hoặc đặc biệt, có “ngôi nhà” cạnh chỉ 60-80cm.

Câu chuyện về nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường mới tại Hà Nội không hiếm và đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh vấn đề này. Đây là vấn đề phức tạp mà chính quyền vẫn “đau đầu” trong chuyện khắc phục.

Khilàm đường, chủ đầu tư chỉ lấy đất và đền bù vừa đúng chỉ giới đường, thành ra diện tích đất còn lại méo mó, mỏng nên rất khó bán. Nếu không bán được cho nhà đằng sau, cạnh với mình thì họ cố xây lên thành nhà siêu mỏng siêu méo.

Mới đây, Dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4 km vừa hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỉ đồng cũng vướng tình trạng này khi tuyến phố Võ Chí Công đã xuất hiện một số căn nhà méo mó, hệ quả của việc giải phóng mặt bằng để lại.

Theo quan sát của phóng viên, nhiều căn nhà trên phố mang hình thù rất lạ, có những căn nhà chỉ rộng khoảng hơn 1 mét hoặc đặc biệt, có “ngôi nhà” cạnh chỉ 60-80cm. Tuyến phố có hàng chục căn nhà như vậy.

Trước đó, những tuyến đường ngay khi vừa hoàn thành đã sinh ra hàng chục căn nhà siêu méo như Trần Phú kéo dài (điểm đầu là nút giao thông Trần Phú - Lê Trực - Ông Ích Khiêm và điểm cuối là nút giao thông Kim Mã - Sơn Tây (Ba Đình); Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (từ nút giao thông Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn đến nút giao thông Cầu Giấy); Tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, tuyến phố được mệnh danh là đắt nhất hành tinh….

Cách giải quyết chủ yếu là thu hồi hoặc hợp khối với diện tích đất của các gia đình bên trong. Tuy nhiên, hai phương án này đều có những vướng mắc riêng. Những phần đất ít ỏi, méo mó sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường lại trở thành nhà mặt phố, giá thị trường rất cao, ngân sách khó có thể thu hồi hết được.

Còn nếu hợp khối cũng khó khăn bởi vì nếu có phần mặt tiền, giá trị ngôi nhà phía trong sẽ cao hơn rất nhiều, vì vậy xu hướng chung là chủ phần đất siêu mỏng, siêu méo luôn đặt giá rất cao đối với chủ các ngôi nhà có nhu cầu hợp khối. Chính vì vậy, phương án hợp khối không có mấy trường hợp thành công.

Ví dụ như phố Hào Nam thời mới mở đường, có một diện tích đấtbề ngang có 4m, sâu 30cm rao bán với giá 2,4 tỉ đồng. Như vậy là mỗi mét vuông có giá 2 tỉ đồng. Hay như bức tường trị giá hơn 1 tỉ đồng trên con phố Nguyễn Văn Huyên cũng khiến nhiều người ái ngại.

Để khắc phục tình trạng này, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND, sửa đổi, bổ sung một số quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng dọc theo các tuyến giao thông. Cụ thể, diện tích đất sau thu hồi được sử dụng vào mục đích lập dự án công cộng, có xây dựng tường rào ngăn cách với đất của các hộ liền kề phía trong.

Theo đó, các hộ bị thu hồi đất sẽ được đền bù theo quy định của thành phố. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất liền kề có nhu cầu sử dụng đất để hợp thửa thì được xem xét giao đất theo giá thị trường. Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, đề xuất giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, trách nhiệm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo được thành phố giao cho chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, quyết định đã có hiệu lực từ lâu nhưng tình hình vẫn không được cải thiện nhiều.

Sau đây là một số hình ảnh phóng viên báo điện tử Một Thế Giớighi lại tại con đường Võ Chí Công.

Căn nhà chỉ rộng khoảng 2m như mắc kẹt giữa phố
Căn nhà cao tầng, chiều dài gần 10m nhưng chiều ngang chưa đầy 2m
Căn nhà có cạnh rất nhỏ, chỉ khoảng 1m
Có lẽ căn nhà này hình tam giác
Căn nhà trở nên méo mó sau khi làm đường
Một căn tương tự khác
Căn nhà đặc biệt này chỉ rộng khoảng 60cm
Căn nhà có chiều ngang rất hẹp nhưng vẫn được xây lên
Trí Lâm

Trí Lâm