Thị trường bất động sản TP.HCM tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:07, 07/06/2016
Đây là nội dung được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với HoREA diễn ra ngày 6.6.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng. So sánh với năm 2015 - năm mà thị trường bất động sản thành phố đã có sự tăng trưởng rất mạnh trên tất cả các phân khúc thị trường nhà ở, văn phòng cho thuê, bất động sản công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng... thì 5 tháng đầu năm 2016, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn.
Đơn cử, giao dịch đã chững lại, có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc bất động sản cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền. Thị trường cũng có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại.
Trong thị trường bất động sản cũng đã xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án (có trường hợp do sự quản lý lỏng lẻo hoặc đồng tình của tổ chức tín dụng) đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở.
Một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tranh chấp trong chung cư vẫn còn xảy ra phức tạp.
Trong hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản cũng đã xuất hiệnnhững bất cập cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cũng như cần có sự cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các sở ban, ngành và các quận, huyện theo hướng minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng, tiện lợi theo cơ chế một cửa với tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, chứ không phải "hành là chính".
Dự báo tình hình hoạt động 7 tháng cuối năm 2016, ông Châu nói thị trường bất động sản TP.HCM sẽ nhỉnh hơn 5 tháng đầu năm, thế nhưng nhìn toàn cục cả năm 2016 thị trường bất động sản có xu thế vẫn trong trạng thái chững lại và vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn.
Ngoài ra, trong buổi làm việc, ông Châu cũng nhấn mạnh đến tiền sử dụng đất. Theo ông Châu, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí, nhưng lại là một khoản thu ngân sách rất lớn theo quy định của Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước.
Được biết, theo cách hành thu hiện nay thì tiền sử dụng đất là gánh nặng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây còn là ẩn số không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư và đã tạo ra cơ chế xin - cho.
“Để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường thì về trung hạn, dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế: thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất chuyên dụng sang đất ở, có thuế suất. Như vậy mới đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho, như báo cáo số 196/BC-UBND ngày 8.11.2013 của UBND TP đã gửi Thủ tướng Chính phủ, nhưng đây là vấn đề cực khó, lâu dài chỉ có thể được giải quyết trong trung hạn, dài hạn vì cần phải được Quốc hội xem xét, phê chuẩn”, ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách rất lớn của thành phố. Trong thời gian qua, đã có nhiều chủ đầu tư phải xếp hàng chờ đợi được nộp tiền sử dụng đất, trong lúc ngân sách thành phố rất cần bổ sung nguồn vốn này.
Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là cải tiến quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất với mức thu hợp lý, rút ngắn thời gian (hiện nay phải trên dưới 1 năm), và loại trừ tệ nạn nhũng nhiễu do cơ chế xin – cho.
Phan Diệu