Việt Nam trả nợ và tiền viện trợ hơn 12.600 tỉ đồng trong tháng 5
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:24, 07/06/2016
Bội chi NSNN 5 tháng ước đạt 70.000 tỉ đồng
Ngày 6.6,Bộ Tài chính đãcó báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 5.2016.
Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5 ước đạt 71.700 tỉ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm thu ngân sách ước đạt 396.200 tỉ đồng, bằng 39,1% dự toán năm, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Thu nội địa tháng 5 ước đạt 51.300 tỉ;lũykế 5 tháng ước đạt 321.200 tỉ đồng, bằng 40,9% dự toán năm, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015 (nếu không kể thu tiền sử dụng đất thì tăng 10%).
Thu từ dầu thô tháng 5 ước đạt 3.400 tỉ đồng, tăng 450 tỉ đồng so với tháng 4. Theo Bộ Tài chính, nguyên nhânchủ yếulà do giá thanh toán trong kỳ đạt 42 USD/thùng, tăng 3 USD/thùng so với tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm 18 USD/thùng so với giá dự toán.
Như vậy, tính chung5 tháng đầu năm,thu từ dầu thô xấp xỉ đạt 15.900 tỉ đồng, bằng 29,2% dự toán năm, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Sản lượng dầu thanh toán 5 tháng ước đạt 6,65 triệu tấn, bằng 47,5% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 5 tháng khoảng 38,1 USD/thùng, giảm 21,9 USD/thùng so giá tính dự toán.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 5 ước đạt 16.800 tỉ đồng. Lũy kế 5 tháng ước đạt 58.700 tỉ đồng, bằng 34,1% dự toán năm, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Về chi NSNN, tổng chi ngân sách tháng 5 ước 95.680 tỉ đồng;lũykế chi 5 tháng đạt 466.300 tỉ đồng, bằng 36,6% dự toán năm, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, chi đầu tư phát triển tháng 5 ước đạt10.700 tỉ đồng; lũykế chi 5 tháng đạt xấp xỉ đạt68.000 tỉ đồng, bằng 26,7% dự toán năm, tăng 4,2% cùng kỳ năm 2015.
Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ước đến hết tháng 5 vốn giải ngân cho các dự án là 67.100 tỉ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 21% kế hoạch.
Chi trả nợ và viện trợ trong tháng 5 ước đạt 12.670 tỉ đồng; lũykế chi 5 tháng xấp xỉ đạt 64.550 tỉ đồng, bằng 41,6% dự toán năm, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2015 và vẫn đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.
Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính trong tháng 5 ước đạt 70.470 tỉ đồng; luỹ kế chi 5 tháng đạt 332.000 tỉ đồng, bằng 40,3% dự toán năm, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2016, bội chi NSNN ước đạt 70.000 tỉ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.
Cũng theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 31.5.2016, Bộ đãphát hành được 147.044 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.
Phê duyệt kế hoạch vay trả nợ 2016
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê duyệt kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay trả nợ năm 2016.
Theo đó, cơ quan điều hành dự kiến dành 273,3 nghìn tỉ đồng (tương đương 12,2 tỉ USD) để trả nợ trong năm 2016. Trong đó, trả nợ trực tiếp được bố trí trong dự toán ngân sách là 154 nghìn tỉ đồng (bằng 15,2% dự toán thu ngân sách năm 2016), trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24 nghìn tỉ đồng, đảo nợ khoàng 95 nghìn tỉ đồng.
Cũng trong năm nay, Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỉ đồng, tương đương hơn 20 tỉ USD. Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 254 nghìn tỉ đồng, phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60 nghìn tỉ đồng, vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43 nghìn tỉ đồng và vay đảo nợ 95 nghìn tỉ đồng.
Về nguồn huy động vốn, sẽ thông qua các hình thứcvay trong nước thông qua phát hành trái phiếu, vay từ quỹ bảo hiểm xã hội và SCIC, vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi...
Trong đó, dự kiến khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và SCIC là 336 nghìn tỉ đồng.
Vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi 99 nghìn tỉ đồng, tương đương 4,7 tỉ USD. Trong đó, 43 nghìn tỉ đồng cho vay lại và 56 nghìn tỉ đồng để bù đắp bội chi ngân sách.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỉ đồng thông qua các hình thức khác như: Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế.
Thời điểm trả nợ nhiều sẽ nằm trong giai đoạn 2022-2025
Trả lời báo chí trước đó, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, theo kịch bản kinh tế vĩ mô, kịch bản nợ hiện nay thì tỷ lệ nợ đang chiếm 24% tổng thu ngân sách. Nếu không tính vay đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ chiếm 14,7% tổng thu ngân sách, tương đương150.000 tỉ đồng.
Ông Long cũng cho biết, năm 2016, nghĩa vụ trả nợ vẫn cao vì ngân sách đang phải xử lý các khoản đã huy động trong giai đoạn 2011-2013 khi vay ngắn hạn chiếm 70% từ nguồn tín phiếu, trái phiếu 1-3 năm.
Sau năm 2017, nghĩa vụ trả nợ sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, theo ông Long, đó chỉ là con số kịch bản vì còn phụ thuộc nhiều vào điều hành cụ thể như giá dầu thực tế sẽ là 30, 40 hay 60 USD/thùng, ảnh hưởng thu ngân sách như thế nào; đầu tư phát triển, bội chi khác nhau...
Bộ Tài chính cũng cho biết,thời điểm trả nợ nhiều sẽ nằm trong giai đoạn 2022-2025.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chi thường xuyên tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây, từ khoảng 50% tổng chi trước đây lên khoảng 65%. Chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% tổng chi, xuống còn 17%.
“Với khả năng thu hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn bội chi, vốn vay của Chính phủ” – báo cáo nhận định.
Trao đổi vớibáo điện tử Một Thế Giới,chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định rằng, chi thường xuyên chiếm tới 70% tổng chi là điều hết sức nguy hiểm, sẽ không đủ trả nợ, không có tiền đầu tư mà phát triển.
Hơn nữa, theo ông Trinh, thời gian sắp tới nguồn ODA sẽ ngày càng giảm dần giảm dần, phải vay vốn với lãi suất cao hơn, phát hành trái phiếu Chính phủ cũng không thu được quá nhiều kết quả…cũng là những khó khăn cần phải cân nhắc, tính toán..
Duyên Duyên - Trí Lâm