Người đàn ông bán thịt bị nhiễm liên cầu lợn nguy kịch
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:23, 09/06/2016
Chiều 9.6, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh viện này vừa cấp cứu và điều trị một bệnh nhân mắc liên cầu lợn rất nặng. Người đàn ông trên là P.T.L. (làm nghề bán thịt heo, 52 tuổi, ngụ ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Theo PGS.TS.BS Trần Quang Bính – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, ông L. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, tri giác lơ mơ và bị kích động mạnh. Qua chẩn đoán các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm màng não mủ. Sau đó kết quả cấy dịch não túy cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn.
“Bệnh viêm màng não mủ có nhiều nguyên nhân. Trong quá trình chờ kết quả cấy dịch não tủy, chúng tôi đã khai thác bệnh nhân thì được người nhà cho biết bệnh nhân làm nghề bán thịt heo. Khi đó, chúng tôi đã liên tưởng ngay đến khả năng bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn và tiếp tục điều trị viêm màng não mủ. Đến khi có kết quả của cấy dịch não tủy, bệnh nhân đã được xác định nhiễm liên cầu lợn”, bác sĩ Bính nói.
Bác sĩ Bính cho hay, tình trạng bệnh của bệnh nhân L. là rất nặng. Những bệnh nhân mắc liên cầu lợn bình thường khi chọc dịch não tủy chỉ khoảng 200 đến 300 tế bào, trong khi bệnh nhân này lên đến hơn 6.000 tế bào nên đã phá vỡ cả hàng rào máu não có cả hồng cầu, tế bào nội mô mạch máu, tế bào liên võng… trong dịch não tủy.
“Ngoài đặt nội khí quản và cho thở máy, đối với bệnh nhân này chúng tôi phải sử dụng kháng sinh mạnh phối hợp ngay từ đầu. Với tình trạng bệnh của bệnh nhân, tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Tuy nhiên rất may sau 8 ngày điều trị, đến chiều nay (9.6) bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe đã tạm ổn định”, bác sĩ Bính cho biết.
Sau 8 ngày điều trị, đến chiều 9.6, sức khỏe của bệnh nhân L. đã ổn định, tiếp xúc bình thường.
Theo phân tích của bác sĩ Bính, bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suit gây ra. Vi khuẩn này thường có mặt trong đường hô hấp của lợn và nếu có điều kiện sẽ phát triển và gây bệnh. Việc nhận biết lợn nhiễm bệnh liên cầu khuẩn là rất khó xác định bằng mắt thường mà cần phải xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh tại phòng thí nghiệm.
“Có trường hợp cấy dịch não tủy phát hiện được bệnh liên cầu lợn nhưng cũng có không ít trường hợp không xác định được. May mắn là trường hợp của bệnh nhân L. phát hiện được nên việc điều trị diễn ra tương đối thuận lợi”, bác sĩ Bính chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Bính, những người mắc liên cầu lợn là do tiếp xúc với lợn nhiễm liên cầu khuẩn. Sự lây truyền bệnh là do vi khuẩn Streptococcus suis từ lợn bị bệnh xâm nhập qua các vết trầy xước, vết đứt hoặc vết thương trên da, niêm mạc, áo quần, khăn lau bị nhiễm vi khuẩn, ăn thức ăn được chế biến từ lợn nhưng chưa được nấu chín (thịt tái, tiết canh…).
Khi vi khuẩn Streptococcus suis xâm nhập vào cơ thể người thông qua những con đường trên sẽ có thời gian ủ bệnh, có thể kéo dài chỉ vài giờ nhưng cũng có thể vài ngày là sẽ bùng phát bệnh. Bệnh bùng phát càng nhanh thì động lực của vi khuẩn đó càng mạnh.
Bệnh khởi phát với các triệu chứng như: sốt, nổi ban đỏ, đau họng, đau nhức đầu, ói mửa, cứng cổ, rối loạn ý thức, ù tai, giảm thính lực… giống triệu chứng của viêm màng não. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác như: viêm khớp, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng huyết, biến chứng nặng có thể tổn thương chức năng gan, thận… Khi có biến chức nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc thì tiên lượng của bệnh nhân rất xấu, bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ sau đó.
“Những người chăn nuôi lợn, giết mổ lợn ở các lò mổ, người buôn bán, vận chuyển thịt lợn, các sản phẩm liên quan từ lợn, cán bộ thú y, người suy giảm miễn dịch cần thận trọng khi tiếp xúc với lợn bị bệnh và phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết để bảo vệ an toàn.
Người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra xác nhận; tuyệt đối không sử dụng thịt lợn có dấu hiệu xuất huyết dưới da, thịt và nội tạng có màu đỏ hơn mức bình thường. Khi chế biến các sản phẩm từ lợn phải đun thật chín, không nên ăn thịt tái và tiết canh lợn”, bác sĩ Bính khuyến cáo.
Hồ Quang
Ảnh: PGS.TS.BS Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi thăm tình hìnhsức khỏe của bệnh nhân L. (ảnh chụp chiều 9.6).