GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu đồng ý để TP.HCM xây dựng SGK riêng sẽ tạo thế 'độc quyền'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:02, 10/06/2016
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giớivề vấn đề này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII khẳng định ông ủng hộ việc TP.HCM có những cơ chế đặc thù, tuy nhiên nếu tự xây dựng một bộ SGK riêng cho chính thành phố của mình thì không nên, vì bản thân Sở GD&ĐT thành phố đó đã viết sách thì có trường nào không sử dụng bộ SGK đó mà sử dụng bộ SGK của đơn vị khác không? Vậy thì có thể tạo nên sự cạnh tranh công bằng không hay lại quay về thời kỳ "độc quyền" SGK như chính Bộ GD&ĐT đã từng làm.
- Thưa ông, việc TP.HCM xin tự xây dựng một bộ SGK riêng để học sinh sử dụng, ông thấy ý kiến này như thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Trong nghị quyết 29 khi quy định về các chương trình của bộ GD&ĐT đưa ra là toàn quốc có một khung chung, khung đó là kiến thức cơ bản nhất đối với giáo dục phổ thông. Còn SGK là thể hiện sự huy động nguồn lực xã hội, tạo sự thi đua giữa các tập thể tác giả nhằmnâng cao chất lượng SGK chứ không phải mạnh tỉnh nào thì tỉnh đấy sẽ có một bộ SGK riêng. Với nghị quyết 29 thì cả nước có thể có hàng chục bộ SGK nhưng quyền lựa chọn phải là của các trường dựa trên ý kiến của tập thể sư phạm.
Nhà xuất bản không phải cơ quan quản lý nhà nước, không gây áp lực được đến bất kỳ trường nào, lớp nào. Sách của nhà xuất bản nào tốt thì sẽ được lựa chọn, nếu sách không đảm bảo chất lượng thì sẽ không được lựa chọn. Nếu cứ như TP.HCM tự xây dựng thì có nhà xuất bản nào cạnh tranh được? Đơn vị nào cạnh tranh được ngoài bộ sách mà chính đơn vị Sở tại họ thực hiện? Theo tôi điều này là hoàn toàn không nên.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII
- Vậy theo ông, trên thế giới đã có nước nào các thành phố họ có bộ SGK riêng để phục vụ nhu cầu học tập của chính con em công dân trong thành phố?
Trên các nước theo tôi được biết là không có mà chỉ có các giáo viên họ không dạy theo hẳn bất cứ một bộ SGK nào mà căn cứ tình hình thực tế của lớp, họ chọn bài phù hợp nhất trong những cuốn SGK đã có để dạy. Bài thì chọn ở sách này, bài chọn ở sách khác, thậm chí có khi họ photo một trang sách nào đó đem dạy cho học sinh. Dĩ nhiên, muốn làm được như vậy phải có chương trình chi tiết, giáo viên có quyền tự quyết cao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đồng thời nhà trường phải có tiền mua sách để trong thư viện hoặc trong lớp cho học sinh sử dụng.
Quay trở lại vấn đề tại TP.HCM tôi nghĩ Bộ nên ủng hộ việc có nhiều tổ chức, cá nhân soạn SGK sẽ huy động được nguồn trí tuệ và tài chính của xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng SGK. Như vậy là có lợi cho người học, người dạy, đồng thời cũng san sẻ gánh nặng cho Nhà nước nếu như Nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách tổ chức biên soạn, xuất bản một bộ SGK "quốc doanh".
Còn nếu Bộ ủng hộ một thành phố tự bản thân xây dựng một bộ SGK riêng thì khác nào Bộ ủng hộ cho cả nước có 63 bộ SGK khác nhau. Bởi lẽ tỉnh thành nào họ cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng, họ có bản sắc riêng và những nhu cầu thiết yếu. Tạo ra được một tiền lệ thì sẽ khuyến khích cho sự noi theo từ các thành phố, chỉ e lúc đó Bộ cũng không có lý do nào để khước từ các đơn vị khác nếu như đã đồng ý cho TP.HCM xây dựng riêng.
- Giữa việc Bộ GD&ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK và việc tổ chức, cá nhân tự biên soạn và Bộ chỉ thẩm định bộ sách đó và lựa chọn thì ông ủng hộ phương án nào?
Tôi thấy chỉ Việt Nam và vài nước như Việt Nam mới có chuyện Bộ GD&ĐT trực tiếp đứng ra biên soạn SGK chứ còn ở các nước tiên tiến họ đều không thực hiện như vậy.
Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, công việc chính là xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, soạn các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn,chỉ đạo thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chứ không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản và các trường.Nếu Bộ GD&ĐT làm sách thì theo lẽ thường "cấp dưới sợ cấp trên", chắc chắn các Sở sẽ "chấm" bộ SGK đó. Sở đã có ý "chấm" thì chẳng Phòng giáo dục hay trường nào dám đi ngược lại. Như vậy, cạnh tranh sẽ không công bằng trong vấn đề lựa chọn SGK.
Thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK" là để huy động trí tuệ của xã hội, phát huy dân chủ trong giáo dục. Do đó, để chọn bộ SGK tốt thì không nên tập trung quyền lựa chọn vào 1-2 người. Kinh nghiệm cho thấy việc tập trung quyền lực vào một vài cá nhân rất dễ bị lạm dụng, không phục vụ mục đích chung.
Theo tôi, nên để tổ chuyên môn của từng trường bàn bạc, quyết định chọn bộ SGK phù hợp với học sinh trường mình.
- Cảm ơn ông về những chia sẻ.
Dạ Thảo