Vì sao hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam thấp gần nhất châu Á?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:11, 11/06/2016
Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trong quá trình cải cách nền kinh tế, nhưng nói một cách chính xác hơn thì đây phải là quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khi mà mô hình tăng trưởng cũ đã tỏ ra quá lạc hậu với quá nhiều bất cập và thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Quá trình cải cách nền kinh tế vì thế phải đi kèm với việc xóa bỏ và sửa chữa những điểm yếu chí tử của mô hình tăng trưởng cũ, và một trong số đó là việc nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn. Một nền kinh tế không sử dụng hiệu quả nguồn vốn sẽ mãi mãi không bao giờ phát triển, và một thực tế đau lòng là trong lĩnh vực then chốt này tình trạng của Việt Nam đang không thể tồi tệ hơn: chúng ta đang có mức độ hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp gần nhất châu Á, chỉ đứng trên một nước là Ấn Độ.
Theo đó, báo cáo thực trạng nợ công tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 của trung tâm nghiên cứu ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), thì mức độ hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua sụt giảm mạnh, và tụt xuống vị trí gần như thấp nhất châu Á.
Cụ thể, theo số liệu của ngân hàng Thế giới (WB) thì hệ số sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2005 là 4,88, nó tăng lên mức 6,9 trong giai đoạn 2006-2014, và chỉ số này của Việt Nam chỉ đứng sau một mình Ấn Độ với mức ICOR lên tới 7,31.
Nói cách khác, Việt Nam đang là một trong hai quốc gia có khả năng sử dụng đồng vốn kém hiệu quả nhất châu Á, và đây là một trong những lý do lý giải tại sao nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng chậm chạp trong nhiều năm trở lại đây, và dẫn đến việc Việt Nam buộc phải cải cách toàn diện nền kinh tế của mình ở thời điểm hiện tại.
Việc con số thống kê chính thức về mức độ hiệu quả sử dụng nguồn vốn quá thấp của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, thực sự là một điều rất đáng buồn. Nó đang chỉ ra một thực tế rất đau xót là: cơ hội để Việt Nam có những bước bứt phá trong phát triển kinh tế là quá thấp, và khả năng Việt Nam sẽ mãi là một quốc gia kém phát triển lại đang quá cao.
Vì thực tế là, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển là một chỉ số tối cơ bản đối với một nền kinh tế nếu muốn phát triển; vì cũng giống như một doanh nghiệp càng có chỉ số ICOR thấp thì càng nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, một quốc gia nếu có chỉ số ICOR thấp cũng sẽ có khả năng đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế của mình. Không có bất cứ một lý thuyết kinh tế nào bênh vực cho việc khả năng sử dụng nguồn vốn quá thấp mà lại muốn có tốc độ tăng trưởng cao.
Trên thực tế, việc có hiệu quả sử dụng nguồn vốn kém cỏi không chỉ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội phát triển, mà còn tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đem lại những tác động rất xấu về lâu dài. Một trong số đó là gánh nặng nợ công sẽ ngày càng gia tăng. Nợ công Việt Nam hiện nay đang ở mức trên 62% GDP và sắp chạm ngưỡng giới hạn là 65% GDP, tuy nhiên nếu thống kê các con số chi tiết thì sẽ khiến không ít người phải lo ngại.
Cụ thể, theo kế hoạch vay và trả nợ của chính phủ trong năm 2016 vừa được thủ tướng phê duyệt, thì tổng số tiền mà Việt Nam phải chi để trả nợ trong năm 2016 sẽ lên đến 273.300 tỷ đồng (tương đương 12,2 tỷ USD), con số này chiếm khoảng trên 6-7% GDP. Cũng theo báo cáo của BIDV, thì nợ công Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng cao đến mức đáng báo động trong giai đoạn 2011-2015, cụ thể nợ công của Việt Nam đã có tốc độ tăng trung bình là 16,7% trong giai đoạn này.
Chúng ta đang không chỉ có hiệu quả sử dụng nguồn vốn thuộc diện thấp nhất châu Á, mà còn đang là một trong những nước có tốc độ tăng nợ công nhanh nhất. Nói cách khác, Việt Nam vừa sử dụng vốn vay kém hiệu quả nhất, nhưng lại đang đi vay nhiều hơn bao giờ hết.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đáng buồn và đồng thời cũng đáng báo động này, là do tình trạng thiếu kiểm soát trong sử dụng nguồn vốn vay. Sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ những bất cập trong mô hình tăng trưởng cũ kỹ và lỗi thời mà chúng ta vẫn đang sử dụng trong những năm qua. Một trong số đó là tình trạng để cơ chế “xin-cho” diễn ra ở mọi cấp độ trong nền kinh tế.
Ở cấp độ quốc gia, thì chính phủ thiếu cơ chế giám sát khi chuyển nguồn vốn vay về cho các địa phương đầu tư, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp và tình trạng lãng phí tràn lan. Ở cấp độ nền kinh tế, chính phủ cũng thiếu cơ chế giám sát việc sử dụng nguồn vốn của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vốn là đối tượng được nhận phần lớn nguồn vốn vay từ Nhà nước để đầu tư phát triển.
Việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả của các địa phương cùng các DNNN được xem là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam thấp gần nhất châu Á, và cũng là hai vấn đề mà kế hoạch cải cách nền kinh tế hiện nay phải giải quyết bằng mọi giá.
Hậu quả từ tình trạng sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả kéo dài trong nhiều năm qua này được dự báo sẽ còn kéo dài trong nền kinh tế Việt Nam thêm nhiều năm nữa. Chủ yếu diễn ra thông qua vấn đề nợ công. Theo thống kê, trong vòng 5-10 năm tới số chi trả nợ của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, và sẽ ảnh hưởng cực lớn đến nền kinh tế thông qua việc cắt xét nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Theo báo cáo của BIDV, trong giai đoạn hiện tại, chi ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng 18,44%; ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm nhất là từ năm 2013 đến nay chỉ ở mức 4,8%/năm. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện tại chi hàng năm của Việt Nam trung bình ở mức 68-69% GDP, trong đó khoảng 30% dùng để trả nợ, còn đầu tư cho phát triển chỉ ở dưới 20%, chẳng hạn như năm nay chỉ đạt 17%.
Nền kinh tế Việt Nam đang giống như một gia đình, trong đó số tiền phải trả nợ hàng tháng lớn hơn gần gấp đôi mức chi tiêu cho sinh hoạt. Nói cách khác, chúng ta đã rơi vào tình trạng vung tay quá trán trong một khoảng thời gian dài, và giờ là lúc chúng ta đang phải trả giá.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng hiệu quả sử dụng vốn thấp gần nhất châu Á đáng hổ thẹn này, Việt Nam cần phải có những sự thay đổi từ tận gốc rễ. Vì cả hai nguyên nhân hàng đầu là do tình trạng sử dụng vốn đầu tư quá kém hiệu quả của các địa phương và các DNNN, đều bắt nguồn từ cơ chế vận hành chủ đạo trong nền kinh tế đất nước. Sâu xa hơn là nó thuộc về những bất cập nguy hiểm của mô hình tăng trưởng lỗi thời mà Việt Nam đã sử dụng trong những năm qua.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng nguy hiểm này, thì phải thay đổi mô hình tăng trưởng cũ. Vì nếu như Việt Nam không thể giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng vốn kém hiệu quả gần nhất châu Á này, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không thể cải cách nền kinh tế một cách thành công.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, CafeF)