Nhiều câu hỏi dành cho một bản án thiếu công minh
Sự kiện - Ngày đăng : 22:02, 10/06/2016
Xem thêm:Dân xã Đạ M’ri năn nỉ đại gia Lê Phước Vũ “là phật tử thì đừng ép dân"
Năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch thực hiện dự án “Trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh B’Nom Lu Mu-Hoa Sen” tại thôn 2, xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Trong khuôn khổ của dự án, Công ty Hoa Sen (gọi tắt) được chính quyền địa phương cho phép toàn quyền sử dụng con suối, là nguồn nước duy nhất cung cấp cho 30 hộ dân tại các thôn 1,2,3 thuộc xã Đạ M’ri. Khi triển khai dự án, nhà đầu tư đã tiến hành cắt nước đầu nguồn, đấu nối đường mới, phá bỏ đường cũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân tại đây.
Xuất phát từ đơn thư khiếu nại của nhiều hộ dân xã Đạ M'ri, báo điện tử Một Thế Giới (sau đây gọi là báo Một Thế Giới) đã vào cuộc với loạt bài phản ánh những vụ việc diễn ra và nêu lên những đòi hỏi chính đáng của người dân. Sau loạt bài này, chính quyền địa phương các cấp tại tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát địa hình, tìm giải pháp cung cấp nước sạch cho bà con nông dân.
Vụ việc trở nên phức tạp hơn, khi ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Công ty Hoa Sen đã phát đơn kiện báo Một Thế Giới, “yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín” vì cho rằng trong loạt bài ấy, có bài báo với tựa đề "Dân xã Đạ M’ri năn nỉ đại gia Lê Phước Vũ “là phật tử thì đừng ép dân”.
Ngày 17.5.2016, Tòa án nhân dân quận 2, TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành xét xử sơ thẩm và ban hành bản án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Phước Vũ.
Clip hiện trường Công ty Hoa Sen dùng đá chặn suối,nguồn nước duy nhất cung cấp cho 30 hộ dântại các thôn 1,2,3 thuộc xã Đạ M’ri:
Clip hiện trường Công ty Hoa Sen đấu nối đường mới, phá bỏ đường cũ lên rẫy của người dân:
Một Thế Giới lên tiếng đòi quyền lợi cho dân
Cần nhắc lại rằng, chỉ sau khi báo Một Thế Giớiđăng loạt bài phản ánh những vụ việc diễn ra và nêu lên những đòi hỏi chính đáng của người dân, chính quyền địa phương các cấp tại tỉnh Lâm Đồng mới cho khảo sát địa hình, tìm giải pháp cung cấp nước sạch cho bà con nông dân.
Thế nhưng, một vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và nhất là liên quan đến những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án, vậy mà khi tiến hành xét xử, tòa án cấp sơ thẩm đã không triệu tập những hộ dân tại các thôn 1,2,3 thuộc xã Đạ M’ri, Chủ tịch UBND xã Đạ M’ri và đại diện UBND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, mặc dù báo Một Thế Giới đã có văn bản yêu cầu.
Tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng ông Lê Phước Vũ khởi kiện báo Một Thế Giới với tư cách cá nhân chứ không liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen, là đơn vị thực hiện dự án! Tuy nhiên, trong thực tế, ông Lê Phước Vũ là người đại diện pháp luật, đồng thời là chủ tịch Công ty Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (TNHH một thành viên) không thể không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án do chính ông là chủ đầu tư. Vì vậy, cần khẳng định rằng ông Lê Phước Vũ và chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư - Du lịch Hoa Sen là một, và người dân nghe nói đến tênông Lê Phước Vũ thìhiểu rằng đó làông Lê Phước Vũ của Tập đoàn Hoa Sen. Vả lại,Tòa sơ thẩm cho rằng ông Lê Phước Vũ kiện với tư cách cá nhân thì tại sao lại đưa Công ty Hoa Sen vào tham gia tố tụng?
Nhận định về nội dung bài viết của báo Một Thế Giới, Tòa sơ thẩm cho rằng các văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) đồng ý cho ông Lê Phước Vũ - Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen được toàn quyền sử dụng con suối, con đường trong khu vực được cấp phép thực hiện dự án là có căn cứ, đúng pháp luật, để từ đó cáo buộc báo Một Thế giớiđã đăng bài sai sự thật về dự án nói trên. Nhưng chính những văn bản do UBND huyện Đạ Huoai, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho Công ty Hoa Sen được thực hiện dự án như công ty đã thực hiện là trái với các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, giao thông đường bộ, đầu tư… Ông Lê Phước Vũ - Công ty Hoa Sen đã dùng những văn bản sai trái này làm bùa hộ mệnh để cho mình quyền được phá bỏ nhiều đường ống dẫn nước đang phục vụ sản xuất tưới tiêu, sinh hoạt của người dân; lập barie chặn đường lên rẫy của mấy chục hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án này.
Hơn nữa, không biết căn cứ vào đâu mà tòa cấp sơ thẩm lại kết luận rằng việc Công ty Hoa Sen phá bỏ đường ống nước của các hộ dân là đúng và được phép. Đây là tài sản hợp pháp của người dân bị Công ty Hoa Sen hủy hoại mà chưa được thỏa thuận hoặc bồi thường.
Clip hiện trường những đường ống dẫn nướcphục vụ sản xuất tưới tiêu, sinh hoạt của người dân bị Công ty Hoa Sen phá bỏ:
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên báo Một Thế Giớiđã thực hiện phỏng vấn ông Vũ Hồng Doanh, Chủ tịch UBND xã Đạ M’ri, tuy nhiên sau đó, vì lý do nào đó, cũng chính ông này gửi văn bản phủ nhận những phát biểu của mình! Nội dung văn bản của ông Vũ Hồng Doanh không đúng với thực tế tại chỗ khi phóng viên phỏng vấn ông. Tòa sơ thẩm đã không nghiên cứu kỹ, lại mặc nhiên chấp nhận văn bản này, coi như một bằng chứng để cáo buộc báo Một Thế Giới đăng tin sai sự thật, mà không chấp nhận yêu cầu cho đối chất hoặc thu thập băng ghi âm để làm rõ sự thật. Làm như vậy, có khác nào tòa chỉ nghe một chiều và vội vã quy chụp?
Lợi dụng họp báo để thông tin bôi nhọ
Vào các ngày 1.10.2015, 12.11.2015 và với văn bản trình bổ sung vào ngày 25.11.2015, báo Một Thế Giớiđã có đơn yêu cầu phản tố đối với ông Lê Phước Vũ - Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen, được Tòa án nhân dân quận 2 chấp nhận. Đơn có nội dung yêu cầu như sau:
Yêu cầu ông Lê Phước Vũ - Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen đính chính trên 3 số báo Trung ương về nội dung buổi họp báo vào ngày 4.6.2015 tại khách sạn Vissai (quận Phú Nhuận, TP.HCM) do ông Trần Huy Tâm, ông Hoàng Quý (người được ông Lê Phước Vũ ủy quyền) tổ chức để công bố nội dung khởi kiện báo Một Thế Giới tại tòa án có thẩm quyền. Nội dung họp báo đã công bố những thông tin sai lệch, không khách quan, chụp cho Báo cái mũ nặng nề là đã lôi kéo, tuyên truyền kích động những phần tử xấu làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị - xã hội nơi có dự án, Báo góp phần gây kích động và chia rẽ sự đoàn kết giữa các dân tộc và đoàn kết tôn giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị, đến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước!
Tại văn bản số 23/CV/DLHS/2015 ngày 30.5.2015 do ông Trần Quốc Phẩm, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen, là người được ông Lê Phước Vũ ủy quyền ký, gửi đến ông Nguyễn Văn Lạng - Tổng thư ký Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam (cơ quan chủ quản của báo Một Thế Giới) cũng có nội dung tương tự nêu trên.
Tuy nhiên, phiên tòa cấp sơ thẩm đã bác đơn yêu cầu phản tố của báo Một Thế Giới về nội dung nói trên và cho rằng ông Lê Phước Vũ - Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen đã có giấy phép được Sở Thông tin - Truyền thông cấp để bác yêu cầu của Báo. Chúng tôi cho rằng cấp sơ thẩm bác yêu cầu của Báo là không có căn cứ, bởi giấy phép họp báo mà nguyên đơn trưng ra chỉ cho phép họp báo với nội dung“Triển khai dự án trồng rừng Đại Lâm, tỉnh Lâm Đồng”, không liên quan gì đến việc họp báo để tuyên bố khởi kiện báo Một Thế Giớido đưa tin về dự án “Trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh B’Nom Lu Mu - Hoa Sen”. Như vậy, ông Lê Phước Vũ - Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen đã cố tình lạm dụng, làm sai giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông để hợp thức hóa buổi họp báo nhằm quy chụp báo Một Thế Giới đã đăng bài về dự án nói trên một cách sai sự thật.
Vì những lý do trên, sau phiên tòa sơ thẩm báo Một Thế Giớiđang tiến hành thủ tục kháng cáo.
Một điều cần nói thêm, bản án của tòa cấp sơ thẩm chưa phải là bản án có hiệu lực pháp luật, vậy mà không rõ vì mục đích gì, trên báo Tuổi Trẻ ngày 6.6.2016, trang 20 đăng bản tin của tác giảV.H.Q mang tựa đề có tính quy kết: “Thông tin không chính xác: Báo điện tử Một Thế Giới phải xin lỗi bồi thường”. Nội dung bản tin tập trung vào phần nội dung quy chụp thiếu căn cứ của nguyên đơn và dẫn lời ông Lê Phước Vũ “muốn bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, qua đó mong muốn báo chí phải thông tin chính xác để bảo đảm được sự ủng hộ và uy tín trong lòng bạn đọc” mà không tìm hiểu ngọn nguồn của vụ án, không phản ánh tiếng nói của người dân tại chỗ bị ảnh hưởng bởi dự án của ông Vũ. Một doanh nghiệp, một nhà đầu tư làm ăn chân chính, nếu không mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng, cho người dân tại chỗ thì cũng không được gây thiệt hại cho họ. Ngoài vấn đề pháp luật, đó còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Và tất nhiên, uy tín của doanh nghiệp, hay uy tín của báo trong lòng bạn đọc, đều phải bắt đầu từ sự công minh, chính trực, mà điều ấy vẫn còn là dấu hỏi từ phiên tòa cấp sơ thẩm vừa qua.
Một số hình ảnh về việc Công ty Hoa Sen chặn suối,phá bỏ nhiều đường ống dẫn nước,lập barie chặn đường lên rẫy:
Vòng tròn đỏ là đoạn mương dẫn nước tưới tiêu, sinh hoạt của người dân đã tồn tại hàng chục năm đã bị Công ty Hoa Senlấp lại
Con đường dân sinh cũ cũng tồn tại hàng chục năm, đây là tuyến đường chính để lên rẫy của người dân đã bị đào lên
Đoạn đường ống dẫn nước đã được chính quyền cấp phép cũng bị Công ty Hoa Sentháo dỡ mà người dân không được thông báo trước.
Ban Biên tập báo điện tửMột Thế Giới
Ảnh đại diện:Đoạn suối bị Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen dùng đá chặn nguồn nước.