Cải cách kinh tế đang bỏ quên nông nghiệp?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:53, 11/06/2016
Cuộc cải cách kinh tế mà Việt Nam đang phát động được xem là lần cải cách có quy mô lớn nhất và có tầm quan trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, thậm chí còn được xem như lớn hơn và quan trọng hơn so với lần cải cách kinh tế mang tên Đổi Mới diễn ra vào năm 1986. Trọng tâm lớn nhất của lần cải cách này so với Đổi Mới cách đây ba mươi năm là việc dứt khoát chuyển hẳn sang mô hình kinh tế thị trường và khu vực tư nhân, vốn là điều Đổi Mới 1986 chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà cuộc cải cách lần này vẫn chưa thực hiện so với lần Đổi Mới năm 1986, đó là cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp. Khoán 10 khi đó đã giải phóng sức bật trong nông nghiệp, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một cường quốc nông nghiệp và xuất khẩu lúa gạo. Nhưng giờ đây, có vẻ như cuộc cải cách kinh tế hiện nay lại đang bỏ quên lĩnh vực then chốt này.
Không có gì khó hiểu khi nhắc đến cuộc cải cách kinh tế năm 1986, chúng ta thường liên tưởng và sử dụng cái tên “Khoán 10” như một biểu tượng cho cuộc cải cách ở thời điểm đó. Dù nông nghiệp hiện tại không phải là lĩnh vực có vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế, nhưng ở thời điểm Đổi Mới cách đây ba thập kỷ, cuộc cải cách trong nông nghiệp xứng đáng là biểu tượng cho cuộc cải cách cả nền kinh tế Việt Nam khi đó. Vai trò của những cải cách trong nông nghiệp ở thời điểm đó với Việt Nam là quá lớn, Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ chỗ là một nước thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu, tạo sự ổn định về xã hội đồng thời đem lại nguồn lợi tài chính lớn để hỗ trợ chính phủ phát triển các lĩnh vực kinh tế khác như công nghiệp sản xuất hay dịch vụ.
Không những vậy, từ nền tảng là những cải cách khi đó mà ngành nông nghiệp Việt Nam trở thành một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế, xét trên khía cạnh giá trị xuất khẩu. Tính đến năm 2014, nông nghiệp đem về cho kinh tế Việt Nam mỗi năm 20-30 tỉUSD giá trị xuất khẩu, chiếm từ 10-20% GDP hàng năm của cả nước. Rõ ràng là với nền kinh tế Việt Nam, thì nông nghiệp đóng một vai trò cực kỳ quan trọng ở bất cứ thời điểm cũng như bất cứ giai đoạn nào.
Đó là chưa kể đến việc những cải cách trong nền nông nghiệp diễn ra từ năm 1986 mới chỉ là những cải cách mang tính cơ bản và tự phát, chủ yếu hướng đến giải phóng sức sản xuất chứ chưa theo một chiến lược quy củ và mang tính lâu dài. Chỉ với những cải cách mang tính cơ bản đó, nông nghiệp vẫn đạt được một vị trí quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam, điều đó cho thấy tiềm năng của ngành nông nghiệp đang lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta suy nghĩ.
Tuy nhiên, lĩnh vực cốt yếu và quan trọng đó dường như lại đang bị cuộc cải cách kinh tế thời điểm hiện tại bỏ quên. Trong số tất cả những động thái mang tính cải cách kinh tế được Chính phủ và Nhà nước phát động và ban hành trong thời gian qua, gần như không hề đả động đến những cải cách cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ những Nghị quyết 19/2016, Nghị quyết 35, cho đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, hay như một bộ Luật sắp được trình Quốc hội là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ... dường như mọi chú ý của cả đất nước đều được dồn cho cộng đồng doanh nghiệp, khi mà đề án quốc gia khởi nghiệp đang đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp từ nay đến năm 2020. Dường như tất cả đã lãng quên nông nghiệp, lĩnh vực mới chỉ cách đây 2-3 năm thôi vẫn được gọi với cái biệt danh mỹ miều “trụ cột của nền kinh tế”.
Đồng ý rằng ở thời điểm hiện tại việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển là việc làm cần kíp hơn, và cần thiết tập trung phần lớn nguồn lực và sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể gạt những vấn đề cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp sang một bên. Vì như vậy là tự gạt bỏ đi một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển nhất và có tầm quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Kinh nghiệm của lần cải cách năm 1986 đã chỉ ra, chỉ với những cải cách mang tính cơ bản cũng đã đủ để nông nghiệp tạo ra một sức bật lớn để trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất và có đóng góp nhiều nhất với nền kinh tế. Đó là chưa kể, việc cải cách nông nghiệp cũng sẽ hỗ trợ cho đề án “Quốc gia khởi nghiệp” trong đó đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp từ nay đến năm 2020, vì cải cách nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng lên rất đáng kể.
Ở thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp cũng đang cần một sự thay đổi mang tính bước ngoặt, giống như những gì cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đang kỳ vọng với một loạt các nghị quyết và luật mới đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vừa được Chính phủ và Quốc hội thông qua. Vì vấn đề chủ đạo của nông nghiệp cũng tương tự như của cộng đồng doanh nghiệp, đó là bị hạn chế tiềm năng bởi các cơ chế quản lý không phù hợp và lỗi thời. Với cộng đồng doanh nghiệp trước đây, đó là sự hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, hạn chế về hỗ trợ chính sách, trong khi lại bị gánh nặng thuế phí đè trên vai. Còn với nông nghiệp, đó là những vướng mắc về cơ chế tích tụ đất đai, khiến cho các doanh nghiệp điêu đứng vì không thể tạo được các vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất, chế biến. Bằng cách hạn chế tích tụ đất nông nghiệp, chúng ta trên thực tế đã chặt đứt cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào nền nông nghiệp trong nhiều năm qua.
Một thực tế đáng chú ý trong thời gian gần đây làxuất hiện một làn sóng các DN nước ngoài đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam khá ồ ạt cả về số lượng lẫn quy mô. Lý do chủ yếu là vì Việt Nam đang sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một cường quốc nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Bằng cách chậm trễ cải cách trong nông nghiệp, chúng ta đang tự tay dâng cơ hội cho các DN nước ngoài trong khi tự trói tay các DN trong nước. Đó là chưa kể, cải cách kinh tế sẽ khó có thể thành công nếu như không tạo được mối liên thông giữa các lĩnh vực khác với nông nghiệp, vì phần lớn các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế đều có mối liên hệ với nông nghiệp thông qua việc tạo dựng các vùng nguyên liệu thô.
Việc chúng ta đang phải nhập khẩu 2-3 tỉUSD mỗi năm các loại ngũ cốc như ngô hay đậu tương để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi là một ví dụ điển hình, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể tự túc các loại cây trồng này với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Nói cách khác, nếu không cải cách nông nghiệp và tạo sự kết nối giữa nông nghiệp với các lĩnh vực kinh tế khác, cuộc cải cách kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi sẽ giảm hiệu quả đi rất nhiều.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, The Saigon Times)