Vĩnh biệt người cả đời tìm kiếm 'Kho vàng 4.000 tấn' ở núi Tàu

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:28, 12/06/2016

Cụ Trần Văn Tiệp, con người 'huyền thoại' của 'kho vàng 4.000 tấn' trên núi Tàu đã vĩnh viễn ra đi chiều qua 10.6 (nhằm ngày 6 tháng 5, năm Bính Thân) tại nhà riêng ở Q. Phú Nhuận, TP.HCM, hưởng thọ 98 tuổi.

Cách đây ítngày, Trần Phương Hồng, con trai út của cụ điện báo cho tôi: “Ông già yếu lắm rồi anh ạ”. Hôm sau Hồng lại báo cụ tỉnh rồi. Chiều qua, ngay sau khi cụ mất, Trần Phương Hồng đã gọi báo cho tôi ngay.

Với tôi, và có lẽ nhiều người nữa thì cụ Tiệp là một người khá đặc biệt.

Tại nhà riêng của mình, cụ Tiệp đang chỉ cho PV xem các chứng cứ cho rằng quân đội Nhật Bản đã chôn giấu một kho vàng tới 4.000 tấn ở núi Tàu

Cuộc đời cụ bôn ba nhiều nơi. Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, qua nhiều miền đất để kiếm sống, rồi cụ chọn đất phương Nam làm nơi dừng chân (giấy tờ cụ Tiệp sinh 1915, nhưng gia đình cho rằng cụ tuổi Kỷ Mùi, sinh năm 1918). Cụ Tiệp từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Cụ có tới 11 người con, đều thành đạt.

Con trai lớn của cụ là một người giàu có tầm cỡ, từng là chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng lớn ở TP.HCM. Con dâu của cụ từng là Tổng giám đốc một Công ty kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất TP.HCM.

Ông Tám Hiền (bên trái) - Cố Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từng có hàng chục năm giúp đỡ và trực tiếp tham gia cùng cụ Tiệp tìm kho báu núi Tàu

Nhưng việc đại sự nhất trong cuộc đời cụ, theo cụ kể có lẽ chính là cuộc tìm kiếm kho vàng trên núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Với hơn 10 năm theo dõi cụ đi tìm kho vàng, tôi hiểu chút ít về tâm tính của cụ Tiệp. Đó chính là sự kiên trì, bền bỉ, cẩn trọng ở cụ.

Nhiều người chưa biết rằng, cụ đã âm thầm theo dõi và thu thập thông tin về kho vàng núi tàu từ năm 1954. Những năm chiến tranh, cụ vẫn thường xuyên đến Bình Thuận theo dõi “mục tiêu” ở núi Tàu.

Những năm cuối đời, dù tuổi cao nhưng cụ Tiệp vẫn rất khỏe và được con trai út Trần Phương Hồng thường xuyên chở ra núi Tàu thị sát công việc bằng chiếc xe Jeep này

Sau thống nhất đất nước, cụ Tiệp công khai ý định muốn tìm kiếm kho báu núi Tàu. Từ năm 1993 đến nay, cụ liên tục lên các phương án để tìm kho vàng trên núi Tàu. Cuộc tìm kiếm kho báu núi Tàu có thể nói thu hút khá nhiều người tham gia, theo dõi.

Ngoài những người cộng sự giúp việc là con cháu của cụ, còn có cả những người giữ chức vụ cao cũng tham gia. Chẳng hạn sau khi nghỉ hưu, cố Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận là ông Tám Hiền cũng ngày đêm theo cụ Tiệp lên núi Tàu tìm kho báu. Thậm chí chính quyền tỉnh Bình Thuận gần ba chục năm qua ủng hộ cụ Tiệp tìm kho báu.

UBND tỉnh Bình Thuận liên tiếp trong nhiều năm cấp phép, gia hạn, chấm dứt, rồi lại cấp phép cho cụ khoan thăm dò, đào núi, thậm chí là cho đánh mìn để khai quật kho báu núi Tàu.

PV Thanh Niên và cụ Tiệp trong lần đi núi Tàu năm 2013 và nghỉ chân bên quán nước ven đường

Giữa năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận chính thức có văn bản không đồng ý gia hạn và đề nghị ngưng tìm kiếm kho vàng núi Tàu. Nhưng với cụ Tiệp, niềm tin về kho báu núi Tàu không “bao giờ tắt”.

Cụ từng nói với tôi, “Ông không tìm ra được thì con cháu ông nhất định phải tìm ra kho báu này cho ngân khố quốc gia”.

Khi xuất bản cuốn sách “Sắc màu” (Nhà xuất bản Thanh niên), tôi chủ ý đưa vào sách tới 5 ký sự về quá trình tìm kiếm kho vàng trên núi Tàu của cụ Tiệp. Tuy nhiên, viết về cụ Tiệp bao nhiêu thì vẫn chưa bao giờ là đủ.

Giờ đây, cụ Tiệp đã ra đi mãi mãi, để lại niềm tin về kho báu núi Tàu “chưa có hồi kết”. Dành cả một quãng đời của mình cho công cuộc đi tìm kiếm kho báu núi Tàu. Cho dù cụ chưa kiếm được, nhưng với công sức, tiền bạc cụ từng bỏ ra mấy chục năm qua đã là quá lớn. Với tôi, cụ đã tìm được nhiều thứ, chứ không chỉ có vàng.

Đó là ý chí, niềm tin và sự kiên định bền bỉ của một con người. Xin thắp một nén nhang tỏ lòng khâm phục một con người “huyền thoại”.

Một góc công trường tìm kiếm kho vàng trên sườn núi Tàu của cụ Tiệp năm 2011

Xin chia buồn với anh Tí, anh Đăng, anh Sáu, anh Đức và đặc biệt là Trần Phương Hồng, người con út của gia đình từng lái xe chở cha mình đi núi Tàu về TP.HCM như con thoi trong những năm cuối đời của cụ.

Theo Thanh Niên

Ảnh: Tác giả và cụ Tiệp trên núi Tàu năm 2010 - Ảnh: H.Linh.

Theo Thanh Niên