Ăn chặn tiền hỗ trợ thiên tai, tiền quà tết của hộ nghèo!
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:13, 14/06/2016
Ăn chặn quà tết của hộ nghèo
Trong bản thanh quyết toán tiền hỗ trợ quà tết năm 2016 của UBND xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, vừa được cung cấp cho PV, có 86 hộ nghèo với tổng số tiền 43 triệu đồng. Trong đó, mỗi hộ nghèo nhận 1 phần quà trị giá 150.000 đồng và tiền mặt 350.000 đồng.
Ông Huỳnh Văn Tấn, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã là người đứng ra nhận 31,1 triệu đồng từ phòng LĐTB&XH huyện để chi cho dân và làm các thủ tục quyết toán. Tuy nhiên, điều bất ngờ là hầu hết các hộ dân đều không nhận được đủ tiền, quà theo như danh sách ký nhận và các chữ ký này cũng đều… giả mạo!
Ông Nguyễn Văn Hải, ở ấp Kênh 14, khẳng định: “Tôi không có nhận khoản nào 350.000 đồng, mà chỉ có 200.000 đồng nhận tại ấp này thôi. Chữ ký này không phải của tôi. Gia đình tôi khó khăn, nhà nước cho được bao nhiêu thì tôi cám ơn nhưng xã còn ăn chặn nữa, cái đó tôi không chịu. Đề nghị giải quyết triệt để vụ tham ô của dân nghèo. Chỉ có ít mà còn làm như vậy, nhiều nữa không biết ăn của dân cỡ nào?”.
Còn ông Nguyễn Văn Thới ở ấp kênh 14 nói: “Tôi cũng có nghe nói nhưng không có nhận cái này, chỉ nhận 200.000 đồng ở ấp cho thôi, còn ở ngoài xã thì không nghe nói tới. Tôi nhận là tôi nhớ hết, nhưng ở đây tôi không nhận phần quà nào mà cũng không có ký tên luôn”.
Sự việc đổ bể, ông Đặng Văn Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thuận thừa nhận đây là danh sách khống và toàn bộ hồ sơ thanh quyết toán tiền hỗ trợ quà tết cho các hộ nghèo của xã cũng là hồ sơ khống và sai quy định. Theo ông Dũng: “Hơn 30 triệu đồng mà phòng LĐTB&XH huyện đưa xuống, chỉ chi có 14 triệu đồng, còn thừa lại 16 triệu.
Sau đó xã xin ý kiến UBND huyện và phòng LĐTB&XH để xin trả lại nhưng phòng cho rằng tiền đã cho thì trả lại cũng không được, thôi để lại sử dụng cho mục đích khác hoặc nhập vào quỹ vì người nghèo. Hiện nay vẫn còn tồn 16 triệu đồng”.
“Cái bảng này sai rồi! Danh sách quyết toán này ở chỗ chữ thập đỏ làm là sai, chữ ký này là khống, không phải chữ ký của dân”, ông Dũng thừa nhận.
Ép dân đóng các loại quỹ
Và mấy ngày gần đây, dư luận đang bức xúc về cách bắt ép người dân đóng các loại quỹ như quỹ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, quỹ hỗ trợ người nghèo… ở xã Vĩnh Thuận.
Được biết, xã Vĩnh Thuận có hơn 3.584 ha của 2.262 hộdân ở 9 ấp bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ lúa mùa vừa qua. Trong đó, hơn 3.410 ha bị thiệt hại từ 70 - 100% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, còn lại thiệt hại từ 30% đến dưới 70% hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.
Trong khi người dân bị thiên tai mất mùa, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhận được khoản hỗ trợ từ Chính phủ để có thể tái sản xuất thì địa phương lại tổ chức thu các quỹ này ngay khi họ nhận tiền hỗ trợ. Nói là vận động nhưng gần như địa phương yêu cầu người dân phải nộp các khoản này thì mới được nhận tiền hỗ trợ hoặc mới cho ra về.
Chị Phan Thị Oanh ở ấp Vĩnh Trinh cho biết: gia đình có 3 ha đất sản xuất bị mất trắng trong vụ mùa vừa qua, được hỗ trợ 6 triệu đồng nhưng sau khi nhận tiền chị bị cán bộ yêu cầu đóng lại 440.000 đồng. Đúng ra theo quy định mỗi hộ gia đình phải nộp 220.000 đồng cho các loại quỹ trên, nhưng gia đình chị phải nộp gấp đôi vì năm ngoái vẫn chưa đóng các khoản này.
Chị Oanh bức xúc nói: “Mới đầu tôi cũng không chịu đóng các khoản này nhưng họ nói: “Chị phải đóng mới được, đóng rồi 2 ngày sau sẽ đưa biên lai lại”. Nhưng bây giờ cả tháng rồi chẳng thấy biên lai đâu.
Bởi vì đây là tiền thất bát của dân chúng, nếu hỗ trợ như vậy thì đúng ra ở trên phải cho hết đằng này đi trừ ngang như vậy tôi cũng không đồng ý. Nhưng bữa đó họ không cho ai về hết, người nào cũng phải đóng, đóng hết mới cho về. Có người chưa lãnh tiền nữa là họ bắt đóng trước rồi”.
Chị Trinh cho biết: không chỉ “tận thu” các loại quỹ này trong khi dân thất mùa, khó khăn mà 2 năm nay chị cũng không nhận được tiền hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đối với 2ha chuyên trồng lúa, mỗi ha 500.000 đồng/năm. Nhiều lần lên xã hỏi thì xã nói là không có khoản tiền này. Nhiều bà con trong vùng cũng không nhận được khoản hỗ trợ này.
“Tôi nghĩ việc chính quyền địa phương trừ cấn tiền của dân như vậy là hết sức vô lý và mập mờ quá. Tôi còn biết nhiều người làm ruộng xung quanh vẫn chưa được nhận đồng nào”, bà Oanh nói.
Bà Phan Thị The, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận cho biết: do áp lực phải huy động đạt các loại quỹ này nên xã mới giao chỉ tiêucho các ấp. Cũng do áp lực nên cán bộ ấp mới tổ chức vận động như vậy gây phản cảm và bức xúc trong dân.
Còn việc Hội chữ thập đỏ xã lập danh sách khống và ăn chặn tiền quà tết của dân, bà The cho rằng mình không biết. Tuy nhiên, trong đoạn băng ghi âm cuộc trao đổi riêng giữa ông Đặng Văn Dũng, Bí thư đảng ủyxã và bà The, mà chúng tôi có được thì cả 2 đều cho rằng ông Huỳnh Văn Tấn, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã đã làm việc quá bất cẩn nên sự việc mới bị lộ và đang bàn cách để đối phó!
1 cán bộ ở xã Vĩnh Thuận cho biết: ngoài những trường hợp đã nêu, chính quyền địa phương thông đồng, móc nối với một số đối tượng “nông dân” nâng khống diện tích bị thiệt hại nhận tiền hỗ trợ để chia nhau tiêu xài, thậm chí có người không đất gieo sạ lúa vẫn đưa vào danh sách hỗ trợ và nhận tiền.
Thanh Quốc
Ảnh: Các hộ dân bức xúc chuyện ăn chặn của cán bộ xã.