Nhờ mưa nhiều, cháy rừng ở Indonesia ít bùng phát mạnh

Quốc tế - Ngày đăng : 15:29, 15/06/2016

Thời tiết thuận lợi cùng với những nỗ lực của chính quyền Indonesia có thể sẽ giúp Đông Nam Á tránh được tình trạng bị ô nhiễm khói bụi trong năm nay.

Vào năm 2015, việc đốt rừng lấy đất canh tác tại Indonesia đã vượt quá tầm kiểm soát và thải ra một lượng lớn khói bụi, biến Indonesia trở thành nước có lượng khí thải nhà kính lớn nhất năm. Ngoài ra, khói bụi cũng đã lan sang hầu hết các nước Đông Nam Á khác, khiến hàng loạt sân bay và trường học phải đóng cửa.

Tuy nhiêntờStraits Times mới đây cho biết, theo các hình ảnh từ vệ tinh thì tính đến tháng 5.2016, Indonesia chỉ còn có 730 điểm nóng có thể xảy ra cháy rừng thay vì 2.900 điểm trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo lý giải của ông Raffles Brotestes Panjaitan thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia thì đây là thành quả của việc chính phủ nước này đã bố trí các đội tuần tra tại khắp các điểm nóng.

Cụ thể, ông Panjaitan nói: “Chúng tôi đã cử nhiều đội tuần tra hỏa hoạn đến các làng nơi thường diễn ra tình trạng đốt rừng hàng năm. Thông thường thì những vụ cháy sẽ xảy ra hàng loạt vào tháng 2 và tháng 3 nhưng hiện nay thì hỏa hoạn đã không còn xảy ra ở những làng có đội tuần tra canh gác”.

Trong năm 2015, các đám cháy đạt đến đỉnh điểm vào tháng 9 và tháng 10, thải ra một lượng khói bụi cực lớn bao phủ toàn bộ Malaysia, Indonesia và một phầnThái Lan.

Để giải quyết tình trạng này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và nội các của ông đã đưa ra nhiều biện pháp như cử đội tuần tra, tăng cường các yêu cầu về phòng chống hỏa hoạn đối với các công ty làm trong ngành trồng trọt, cũng như xem xét lại việc cấp giấy phép cho nhiều công ty liên quan khác. Tuy nhiên, theo ông Eduardo Mariz thuộc công ty tư vấn rủi ro kinh doanh Concord Consulting thì những biện pháp này là chưa đủ.

Ông Mariz lý giải, một trong những hạn chế lớn của biện pháp này nằm ở hệ thống chính trị Indonesia. Cụ thể, mọi người ai cũng hiểu rằng chính phủ của ông Joko không khuyến khích những công ty làm trong ngành trồng trọt, nhất là những công ty sản xuất dầu cọ vốn đóng góp đến 2,1% tổng sản phẩm quốc nội, tiến hành đốt rừng trái phép để lấy đất canh tác, nhưng hệ thống chính trị phi tập trung tập trung nhiều quyền hạn vào tay chính quyền các địa phương vốn tham nhũng và mờ ám trong việc cấp quyền sở hữu và sử dụng đất đai đã khiến các biện pháp mà chính phủ trung ương đưa ra được thực hiện rất hạn chế.

Ngoài ra, hệ thống cấp phép đất đai phức tạp và chồng chéo cũng là một nguyên nhân khác khiến các biện pháp của chính phủ không đạt hiệu quả như mong muốn, theo ông Mariz.

Vào năm 2015, ông Joko đã ban hành một lệnh yêu cầu các công ty nên tập trung tăng sản lượng của các đồn điền hiện tại và không được mở nơi canh tác mới. Tuy nhiên, lệnh cấm này dường như vẫn chưa tạo được tiến triển gì.

Nhưng trong khi các biện pháp mà chính phủ Indonesia đưa ra chưa giải quyết được cốt lõi của vấn đề thì thời tiết lại có vẻ đã giúp nước này kiềm chế nạn đốt rừng. Ông Andi Eka Sakya, người đứng đầu Viện Khí tượngKhí hậu và Địa vật lýcho biết, nếu như trong năm 2015 hiện tượng El Nino đã khiến cho các đám cháy càng dữ dội và mất kiểm soát thì La Nina và lượng mưa lớn mà nó mang lại đã giúp kiềm chế chúng. Ông Sakya cũng dự đoán rằng từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ là “mùa khô ướt”.

Về phía Singapore, nước luôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ khói bụi ô nhiễm,cho rằng mặc dù được thời tiết giúp đỡ kiềm chế cháy rừng nhưng Indonesia nên có những hành động chống lại những công ty đã gây ra ô nhiễm. Masagos Zulkifli - Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singaporehy vọng rằng tình trạng mù khô sẽ bị ngăn chặn. “Có thể là họ (Indonesia) đã thực hiện tốt những biện pháp ngăn chặn và chúng có hiệu quả, cũng có thể là do thời tiết thuận lợi đã giúp ngăn chặn tình trạng khói bụi. Theo tôi nghĩ là do thời tiết nhiều hơn”, ông Masagos cho biết.

Một trong những nguyên nhân chính khiến các đám cháy ở Indonesia khó bị dập tắt chính là do bề mặt đất ở những nơi xảy ra cháy. Phần lớn đất ở Sumatra, nơi tập trung tình trạng đốt rừng, là đất than bùn ngập nước (waterlogged peat soil). Khi nước bị rút đi để phục vụ cho việc khai thác gỗ hoặc trồng cây, đất than bùn sẽ khô lại và trở thành nhiên liệu cháy cực tốt.

Vào tháng 1.2016, ông Joko đã cho thành lập Cơ quan bảo vệ đất than bùn PRA với mục tiêu khôi phục lại 2,6 triệu ha đất than bùn trong vòng 5 năm. Quyết định thành lập cơ quan này nhận được rất nhiều sự ủng hộ.

Tuy nhiên, theo nhà vận động Teguh Surya thuộc cơ sở Tổ chức Hòa bình xanh (GreenPeace) tại Indonesia, bên cạnh việc lập PRA, ông Joko cũng nên cấm các doanh nghiệp khai thác đất than bùn.

“Những vùng đất than bùn sẽ không đời nào bị cháy một khi chúng chưa bị làm khô đi do hành động rút nước phục vụ tưới tiêu cho các đồn điền dầu cọ và công ty làm bột giấy. Các biện pháp như cử đội tuần tra sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề một khi các hoạt động rút nước tại các vùng đất than bùn vẫn còn tiếp diễn”, ông Surya cho biết.

Ngoài các biện pháp đã kể ở trên, Bộ Môi trường Indonesia cũng vừa mới đưa ra một bộ yêu cầu phòng chống hỏa hoạn mới mà các công ty phải đáp ứng, trong đó có yêu cầu phải thành lập đội chữa cháy riêng, đầu tư vào công nghệ như máy bay điều khiển, máy quay nhiệt và hệ thống camera giám sát riêng biệt. Tuy nhiên, biện pháp này đang gặp phải phản ứng từ các công ty trong ngành sản xuất dầu cọ vì việc trang bị thêm thiết bị hay lập ra đội chữa cháy sẽ làm tăng chi phí lên đến 5 tỉrupiah mỗi đồn điền.

Cẩm Bình (theo Straits Times)

Cẩm Bình