Vụ Mỹ hủy lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam 'quạt nóng' tình hình Biển Đông

Quốc tế - Ngày đăng : 18:14, 18/06/2016

Các nhà phân tích nói việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam sẽ làm tăng tốc cuộc chạy đua vũ trang vốn đã diễn ra ở Đông Nam Á, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Việc Mỹ hủy bỏ lệnh cấm bánvũ khí cho Việt Nam xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm, trước khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) có phán quyết về đơn kiện của Phillippines phản đối Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền 90% Biển Đông, theo bài bình luận “Kiện tụng và chạy đua vũ trang: mọi sự có thể xấu đi thế nào về Biển Đông” của báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP, Hồng Kông).

Bài báo viết tình hình căng thẳng trên Biển Đông có diễn biến mới hồi tháng trước, khi Mỹ - Việt Nam lập quan hệ quân sự thân cận hơn nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Các nhà phân tích nói Mỹ cùng các nước Đông Nam Á xem ra ráng giành lợi thế, để đối phó các cách hành xử ngoại giao - quân sự hung hăng, trước khi PCA có phán quyết về việc Trung Quốc đòi chủ quyền Biển Đông một cách ngang ngược. Dự kiến phán quyết này sẽ có vào tháng 7 tới.

Chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng (ở Singapore) nói quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm trong việc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực nóng Biển Đông:“Nó mở cửa cho sự hợp tác quân sự thân cận hơn giữa Mỹ - Việt và sẽ tăng cường khả năng của Việt Nam trong việc thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Bước đi biểu tượng này là một phần của chiến lược của Mỹ, giúp các đồng minh ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chống lại Trung Quốc”.

Giáo sư Hoàng Tĩnh, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung ở Đại học quốc gia Singapore, nói việc Mỹ hủy lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là một nước cờ khác của Mỹ, để kết thân với Việt Nam và làm nghiêng cán cân quyền lực trong khu vực về phía Mỹ:

“Tất cả dấu hiệu cho thấy Việt Nam cũng giữ một vai trò cân bằng ngoại giao giữa Mỹ - Trung. Họ ráng tranh thủ sự căng thẳng với Trung Quốc để có thêm sự hậu thuẫn của Mỹvà sử dụng mối quan hệ ấm dần lên với Mỹ để chiếm lợi thế trong mối quan hệ làm việc sau này với Trung Quốc”.

Các nhà phân tích quan ngại việc tranh chấp lãnh hải dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc và các nước tranh chấp chủ quyền (gồm Việt Nam và Philippines) mạnh tay đầu tư vào không - hải quân để củng cố việc đòi chủ quyền.

Một nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết đã có sự củng cố quân sự trong khu vực từ vài năm qua, khi căng thẳng leo thang.

Trong khi Philippines cân nhắc có nên xây dựng hạm đội tàu ngầm đầu tiên của họ hay khôngthì Việt Nam đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu vũ khí tích cực nhất của thế giới, với tỉ lệ nhập khẩu tăng 699% từ năm 2011 đến năm 2015, trongkhi Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng khoản chi mua vũ khí của thế giới.

Vì sao Bắc Kinh ngán ngại PCA xử Philippines thắng kiện?

Một số nhà phân tích nói nếu phán quyết của PCA sẽ xử Trung Quốc thua, sẽ càng khuyến khích các nước đòi chủ quyền như Việt Nam làm theo Philippines: đưa chuyện đòi chủ quyền lên PCA.

Daniel Chua, một chuyên gia ngoại giao Đông Nam Á ở Đại học Khoa học Công nghệ Nam Dương (Singapore) nói các nước khác đã tìm cách sử dụng chiến thuật tương tự để đối phó sự hung hăng của Trung Quốc trong việc tranh giành lãnh hải.

Xem ra đó là điều mà Bắc Kinh lo ngại. Tại một cuộc họp hồi tháng trước, Xu Hong - Vụ trưởng cảnh cáo rằng nếu các nước khác noi theo Philippinesthì “điều này sẽ mở ra nhiều vụ kiện tương tự”và gây ra mối nguy lớn cho trật tự hàng hải quốc tế.

Nhưng Giáo sư Hoàng Tĩnh nói có lẽ Việt Nam sẽ không đâm đơn kiện đến PCA, vì Việt Nam cũng có tranh chấp lãnh thổ với Philippines. Ông cho rằng Việt Nam sẽ không muốn Philippines dùng tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp này.

“Quan trọng hơn hết, nếu Việt Nam kiệnthì mối quan hệ với Trung Quốc sẽ bế tắc. Cả Bắc Kinh lẫn Việt Nam đều không muốn đốt chiếc cầu của họ”, Giáo sư Hoàng Tĩnh nói.

Vài nhà phân tích thậm chí bày tỏ sự quan ngại rằng phán quyết PCA có thể làm trầm trọng thêm sự thù địch và căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước châu Á láng giềng, bất chấp mối quan hệ thương mại thân cận giữa nhóm nàyvà đẩy sự bất đồng của họ lên tới một cuộc xung đột.

Đáng lo hơn hết là vào lúc có những dấu hiệu thù địch gia tăng, các nhà phân tích lưu ý Trung - Mỹ đều muốn phô trương cơ bắp, đồng thời cáo buộc lẫn nhau là khiêu khích, “quạt nóng” sự căng thẳng.

Nhiều nhà phân tích còn nói việc Trung Quốc vung tay sử dụng sức mạnh quân sự - ngoại giao là đi ngược lời hứa về một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”.

Nguy cơ xung đột trên Biển Đông vẫn còn đó

Dù khó xảy ra chuyện đánh nhau to, khi Mỹ - Trung đều ngại đánh nhau trực tiếp, các nhà phân tích vẫn nói rằng không thể loại trừ khả năng hiểu lầm cùng các sự cố vặt vãnh, nhất là chuyện tàu đánh cá đâm va nhau.

Nữ tiến sĩ Bonnie Glaserthuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (ở Washington) nói: “Lấy ví dụ, nếu phán quyết PCA cho ngư dân Philippines có quyền đánh cá gần Bãi cạn Scarborough và quân đội Philippines đưa tàu chiến ra thực hiện phán quyết này, điều đó có thể khiến Trung Quốc phản ứng và có thể xảy ra những vụ xung đột nhỏ lẻ.

Một cuộc xung đột cấp độ nhỏ cũng có thể xảy ra, nếu Trung Quốc toan tính khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Jay Batongbacal, một chuyên gia luật hàng hải thuộc Đại học Philippinesnói một kịch bản tệ nhất giữa Philippines với Trung Quốc sẽ gồm những dạng sự cố trên biển có nguy cơ leo thang, chính vì tham vọng hàng hải cùng hành vi hung hăng của Trung Quốc trong việc xây đảo nhân tạo và tiến hành tuần tra quân sự.

Chuyên gia ngoại giao David Chua nhắc chuyện Trung Quốc từng đánh Việt Nam ở quần đảo Trường Sa những năm 1970, suýt bùng nổ chiến tranh với Philippines hồi giữa những năm 1990 và năm 2012. Ông nói : “Rất khó xác định được kịch bản tệ nhất”.

Nhà phân tích Zhu Zhiqun của đại học Bucknell ở bang Pennsylvania (Mỹ) nói không thể gia tăng căng thẳng, vì cả Mỹ - Trung đều không muốn đối đầu ở Biển Đông:

“Tôi nghĩ cả Mỹ và Trung Quốc đã làm nhiều việc để người dân nước họ và các đồng minh thỏa mãn. Họ sẽ đều muốn giảm nhiệt thông qua các diễn đàn song phương và đa phương”.

Giáo sư Hoàng Tĩnh nói sẽ không sớm kết thúc căng thẳng, vẫn có thể xảy ra một vụ xích mích nhỏ ngoài ý muốn. Nên phải chờ xem liệu Mỹ - Trung có chịu dẹp bỏ bất đồng, để cùng nhau kiểm soát tình hình hay không.

Ông nói: “Xử lý khủng hoảng không nhất thiết phải dẹp bỏ khủng hoảng. Nói cách khác là khả năng thu nhỏ nguy cơ leo thang trong một cuộc khủng hoảng”.

Kim Hương (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Kim Hương - CVT Đoàn Quý