Cần xóa bỏ bao cấp báo chí và 'vùng cấm thông tin'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:12, 20/06/2016

Nhìn một cách tổng quát, môi trường tác nghiệp báo chí đã trở nên phức tạp hơn với mức độ rủi ro cao hơn trong hoạt động báo chí hiện nay.

Ngày 20.6, Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá vấn đề cản trở tác nghiệp báo chí ở Việt Nam giai đoạn 2011-2016 là dịp để nhóm nghiên cứu về môi trường tác nghiệp báo chí RED chia sẻ những thông tin, kết quả và có thêm những đóng góp từ các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí.

Chia sẻ tại buổi báo cáo, ông Nguyễn Quang Đồng- Chuyên gia RED cho rằng thái độ của công chúng đối với báo chí trở nên kém tin tưởng, chuẩn mực tác nghiệp của phóng viên đang đi xuống, việc nhà báo bị khởi tố lạm dụng quyền đang gia tăng rất nhiều.

Đồng thời, ông Đồng cũng cho rằng, quan ngại về những rủi ro ngầm ẩn liên quan tới khoảng mờ, sự thiếu rõ ràng của pháp luật và môi trường chính trị là thách thức lớn của nhóm nhà báo điều tra, nhà báo theo mảng nội chính vốn tác nghiệp tại các điểm nóng.

Bên cạnh những nhà báo tác nghiệp chân chính, hiện nay đang có một số người mạo danh nhà báo tác nghiệp khiến báo chí cũng như vai trò uy tíncủa phóng viên ngày càng bị ảnh hưởng và đi xuống. Ngoài ra, trong những năm qua, việc nhà báo bị cản trở tác nghiệp đang ngày một tăng do sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như sự quá tải của các cơ quan báo chí và sự cạnh tranh nguồn thu của các cơ quan báo chí bị giảm mạnh dẫn đến chuyện cạnh tranh ngày càng tăng nhưng chúng ta đang thiếu môi trường cạnh tranh lành mạnh, thiếu kiểm soát.

Tại buổi báo cáo, ông Phan Hữu Minh- Ủy viên Thường vụ- Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam có chia sẻ: “Nhiều vụ việc tấn công nhà báo nghiêm trọng đã không được xử lýrốt ráo và thông tin rộng rãi. Việc rủi ro pháp lý vẫn là vấn đề đáng chú ý đối với các nhà báo tác nghiệp tại ở nhiềulĩnh vực. Nhưng nhìn về phía trước, báo chí Việt Nam đang trải qua những thay đổi quan trọng”.

Ông Phan Hữu Minh chia sẻ tại buổi họp báo

Đồng thời, theo các chuyên gia nhiều nhà báo hiện nay đang thiếu kiến thức về pháp lý, có sự nhầm lẫn giữa tác nghiệp điều tra, tìm sự thật với vai trò điều tra của cơ quan pháp luật dẫn đến sự nguy hiểm không đáng có.

Khảo sát nhóm phóng viên cho thấy, để có được kĩ năng, kiến thức tác nghiệp, các nhà báo, phóng viên thường thu thập thông tin qua 3 nguồn chính: tự học, qua bạn bè đồng nghiệp và tòa soạn. Đó chính là cẩm nang cho hoạt động tác nghiệp. Tuy nhiên, định hướng về đạo đức là rất khó.

Nói về điều này, ông Đồng cho rằng hiện nay các tòa soạn, đặc biệt là những tòa soạn nhỏ chưa có nhiều thời gian dành cho việc đào tạo phóng viên trẻ. Điều này khiến cho những phóng viên trẻ dễ gặp phải những rủi ro cao hơn trong khi tác nghiệp. Đồng thời, việc đào tạo trong các trường Đại học cũng quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành làm cho phóng viên khi tác nghiệp ít được cọ xát dẫn tới việc rủi ro tác nghiệp là điều rất dễ gặp phải.

Ông Nguyễn Quang Đồng- chuyên gia RED báo cáo tại hội thảo

Trái ngược với nhận định trên của ông Đồng, ông Phan Hữu Minh bày tỏ: “Cơ quan báo chí không có nghĩa vụ đào tạo phóng viên mà kĩ năng làm nghề tạo nên giá trị của một nhà báo”.

Theo nhà báo Thuận Hải, trên thực tế, nhà báo đang có xu hướng muốn trở thành “quan tòa”, “người phán xét”, mạng xã hội có thể là sân chơi phù hợp cho những nhà báo có tham vọng trên. Nhưng với tư cách của một “người đưa tin”, nếu muốn biểu hiện quan điểm cá nhân, các nhà báo nên đưa vào trong kĩ năng lựa chọn số liệu, sắp xếp sự kiện hay “mượn lời chuyên gia”.

Nhà báo Thuận Hải (áo đen) chia sẻ quan điểm tại hội thảo

Theo ông Minh, Hội nhà báo Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Bộ Quy tắc đạo đức người làm báo và đây cũng là điều kiện bênh vực người làm báo chân chính cũng như lên án những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Cuối cùng, chuyên gia bên RED cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế dân sự mới để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy nhanh việc xóa bỏ bao cấp báo chí, cơ quan báo chí ngành, đặc biệt vùng cấm thông tin và môi trường cạnh tranh phải lành mạnh. Đồng thời, chúng ta nên học hỏi để có được môi trường tác nghiệp lành mạnh cho các nhà báo yên tâm tác nghiệp.

Thu Anh

Ảnh: Thu Anh

Thu Anh