Lạc lối trên những nẻo đường kim cổ ở Penang

Du lịch - Ngày đăng : 16:11, 20/06/2016

Penang hòn đảo lớn thứ 4 của Malaysia được xem là điểm khởi đầu của “con đường gia vị”, nối Châu Á và thế giới. Sức hấp dẫn của Penang đã tập hợp một cộng đồng dân cư đa văn hoá, sắc tộc, mà nay vẫn được bảo lưu, gìn giữ, trở thành một miền di sản hấp dẫn cho những hành trình khám phá Penang.

Có nhiều lý do khiến người ta mong được đến khám phá Penang một lần trong đời, về mặt địa lý, hòn đảo rùa này chỉ cách Sài Gòn khoảng 3 giờ bay, và là nơi sở hữu một miền thiên đường gia vị, một vựa trái cây nhiệt đới, một di sản kiến trúc phố cổ George Town, một nơi nghỉ dưỡng hoàn hảo ngay mặt tiền biển Ấn Độ Dương… Từ 1592, nhà thám hiểm người Anh là James Lancaster đã đến Penang trong hành trình săn lùng các loại gia vị quý hiếm với các nước phương Tây như đinh hương, hồ tiêu, đậu khấu… có rất nhiều ở Penang, và tên gọi “hòn đảo gia vị” được James đặt cho Penang ra đời, từ đó khiến hòn đảo rùa này trở nên nổi tiếng trong những chuyến hải trình khám phá của thuyền buôn Châu Âu.

Kiến trúc cổ Quan Âm Tự ở George Town

Ngày nay, dấu tích của miền gia vị Penang vẫn còn thể hiện rõ nét qua phong vị ẩm thực, với sự hoà trộn các món ăn mang phong cách Hoa - Ấn - Malay chính là một nét ẩm thực riêng ở Penang. Bên cạnh đó, dấu tích gia vị vẫn còn thấy rõ trong khu Vườn gia vị nhiệt đới, nơi tập hợp hơn 500 loại gia vị khác nhau, được gieo trồng trong khu vườn, trở thành một điểm tham quan thú vị để lữ khách tìm hiểu về một vựa cung cấp gia vị từ Châu Á ra với thế giới ở những năm 1800.

Sự quần tụ cư dân đa sắc tộc ở thế kỷ 17 – 18, cùng với sự khai phá của Francis Light – một nhà buôn người Anh của công ty Đông Ấn từ 1786, biến Penang trở thành một thương cảng trù phú, với thủ phủ là George Town – thành phố đặt theo tên của vua trị vì vương quốc Anh lúc đương thời là George III –là Di sản văn hoá thế giới từ tháng 07.2008, với những kiến trúc nhà ở, phố xá, đền thờ, thánh đường… được bảo tồn nguyên vẹn, là tâm điểm cho du khách tham quan khi đến Penang.

Ngôi nhà cổ của Chung Keng Kwee, còn được gọi là Pinang Peranakan Mansion – Hải Ký Sạn.

Thật hiếm một đô thị cổ nào lại có sự giao thoa văn hoá, ẩm thực, tôn giáo, tín ngưỡng độc đáo như ở Penang, từ nhà thờ công giáo Mông Triệu trên đường Farquhar, thành lập năm 1768, ngôi chùa Kek Lok Si, thánh đường hồi giáo Kapitan, đến đền thờ Hindu giáo Sri Mahamariamman… đều là những kiến trúc cổ, góp phần đưa khu thị tứ George Town trở thành một miền di sản độc đáo, đa dạng.

Ở Penang, cộng đồng cư dân chính được gọi là Peranakans, là người gốc Hoa, khi đến miền đất mới lập gia đình cùng phụ nữ bản địa, thế hệ thứ hai ra đời được gọi là Peranakans, có nghĩa là “thế hệ con lai” theo tiếng Malay. Người Peranakans hoà nhập nhanh với cộng đồng người bản địa, làm ăn buôn bán, và rất thành đạt, xây dựng các tiệm buôn, nhà cửa, phố xá mang phong cách kiến trúc khác lạ bởi là sự hợp nhất của kiểu nhà ở truyền thống, kết hợp yếu tố bản địa và cả ngoại lai thời thuộc địa theo phong cách phương Tây.

Một trong những ngôi nhà tiêu biểu nhất ở khu phố cổ George Town của người Peranakans là Hải Ký Sạn (Hai Kee Chan) – tiệm buôn Hải Ký ở số 29 trên đường Nhà Thờ. Ngôi nhà gồm 4 dãy, khép vào nhau thành dạng kiến trúc chữ “khẩu”, khoảng trống giữa nhà làm sân thiên tĩnh để lấy ánh sáng và là không gian sinh hoạt chung nối giữa các dãy nhà lớn.

Kiến trúc Hải Ký Sạn với những chi tiết trang trí thể hiện sự giàu có, hưng vượng của gia chủ
Không gian thiên tĩnh trong ngôi nhà Hải Ký Sạn

Hải Ký Sạn là một ví dụ điển hình về lối sống hưng vượng của gia chủ từ hơn một thế kỷ trước, toà kiến trúc đặc biệt này còn được gọi là Bảo tàng Baba-Nyonya (một tên gọi khác chỉ người Peranakans, Baba – chỉ nam giới, Nyonya – chỉ nữ giới). Hải Ký Sạn sở hữu một bộ sưu tập gồm hơn 1.000 cổ vật gắn liền với sự ra đời của ngôi nhà, với các chất liệu từ gốm sứ, đồng, gỗ, thuỷ tinh, bạc, ngà, ngọc… từ Anh, Trung Quốc, Scotland, và các nước Châu Âu. Bộ sưu tập được trưng bày theo ví trí nguyên bản trong không gian sống đặc trưng của người Peranakans xưa ở Penang.

Nếu là người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên, Penang có một điểm đến độc đáo khác là khu bảo tồn bướm, nơi luôn có trung bình 3.000 cá thể bướm đầy màu sắc bay lượn trong tự nhiên. Bộ sưu tập bướm ở Penang được đánh giá là lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với những cá thể đặc biệt hiếm như Queen Alexandra’s Birdwing – có sải cánh đến hơn 40cm, hiện là giống bướm lớn nhất thế giới được phát hiện.

Được mệnh danh là vựa trái cây nhiệt đới, với hơn 250 giống cây ăn trái khác nhau bao phủ khắp vùng đồi núi phía bắc Penang, một chuyến trải nghiệm các vườn cây ăn trái sẽ là hành trình không thể thiếu ở Penang. Người Penang xếp hai loại trái cây tiêu biểu là vua (sầu riêng) và hoàng hậu (măng cụt), thế nên trong các vườn cây ăn trái ở Penang, vua và hoàng hậu bao giờ cũng sát cánh bên nhau. Món sầu riêng Penang được giới sành ăn đánh giá là ngon nhất thế giới, thứ trái cây mang mùi hoả ngục nhưng vị tận thiên đàng, còn giống măng cụt vàng ăn ngọt đượm lại có hương thơm của chanh, đây cũng là thứ trái cây hiếm gặp ở các quốc gia khác.

Người Hoa ở George Town lễ chùa ở Quan Âm Tự
Ấu trùng bướm Queen Alexandra’s Birdwing ở vườn bướm Penang

Hành trình du ngoạn Penang còn là một chuyến nghỉ dưỡng hoàn hảo, với những khu resort sang trọng như Batu Ferringhi, Tanjung Bungah, Teluk Bahang… Bên cạnh đó, hòn đảo rùa cũng từng được chọn là điểm đến hàng đầu để trải nghiệm ẩm thực ở khu vực Đông Nam Á, với những món độc đáo như mì Laksa Penang, trà thịt sườn Bak Kuk Teh, hàu chiên trứng Oh Chien… Những món ngon thú vị, dễ tìm gặp khắp nơi trên đường phố Penang, đặc biệt ở khu vực Gurney Drive cạnh trung tâm phố cổ, chắc chắn sẽ góp thêm cho hành trình du ngoạn đảo rùa thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Nguyễn Đình - TST Tourist

Nguyễn đình thiên ý