Xuất bản sách Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945

Văn hóa - Ngày đăng : 19:59, 20/06/2016

Kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã in tái bản lại một công trình nghiên cứu rất có giá trị về báo chí nước nhà. Đó là cuốn Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 của TS Huỳnh Văn Tòng.

Tác phẩm đã được Trí Đăng ấn hành lần đầu tiên năm 1973, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần thứ nhất năm 2000. Ở lần xuất bản này, phần “Mục lục báo chí Việt ngữ từ khởi thủy đến năm 1945” mà tác giả đã dày công biên soạn được bổ sung đầy đủ hơn so với lần in 2000. Phần này cung cấp cho độc giả và những người quan tâm đến báo chí Việt một lịch sử phát triển báo chí từ năm 1862 cho đến năm 1945 với sự phát triển rất đa dạng của báo chí nước ta bằng những thông tin cụ thể, ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin: tên báo, tạp chí, tập san, thời gian ra đời, kết thúc, người quản lý, chủ nhiệm… Đồng thời, phần Lời Giới thiệu của GS Nguyễn Văn Trung trong lần in 2000 chưa được đưa vào, nay cũng được cập nhật.
Nội dung của cuốn sách chủ yếu được rút ra trong luận án tiến sĩ đệ tam cấp mà tác giả đã trình ở Đại học Sorbonne Paris vào niên khóa 1970 – 1971. Khi tác phẩm được in lần đầu tiên đã gây tiếng vang lớn với nội dung phong phú, lượng tư liệu có chiều sâu. Bởi như trong Lời Giới thiệu, GS Nguyễn Văn Trung (tác giả của những công trình nghiên cứu Trương Vĩnh Ký - Nhà văn hóa; Hồ sơ Lục châu học - Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng quốc ngữ ở miền Nam từ 1865 - 1930…) cho hay “Điều đáng lưu ý trong tập sách biên khảo này của ông Huỳnh Văn Tòng, tập sách có thể được coi như một trong những công trình biên khảo quy mô, là ở chỗ ông đã được đọc tương đối khá đầy đủ những báo chí ra trong thời kỳ đó, hiện còn lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp”… “Nhưng nhất là ông truy kiểm, kê khai xuất xứ những hồ sơ hành chánh Đông Dương gồm những báo cáo, bản tường trình đôi khi thuộc loại mật để tìm hiểu những chính sách, đường lối, chủ đích của nhà cầm quyền Pháp về báo chí xuất bản trong thời kỳ nầy. Thiết tưởng đó là điểm góp phần đáng kể nhất của tác giả”.
Sách được chia làm 7 chương cùng phần Kết luận và Phụ lục. Thông qua Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, độc giả sẽ được ngược dòng thời gian về với thuở sơ khai của báo chí nước Việt, biết được về lai lịch, nội dung, chủ đích của những tờ báo tồn tại trong thời gian 1865 – 1945; về chính sách đối với báo chí của các thể chế chính trị đương thời; vị trí, vai trò của những tờ báo xưa như Gia Định báo, Nam Phong tạp chí, La Cloche Fêlée…, những nhà báo đóng vai trò lớn trong lịch sử báo chí nước nhà thuở đó như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Nguyễn An Ninh… Tin rằng, cầm trên tay cuốn sách này, chắc chắn độc giả không chỉ được thả hồn về với “hình xưa, bóng cũ”, mà còn được cảm nhận không khí báo chí sôi động đồng hành cùng lịch sử dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đầy những biến động.
Cho đến nay, đã có ít nhiều bài vở biên khảo về lịch sử báo chí, nhưng gần như chưa có một công trình biên soạn quy mô một cách khoa học, có hệ thống, dựa vào những tài liệu xác thực như Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 của TS Huỳnh Văn Tòng.
Nhận thấy giá trị to lớn của tác phẩm, sau lần in năm 2000 được đón nhận của đông đảo công chúng. Nay, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện in lại tác phẩm này nhân kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Sách dày 464 trang, khổ 15x23,5cm. Được phát hành đúng ngày 21.6.2016. Sách được bán tại Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, số 62 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Nhà sách Tổng hợp 2 số 86-88 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 và hệ thống nhà sách trên cả nước.


Đình Ba – Trần Ban

tin hỗ trợ