Toàn thế giới có hơn 65,3 triệu người tị nạn
Quốc tế - Ngày đăng : 05:20, 21/06/2016
Theo đó, tính đến cuối năm 2015, số người đi tị nạn, lánh nạn trên toàn cầu đã vượt qua con số 65,3 triệu người, số lượng cao nhất từ trước tới nay được ghi nhận. Để tiện so sánh, năm 2014 chỉ có 59,5 triệu người tị nạn và tổng số người tị nạn trên toàn cầu đã tăng 50% trong 5 năm qua vì bạo lực và xung đột.
Với việc toàn thế giới có tới hơn 65,3 triệu người tị nạn, thìđồng nghĩa rằng cứ 113 người sống trên hành tinh này thì có 1 người là người tị nạn.
"Đây là lần đầu tiên ngưỡng 60 triệu (người tị nạn, lánh nạn) bị vượt qua", báo cáo của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết.
UNHCR khẳng định số người tị nạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới vì đây là "xu hướng toàn cầu", trong báo cáo nhân ngày Ngày Tị nạn Thế giới 20.6.
"Có đến 65,3 triệu người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong số đó có gần 21,3 triệu người đi tị nạn ở nước ngoài, hơn một nửa trong số này dưới 18 tuổi", báo cáo viết. Chiến tranh và xung đột tại Syria, Afghanistan, Burundi, Nam Sudan,... là lý do chính khiến số người tị nạn tăng vọt.
"Thật đau đớn khi đã quá lâu để người dân các nước giàu cần phải hiểu rằng:Chúng ta cần phải hành động, hành động chính trị để ngăn chặn xung đột, đó là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa dòng người tị nạn", Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi nói tại một cuộc họp báo.
Trong năm 2015, đã có tới 2 triệu đơn xin tị nạn được nộp đến các nước công nghiệp, trong đó có gần 100.000 trẻ em đi cùng với gia đình hoặc không có gia đình.
Đức, điểm đến chính của dòng người tị nạntại châu Âu mà cứ 3 đơn xin tị nạn có 1 đơn là của người Syria, nhận được 441.900 đơn xin tị nạn. Mỹ đứng thứ 2 toàn cầu về số đơn xin tị nạn với 172.700 đơn, trong đó đa số là những người tị nạn từ Mexico và Trung Mỹ.
Đất nước có có nhiều người tị nạn nhất trên lãnh thổ của mình là Thổ Nhĩ Kỳ với 2,5 triệu người Syria đang lánh nạn tại đây, tiếp theo là Pakistan và Lebanon, báo cáo của UNHCR cho biết.
Dòng người tị nạn khổng lồ đang gây áp lực cực lớn cho toàn cầu, khi mà nó khiến tinh thần bài ngoại gia tăng tại nhiều nước.
"Sự gia tăng bài ngoại không may lại trở thành đặc tính rõ nét nhất trong môi trường mà chúng tôi đang làm việc. Rào cản tăng lên ở khắp mọi nơi và tôi không chỉ nói về những bức tường mà còn là những rào cản pháp lý đang mọc lên ở khắp các nước trong thế giới công nghiệp phát triển", ông Grandi nói.
Thiên Hà (theo Daily Mail)