TP.HCM xem xét siết ăn nhậu đêm khuya

Sự kiện - Ngày đăng : 09:50, 21/06/2016

“Hiện nay quán nhậu nhiều, nhậu bình dân, nhậu tràn lan, chỗ nào cũng nhậu, băng nhóm tụ tập, gây hậu quả nghiêm trọng” - Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cảnh báo.

Chiều 20.6, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng-an ninh và thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm 2016.

Giết người do mâu thuẫn trên bàn nhậu gia tăng

Báo cáo tại buổi họp về tình hình tội phạm, Đại tá Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết trong sáu tháng đầu năm nay với sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực của lực lượng công an cùng cả hệ thống chính trị, phạm pháp hình sự được kéo giảm được 457 vụ (giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó nhiều loại tội phạm giảm sâu như cướp tài sản, cướp giật tài sản. Hay như trộm tài sản là loại tội phạm khó giảm nhưng đã giảm được 356 vụ. Trong khi đó, theo ông Tài, các vụ giết người lại tăng năm vụ (10,2%).

Ông Tài cho biết những vụ này không phải do tội phạm có tổ chức mà trên 70%-80% do mâu thuẫn cá nhân trong cuộc sống, đặc biệt là trong ăn nhậu. Tính bột phát, đang là bạn bè nhưng uống bia rượu vào là ra tay giết người.

Đánh giá nguyên nhân như thế, ông Tài cho biết sẽ nghiên cứu việc tổ chức ăn nhậu vào đêm ở các nơi như thế nào. Bởi vì tại TP.HCM từ 19 giờ đến 3-4 giờ sáng, các quán tổ chức ăn nhậu suốt đêm, trong thời gian đó các vụ giết người do nguyên nhân bột phát từ việc ăn nhậu cao. “Chúng ta phải nghiên cứu, dĩ nhiên không cấm nhưng phải có những quy định cụ thể. Chứ như hiện nay, quán nhậu nhiều, nhậu tràn lan, chỗ nào cũng nhậu, băng nhóm tụ tập, gây hậu quả nghiêm trọng. Công an đang nghiên cứu để xem xét thêm, để giảm tội phạm do nhậu nhẹt” - ông Tài nói.

Quyết trấn áp tội phạm ma túy có “hàng nóng”

Đại tá Tài cho biết thêm, sáu tháng qua tội phạm có tổ chức, băng nhóm có giảm. Tuy nhiên, báo cáo của Công an TP cho hay các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh vào TP hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm như vũ trường, quán bar… tại khu vực trung tâm và ẩn náu trong các khu dân cư cao cấp hoặc núp bóng doanh nghiệp dịch vụ cầm đồ có xu hướng co cụm và chuyển sang các địa bàn vùng khác. Thành phần này đã móc nối với các băng nhóm, đối tượng hình sự tại địa phương để thực hiện các hoạt động đòi nợ thuê, cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc trái phép. “Chúng tôi đi kiểm tra ba quận với 30 tiệm cầm đồ thì 100% sai phạm. Không phải cầm đồ mà núp bóng cho vay nặng lãi, có nơi lãi suất 150%/tháng, không có trả thì sẽ cưỡng đoạt tài sản” - ông Tài khẳng định.

Về tội phạm ma túy, ông Tài khẳng định sáu tháng qua diễn biến phức tạp nhưng Công an TP đã khám phá nhiều chuyên án lớn. Tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, kèm vũ khí nóng, từ miền Tây, miền Bắc, Campuchia vào thành phố. “Trước bán nhỏ lẻ, không có vũ khí nóng nhưng giờ chúng đã được trang bị. Mong chính quyền địa phương giúp cho Công an TP có thêm thông tin để đấu tranh. Tội phạm này manh động, nếu chúng ta không mạnh tay thì hậu quả khó lường” - ông Tài nói.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong: Phải dám nhìn ra hạn chế để phát triển

Tại cuộc họp, bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết sáu tháng đầu năm 2016 tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP.HCM ước đạt gần 477.000 tỉ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu ngân sách đạt 143.965 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 48,26% dự toán năm. Cùng với nhiều chỉ số khác cho thấy kinh tế TP tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm nay.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng mặc dù kinh tế TP đạt tốc độ tăng trưởng khá nhưng vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ông Phong yêu cầu các sở ngành, quận, huyện nhận định và đánh giá chính xác tình hình, thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế và yếu kém để tìm ra giải pháp có hiệu quả hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn để cuối năm tốc độ tăng trưởng GRDP đạt chỉ tiêu đề ra, tối thiểu 8%.

Ông Phong cho rằng mức tăng trưởng một số ngành đang có xu hướng chậm lại. Tình trạng nhập siêu đã có. Đầu tư nước ngoài giảm 35% so với cùng kỳ. “Trách nhiệm này thuộc về Sở KH&ĐT, nhất là khi mọi nỗ lực của ta là tạo môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài. Dù nội lực là quan trọng nhưng trong đầu tư phát triển, nhất là về hạ tầng thì nội lực không làm xuể” - ông Phong nói và yêu cầu các sở phải năng động lên, phải đi cơ sở nhiều hơn, phải bám vào cuộc sống.

Tá Lâm/PLO

PLO