Sách mới cho người thích viết lách
Văn hóa - Ngày đăng : 06:01, 24/06/2016
Có thể nói ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều sách về báo chí, đặc biệt là phóng sự điều tra, một thể loại mà nhiều bạn trẻ muốn vào nghề báo hoặc đang hành nghề báo yêu thích. Vì vậy cuốn sách này được biên soạn với mong muốn góp một viên đá nhỏ vào việc xây dựng nền móng đào tạo nhà báo, nhất là nhà báo điều tra.
Ngoài ra, những bạn trẻ yêu thích viết lách, thường xuyên đưa bài lên mạng xã hội (Facebook, Google +, Twitter…) cũng có thể dùng được quyển này. Sách còn cung cấp gợi ý để bạn có thể soạn thảo các loại văn bản một cách chính xác, sâu sắc và hấp dẫn.
Phần lớn những gì được trình bày, thảo luận trong cuốn Đường vào phóng sự điều tra đều dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của nhiều phóng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước và cả tác giả - nhà báo Ngọc Trân. Sách mang tính kỹ thuật nhắm đến thực hành nhưng vẫn có lý thuyết chuyên sâu.
Sách tập trung vào báo viết nhưng bạn có thể sử dụng mọi kỹ năng được hướng dẫn ở đây cho bất cứ loại hình báo chí và viết lách nào.
Đường vào phóng sự điều tra có 2 phần chính: săn tin - giúp bạn nắm vững kỹ năng điều tra để sử dụng vào công việc hằng ngày và phần viết lách. Nhưng mục tiêu chung nhất của sách vẫn là giúp bạn thêm tự tin trên đường vào phóng sự điều tra và những loại hình viết lách khác.
Bạn còn nhớ vụ án quán cà phê Xin Chào bị xử lý hình sự vì chậm đăng ký kinh doanh nổi cộm vài tháng trước? Và khi nhắc đến nó, hẳn bạn cũng không thể quên người đã có công đưa vụ việc ra ánh sáng thành công Hàn Ni - một nữ nhà báo điều tra xuất sắc.
Bạn có muốn trở thành phóng viên điều tra như thế? Để thành công với phóng sự điều tra, trước hết bạn phải hành nghề một cách bình thường (nhưng luôn nỗ lực để mỗi ngày thêm giỏi giang).
Phóng viên điều tra hàng đầu đều khởi đầu sự nghiệp với việc đưa tin liên quan đến trật tự, an toàn xã hội. Vậy nơi tốt nhất để chuẩn bị cho việc làm phóng viên điều tra sau này là những chuyên mục liên quan đến tòa án, cảnh sát... Ở đó bạn sẽ học được tầm quan trọng của sự chuẩn xác, cách nghiên cứu, sàng lọc tư liệu và phỏng vấn những nguồn tin khó tiếp cận theo cách thông thường.
Phóng sự điều tra là sự kết hợp của nghiên cứu, phỏng vấn với quan sát, viết và viết lại. Chẳng hạn, để thực hiện phóng sự điều tra về cảnh ngộ những phụ nữ miền Tây muốn đổi đời, phóng viên Hà An đã tìm hiểu và gặp gỡ gia đình của Trần Thị Thúy Hằng – một cô gái chấp nhận lấy chồng nước ngoài nhằm thay đổi cuộc sống và giúp đỡ người thân. Khi sang đến xứ người, phát hiện chồng bị tâm thần, cô đã buồn nản tìm đến cái chết. Tuy được cứu sống nhưng cô phải chịu cảnh tàn phế suốt đời. Một số phụ nữ khác ở miền Tây cũng lâm vào tình trạng giống như Thúy Hằng.
Hà An đã tìm hiểu, đưa ra số liệu dẫn chứng về hiện trạng của nữ giới Đồng bằng sông Cửu Long, nêu ra một số nguyên nhân lý giải việc họ phải chịu thiệt thòi. Phóng viên này còn tham dự những hội thảo liên quan và phỏng vấn một số nhà nghiên cứu xã hội.
Cũng cần xem xét thêm một số yếu tố khác - nói cho đúng hơn là “phẩm chất”, nếu bạn muốn vào nghề phóng viên điều tra, đó là: Hy sinh; Đam mê; Biết phân biệt trắng đen; Can đảm, chấp nhận hệ lụy; Biết tránh cám dỗ; Tôn trọng luật pháp; Kiên nhẫn, bền bỉ; Tỉ mỉ, cẩn thận; Mềm dẻo; Kín tiếng, đáng tin cậy và Chấp nhận thất bại.
Nên nhớ rằng ngay cả những phóng sự điều tra kỹ lưỡng, cẩn thận nhất cũng có thể gây tổn thương cho người liên quan. Vì vậy bạn phải “sống” được với hệ lụy của quá trình tác nghiệp.
Phóng viên điều tra của tờ News-Herald từng được một quan chức Mỹ cảnh báo: “Đừng ghé vào quán rượu dù để uống một ly bia: các anh sẽ bị bắt về tội có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi lái xe. Hãy cẩn thận lúc băng qua đường, đặc biệt vào ban đêm: một vụ “tai nạn” rất dễ được dàn xếp. Hãy về nhà bằng những con đường khác sau. Đảm bảo rằng nhà để xe luôn sáng đèn. Đừng đi bộ vào hẻm tối.”
Còn một phóng viên điều tra của Mỹ cho biết: “Phải thú nhận rằng tôi đã nhiều lần cảm thấy sợ hãi trong thời gian điều tra. Tôi vẫn cẩn thận kéo hết rèm cửa vào ban đêm, một thói quen đã hình thành mỗi khi mọi việc trở nên nóng bỏng”.
Mặc cho những khó khăn phía trước, hãy tin rằng nỗ lực của bạn và tòa soạn sẽ được đền đáp, nếu có phóng sự điều tra ra đời. Một khi cái xấu như lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hoặc cướp của giết người bị phơi bày, độc giả sẽ lên tiếng khen ngợi; có người còn cung cấp thêm thông tin liên quan. Và bạn có thể nhận được … giải thưởng của Hội Nhà báo, tức thêm một sự khích lệ về mặt tinh thần (kèm chút ít vật chất). Uy tín của tờ báo nhờ đó sẽ được nâng lên.
Theo nhà báo Fred Schulte, trưởng ban điều tra của tờ Sun-Sentinel, phóng sự điều tra “cho phép làm điều gì đó bạn tin là xứng đáng hơn ngồi miệt mài 8 tiếng và đưa tin về họp hành hội thảo. Bạn sẽ cứng cáp hơn khi đổi những bài viết làng nhàng lấy một thử thách khó khăn"...
Chắc chắn cuốn này vẫn còn những mặt hạn chế và thiếu sót. Do vậy tác giả ước mong được đón nhận góp ý hoặc phê bình của bạn đọc để cho nó được hoàn chỉnh hơn trong những lần tái bản. Góp ý, phê bình có thể gửi thông qua nhà xuất bản hoặc trực tiếp đến hộp thư điện tử ngngoctran@gmail.com hay số điện thoại 0913964545.
Cuốn Đường vào phóng sự điều tra do NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành ngày 17.6.2016 với giá: 64.000đồng/cuốn.
Anh Thư
Vài nét về tác giả
Nhà báo Ngọc Trân là cố vấn biên tập tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Ông từng làm việc cho báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn; tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille và thực tập ở nhật báo Ouest France.
Được Hội Nhà báo TP.HCM trao giải nhất Phóng sự - Điều tra; Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Báo chí.
Sách đã xuất bản: Khám phá nghề biên tập; Kinh tế học ồ quá dễ!; Viết tin, bài đăng báo; Thuật viết lách từ A đến Z.