Du lịch New Zealand, những điều chưa kể…
Du lịch - Ngày đăng : 11:30, 24/06/2016
Nếu thành phố Uckland với dân số khá đông và nhộn nhịp với những tòa nhà chọc trời và những casino ngày đêm rực sáng ánh đèn, những chiếc du thuyền sang trọng nằm sát nhau trên bến cảng. Tất cả toát lên một vẻ hào nhoáng và thịnh vượng thì Queenstown là một sắc thái hoàn toàn khác. Vùng đất nơi đảo Nam này mang đến cho tôi những ấn tượng khó quên. Một vùng đất có quá nhiều khung cảnh thiên nhiên làm đắm say lòng người. Hobbit, ngôi làng đẹp như cổ tích được chọn là nơi làm bối cảnh cho bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ ...Và còn nhiều điều khác cho ta khám phá.
Trang trại bên hồ
Thành phố Queenstown khá yên bình nằm bên bờ hồ Wakatipu. Đây là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất New Zealand. Tháng 4 là mua thu ở đây, những hàng cây xung quanh hồ bắt đầu chuyển sang màu vàng, chúng soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng xanh biếc. Một chiếc tàu khá to đang đi về phía chúng tôi, đó là chiếc tàu chạy bằng động cơ hơi nước. Loại động cơ đã xuất hiện từ thuở ban đầu của nền văn minh công nghiệp. Chiếc tàu có thân được sơn trắng và ống khói màu đỏ. Sau khi tàu cập bến, chúng tôi lên thuyền. Chiếc tàu nhẹ nhàng rẽ nước đưa chúng tôi men dọc theo bờ hồ để đến trang trại nuôi cừu.
Sau buổi trưa với những món thịt nướng thịnh soạn chúng tôi bắt đầu tham quan trang trại. Đất đai nơi đây khá màu mỡ, những đóa hoa canh bướm màu trắng, màu tím nhạt và những khóm hoa hồng thật to đua nhau khoe sắc. Xa xa là đồi cỏ xanh mượt mà ôm lấy trang trại. Chúng tôi đi về phía đồng cỏ, nơi có những đàn cừu đang gặm cỏ khá thanh bình. New zealand có thể nói là đất nước của cừu và bò. Chỉ với hơn 4,5 triệu dân nhưng ở đây có khoảng 40 triệu con cừu và 50 triệu con bò. Ngành chăn nuôi và trồng trọt có vai trò khá lớn cho kinh tế đất nước.
Sau màn trình diễn về chú chó chăn cừu làm công việc lùa gia súc của mình, chúng tôi được xem cách các nông dân cắt lông cừu. Từ một chú cừu lông lá xù xì như cục bông gòn, sau hơn 15 phút chú cừu đã bị cắt trụi lũi bộ lông. Trông chú thật buồn cười và trở nên bé nhỏ như một con chó cỏ của Việt Nam.
Tiệm bánh hambuger ngon nhất thế giới
Trên con phố chính của Queenstown có một cửa hiệu chuyên bán bánh Hamburger tên là Fergburger. Cửa hàng này lúc nào cũng đông khách, mọi người rồng rắn xếp hàng dài để mua bánh. Nghe lời giới thiệu của anh bạn sống ở New Zealand hơn 30 năm bảo rằng đó là nơi có loại bánh hamburger ngon nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào đến đây cũng muốn thưởng thức. Tôi mỉm cười nghĩ rằng món ăn này sẽ khó mà có thể thuyết phục tôi đủ kiên nhẫn xếp hàng. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nó ngon, cho dù tôi đã nhiều lần phải ăn cầm hơi ở Mỹ và châu Âu.
Nhưng ngày cuối, trước khi ra sân bay rời Queenstown, không có thời gian nhiều để dùng buổi trưa ở nhà hàng. Theo kế hoạch, chúng tôi được sắp xếp dùng tạm mỗi người 1 phần thức ăn nhanh.
Sau hơn 1 giờ xếp hàng, anh bạn chúng tôi quay trở lại gặp đoàn, trên tay là một túi thức ăn cho mọi người. Bên bờ hồ đầy nắng, tôi miễn cưỡng cầm lấy phần Hamburger hững hờ cho vào miệng. Vị bánh giòn tan, một mùi thơm nhè nhẹ của bơ kèm theo vị mềm ngọt của miếng thịt bò và nước sốt đậm đà như tan chảy trong miệng, tôi thảng thốt giật mình nhận ra là nó quá ngon, rất rất ngon.
Chầm chậm gật gù nhâm nhi chiếc bánh, khẽ nhấp chai ginger beer có vị ngọt nhẹ thơm mùi gừng cay cay mát mát, chúng tôi ngất ngây hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời tôi xoá tan định kiến về món Hamburger. Lòng nhủ thầm, sẽ có một ngày tôi đến đây để sắp hàng mua cho cô công chúa nhỏ của tôi chiếc bánh này, đơn giản vì nàng là tín đồ của món Hamburger. Món ăn mà tôi thường hay làu bàu chỉ trích là dỡ nhất thế giới, chỉ gây béo phì chứ không ngon.
Shotover, trò chơi không dành cho người yếu tim
Sản phẩm du lịch của New Zealand khá đa dạng. Từ những ngôi làng thơ mộng xanh rì đồng cỏ, những vịnh hẹp nên thơ được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi Unesco cho đến những ngôi làng xinh đẹp thanh bình đều hấp dẫn du khách mãnh liệt. Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc đến những trò chơi cảm giác mạnh.
Nhẹ nhàng nhất đó là cảm giác ngồi trên chiếc trực thăng đưa chúng tôi bay trên những dãy núi hùng vĩ, từ trên bầu trời chiếc trực thăng chao lượn cho du khách nhìn xuống thành phố Queenstown. Những ngôi làng bên dưới trở nên bé nhỏ điểm xuyến giữa những đồng cỏ bạt ngàn và các dòng sông ầm ầm chảy xiết giữa hai vách đá. Cảnh vật đẹp tựa chốn bồng lai với những ao hồ và vịnh biển xanh trong.
Và trước khi quay về chúng tôi được dừng lại chụp hình trên những ngọn núi có băng tuyết phủ quanh năm.
Mạnh hơn một tí, chúng tôi đã có gần 30 phút ú tim ngồi trên chiếc ca nô cao tốc vượt thác băng ghềnh men theo các vách đá dựng đứng ầm ầm nước chảy. Trò chơi này mang tên shotover Jet, một hoạt động đã được khai thác du lịch từ hơn 50 năm nay.
Trước khi lên cano, chúng tôi được phát cho mỗi người một chiếc áo mưa chống ướt. Toàn bộ máy chụp hình và giỏ xách sẽ gửi lại trên bờ.
Sau vài phút hướng dẫn các hiệu lệnh an toàn, chúng tôi bắt đầu khởi hành. Chiếc cano được điều khiển bởi một tài công khá trẻ nhưng dạn dày kinh nghiệm. Chiếc ca nô tăng tốc lao vun vút, khi ngược khi xuôi dọc theo con thác ầm ầm nước chảy. Có những lúc chúng tôi có cảm giác như chiếc cano bay trên mặt nước để rồi bất ngờ đánh ầm xuống dòng thác. Một cua quẹo khá gấp và hẹp chắn ngang trước mặt có những tảng đá nhô ra cản đường, chúng tôi có cảm giác con tàu chuẩn bị va vào vách đá. Nếu điều đó xảy ra thì việc hóa kiếp cho cả đoàn là điều khó mà tránh khỏi. Mỗi lần tài công ra hiệu xoay tròn ngón tay trỏ là một lần chiếc Cano đang chạy bị thắng gấp một cách đột ngột làm cho nó bay lên rồi xoay tròn 360 độ. Hơi gió lạnh buốt và dòng nước suối lạnh ngắt thi nhau vả vào mặt vào mũi chúng tôi liên tiếp như những bàn tay quái vật đang chực chờ sẳn để chụp lấy chúng tôi nhằm giao nộp cho thần chết.
Hơn 30 phút gào la vì hào hứng lẫn sợ hãi, chiếc ca nô dừng lại tấp vào bờ chúng tôi mới dám tin là mình còn sống sót nguyên vẹn.
Lịch sử trò chơi này bắt nguồn từ đảo Vanatu. Một hòn đảo trong khu vực Polynésie. Nó được xem là một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của các bé trai. Các bé trai đến độ tuổi nhất định phải trèo lên một cây cổ thụ khá to có nhiều rễ. Đứa bé phải bám vào chùm rể cây đó rồi buông xuống từ trên cao. Đứa bé phải cố giữ làm sao cho không bị rơi xuống đất. Nếu chẳng may bị sẩy tay, đứa bé có thể chết hoặc tàn phế.
Trò chơi nhảy bungy này được lấy ý tưởng từ đó. Địa điểm của trò chơi này được thực hiện trên chiếc cầu Kawarau cũ được xây dựng vào năm 1880. Cầu có chiều dài 91,5m và chiều cao là 43m tính từ mặt nước. Năm 1988, có 2 người tên là Henry van Asch và Aj Hackett xin phép chính quyền cho họ tổ chức nhảy Bungy tại đây trong khoảng thời gian 1 tháng. Đến năm 1990, chiếc cầu được tiến hành trùng tu và sửa chữa. Đến năm 2003, một trung tâm chơi Bungy được xây dựng tại đây. Năm 2004, thủ tướng RT Hon Helen Clark của New Zealand chính thức khai trương.
Trung tâm nhảy Bungy Kawarau
Khi chúng tôi đến, có rất nhiều người sắp hàng, một nhóm khá đông đang chờ để chơi trò zipline, một số ít thì chơi nhảy Bungy.
Đến gần khu vực nhảy, tôi thử nhìn xuống dòng sông Kawarau sâu hun hút cuồn cuộn nước chảy. Hai vách đá dựng đứng càng làm tăng thêm độ chơi vơi. Có một gái người da trắng đang chuẩn bị nhẩy. Hai chân của cô được buộc vào một sợi dây thừng. Mặc dù đã được chuẩn bị xong từ lâu, nhưng khi đứng trên bục để nhảy. Khuôn mặt cô bổng tái xanh, ánh mắt vô hồn ra chiều suy nghĩ. Như thu hết mọi can đảm cho ván bài cuộc đời, cô gái gieo mình nhảy xuống. Sau vài nhịp đung đưa tung lên hạ xuống, cô gái nằm yên với hai chân trút ngược lên trời. Chiếc dây được hạ xuống thấp hơn, một chiếc cano có hai người đàn ông đang chờ tiến đến đỡ cô xuống rồi đưa vào bờ trong sự vỗ tay reo hò của mọi người. Tiếp đến là một cô gái và một người đàn ông đến từ Ấn Độ. Nhưng sau hơn 10 phút đứng trên bục nhãy, cô gái bắt đầu run lẩy bẩy rồi oà khóc, cả cô gái và người đàn ông Ấn Độ đều lần lược được đưa vào. Họ không đủ can đảm để nhảy.
Chúng tôi cũng không đủ can đảm để nhảy.
Trần Văn Trường - VYC Travel