'Nhiều học sinh từ chối thi đại học là tín hiệu đáng mừng'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:01, 24/06/2016
Theo số liệu thống kê sơ bộ, 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giảm 12% so với năm ngoái. Số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 32% (chiếm 1/3). Khẳng định điều này là xu hướng tất yếu của hệ thống giáo dục, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng điều này đã chứng tỏ các em học sinh đã cân nhắc rất kỹ càng trên năng lực thực sự của bản thân và hoàn cảnh giá đình.
Chưa kể đến các em lựa chọn để học nghề cũng chứng tỏ sự mạnh dạn trong việc đầu tư, phát triển nâng cao tay nghề đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của đất nước. "Thực tế nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào Đại học, Cao đẳng trong khi giáo dục nghề nghiệp lại ít được quan tâm. Việc phân luồng cụ thể, hướng nghiệp cho các em đã chứng minh được sự hiệu quả và học sinh suy nghĩ một cách thực tế hơn" - thứ trưởng Ga khẳng định.
Liên quan tới việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay Bộ đã ghi nhận các địa phương báo cáo về chuẩn bị hoàn thành tốt kỳ thi sắp tới từ công tác trông thi, các địa điểm đón tiếp hay phòng trọ cho các thí sinh cùng người nhà đã cơ bản hoàn thành. Các em có hoàn cảnh khó khăn đã có các Đoàn thanh niên hỗ trợ phòng trọ, cam kết không để học sinh bỏ thi vì gia đình khó khăn hay vướng mắc về khâu thủ tục hành chính.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho biết tất cả các cụm thi trong cả nước do chính Sở GD&ĐT chủ trì đều được tổ chức trong một khuôn khổ, cùng quy chế và quy trình kỹ thuật giống nhau. Đặc biệt, các cụm thi này đều có sự tham gia của các trường đại học. Các em học sinh xét công nhận tốt nghiệp thì được xét trên địa bàn. Thứ trưởng Ga cũng lý giải vì sao năm 2015 đã để xảy ra tình trạng lỗi hệ thống là do bất cập về công nghệ thông tin. Mặc dù trước đó Bộ GD&ĐT đã chia ra 8 điểm công bố kết quả thi của thí sinh nhưng lượng truy cập cùng một lúc ngay từ đầu quá lớn nên xảy ra tắc nghẽn ở một số nơi.
Năm nay Bộ giao cho tất cả các trường chủ trì cụm thi công bố kết quả thi. Như vậy kết quả sẽ được phân tán ra 70 địa điểm, chắc sẽ không xảy ra sự cố trong công bố kết quả thi. Còn về xét tuyển, năm nay sẽ xét tuyển trực tuyến. Bộ đang xây dựng phần mềm đăng ký trực tuyến. Thí sinh nào sử dụng internet có thể đăng ký tại nhà, không cần đi đâu. Các học sinhcũng có thể gửi hồ sơ qua bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh.
Ngoài ra trường sẽ quy định thêm các phương thức nhận đăng ký xét tuyển khác với điều kiện không xảy ra lộn xộn, không gây phiền phức, tốn kém cho thí sinh, gây bức xúc cho xã hội như năm ngoái.
"Tuy vậy, phải nói rõ là kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh liên quan đến hàng triệu thí sinh, được người nhà thí sinh và cả xã hội quan tâm. Một hệ thống quá lớn như vậy thì khó lường hết mọi trục trặc có thể xảy ra. Tuy nhiên, năm nay, Bộ đã làm việc hết sức cẩn trọng. Từ sau khi kết thúc kỳ thi năm 2015 đến nay, Bộ đã có rất nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về việc này để tham khảo ý kiến rộng rãi, tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhất." - thứ trưởng Ga trao đổi.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4.7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.
Dạ Thảo