Khi 'phù thủy' sân khấu kịch ra tay cứu cải lương!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 28/06/2016

Vào ngày 24.6.2016, tại Nhà hát Nón lá, ông bầu sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn – người được biết đến như là bộ óc kiếm tiền giỏi nhất ngành sân khấu Việt Nam, đã phối hợp cùng đạo diễn NSƯT Hoa Hạ - phó chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, giới thiệu dự án "Tôi yêu cải lương", một kế hoạch mang đậm khát vọng đưa cải lương trở về thời hoàng kim một thưở.

Tuồng hay, giá rẻ

Theo đó, Hội sân khấu TP.HCM sẽ đảm đương phần nghệ thuật, sân khấu kịch Idecaf sẽ lo phần tổ chức sản xuất (quảng bá để chương trình đến được đông đảo công chúng, bán vé, lên kế hoạch biểu diễn), Nhà hát Bến Thành hỗ trợ tối đa chi phí thuê rạp, âm thanh ánh sáng, cùng lực lượng phục vụ. “Chúng tôi là những người giỏi chuyên môn nhưng rất yếu khâu tổ chức sản xuất. Chúng tôi biết làm ra tuồng hay nhưng không biết làmsao để đông đảo công chúng mua vé để duy trì tính lâu dài và bền vững của vở diễn",NSƯT Hoa Hạ chia sẻ.

“Vì vậy, sự góp sức của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã tháo gỡ khâu yếu nhất của bộ môn cải lương hiện nay. Óc kinh doanh năng động của anh sẽ giúp cho chúng tôi cơ hội có nguồn kinh phí ổn định để Tôi yêu cải lương không phải là chương trình nhất thời, ngắn hạn mà sẽ trở thành một sân chơi đặc thù của khán giả mộ điệu cải lương”, đạo diễn Hoa Hạ cho biết thêm.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, lý do ông muốn nhảy vào lĩnh vực cải lương là vì đây là một giá trị nghệ thuật truyền thống quý báu của dân tộc. Đờn ca tài tử - tiền thân của cải lương, đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, trong khi cải lương lâm vào cảnh tồn tại bấp bênh. Với tư cách của một người yêu nghệ thuật, để cải lương chết là một cái tội rất lớn. Do đó, anh đã xắn tay góp sức đưa cải lương trở về thời kỳ đẹp nhất như nó vốn có.

Địa điểm trình diễn được chọn là Nhà hát Bến Thành. Bên phía Idecaf sẽ lo phần lên ý tưởng thiết kế cho sân khấu, cùng tiền sảnh rạp mang một sắc thái trang trọng và lung linh. Hai tháng, trước khi vở diễn đầu tiên ra mắt khán giả, bên Idecaf tổ chức gặp gỡ cơ quan truyền thông để qua đó thông báo rộng rãi chương trình đến công chúng. Song song đó, đơn vị này in những tờ bướm rất đẹp và cử nhân viên đến các chợ và siêu thị để phát cho người dân. Đặc biệt, Idecaf tiến hành thương lượng với các trường học để mang những vở diễn mang yếu tố lịch sử dân tộc phục vụ các em học sinh – đối tượng khán giả tiềm năng của cải lương.

Qua thương lượng với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Nhà hát Bến Thành chấp nhận giảm giá thuê rạp từ 40 triệu xuống còn 25 triệu cho mỗi suất diễn. Nhìn thấy tâm huyết của một ông bầu giỏi nghề, phía nghệ sĩrất cảm động và sẵn sàng tham gia trong tinh thần chia sẻ. Trước mắt, NSƯT Hoa Hạ trong vai trò tác giả và đạo diễn sẽ phục vụ trên tinh thần miễn phí. Các nghệ sĩtham gia chương trình đều tự nguyện cắt giảm tiền lương.

Tinh thần hợp tác mang tính hy sinh vì nghệ thuật này giúp cho Tôi yêu cải lương tạo nên được những vở tuồng hay nhưng giá vé khá rẻ so với mặt bằng chung. Cụ thể các suất diễn đều ấn định mức giá là 100.000 đồng – 150.000 đồng – 200.000 đồng. Khán giả sẽ thấy rõ mức giá này hợp lý như thế nào nếu biết rằng một tuồng cải lương được trình diễn trong một rạp hát sang trọng. Trong các vở diễn có sự tham gia của lực lượng nồng cốt gồm NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, cùng các khách mời là rất nhiều ngôi sao nhiều thế hệ như NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩHồng Nga, NSƯT Minh Vương, NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long, NSƯTThanh Ngân, NSƯT Trọng Phúc, NSƯTThoại Mỹ...

Phục vụ công tác từ thiện

Vở diễn đầu tiên mở màn chương trình Tôi yêu cải lươngTrung thần ( tác giả và đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt) diễn ra vào ngày 26 - 27.8, 2-3.9 tại Nhà hát Bến Thành. Đây là vở diễn đoạt huy chương bạc tại hội diễn cải lương toàn quốc năm 2015. Trung thần hay từ nội dung đến kỹ năng diễn suất của các nghệ sĩgồm nghệ sĩ Trường Sơn, NSƯT Tú Sương, NSƯTLê Tứ, Điền Trung, Lê Trung Thảo, Võ Minh Lâm.

Tất cả các nghệ sỹ bằng kỹ năng vũ đạo, tài ca diễn đã kể lại một câu chuyện bi tráng về cuộc đời của vị quan thanh liêm và uy dũng của tả quân Lê Văn Duyệt. Nhân vật anh hùng được tốn vinh là đức thánh của vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Để tri ân tiền nhân ban tổ chức đã chọn đúng ngày giỗ của ông để ra mắt vở diễn. Theo đó, các nghệ sỹ sẽ trình diễn tại Lăng ông Bà Chiểu vào buổi chiều trước khi ra mắt công chúng vào buổi tối ở suất diễn đầu tiên.

Sau vở Trung thần, đạo diễn Hoa Hạ lên kế hoạch tái dựng một loạt các vở diễn kinh điển một thời như Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm nguyên bá, Hoàng đế Quang Trung, Tô Ánh Nguyệt.... Những phần hay nhất của vở diễn này sẽ được giữ lại nguyên vẹn, đồng thời những gì bất hợp lý không phù hợp với tâm lý khán giả hiện đại sẽ được bỏ bớt.

Toàn bộ kinh phí thu được qua chương trình sẽ được gây quỹ. Từ đó, nguồn ngân sách này sẽ được trao tặng học bổng cho con em nghệ sĩnghèo khó khăn, những lão nghệ sĩgià neo đơn, các chương trình từ thiện dành cho cộng đồng. Nghệ sĩLê Tứ chia sẻ: “Mặc dù tiền cát xê của chương trình không cao nhưng chúng tôi rất vui mừng được mời tham gia. Là người nghệ sĩai cũng mong muốn có một sân khấu để làm nghề. Giờ đây chúng tôi đã có được điều mong ước, chúng tôi sẽ cháy hết mình để cải lương tồn tại một cách mạnh mẽ”.

Bài và ảnh: Nguyễn Huy

motthegioi