Lâm nghiệp Tây Nguyên chỉ khai thác 0,0675% gỗ được trồng mỗi năm (?)
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:23, 29/06/2016
Chấm dứt khai thác rừng tự nhiên
Vừa qua, phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên (ngày 20.6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ýdiện tích rừng Tây Nguyên tiếp tục suy giảm nghiêm trọng, liên tục những năm gần đây cả về diện tích, trữ lượng, độ che phủ rừng với 41% diện tích rừng đã bị mất, chất lượng rừng còn lại rất kém. Đólà nhữngvấn đề hết sức đáng lo ngại.
“Tình trạng này gây nên mất đa dạng sinh học, đe dọa trực tiếp đến biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên. Nếu không chấn chỉnh, rừng Tây Nguyên sẽ kiệt quệ, hậu quả khôn lường là điều tất yếu sẽ xảy ra”, Thủ tướng nói.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bốChính phủ sẽđóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu hecta rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Cao Chí Công – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn) cho biếtviệc suy giảm rừng ở Tây Nguyên được lý giải qua các nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng.
Cụ thể, hiện các địa phương vùng Tây Nguyên đã chuyển đổi 111.000 ha đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển 37.800 ha đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây nhà máythủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…). Còn lại có 122.900 ha là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Công, đóng cửa rừng là chính sách không mới và đã thực hiện từ lâu chứ không phải đến bây giờ. Việc đóng cửa rừng sẽ chấm dứt tình trạng khai thác rừng tự nhiên, tránh được việc lạm dụng để khai thác rừng trái phép.
- Thưa ông, đóng cửa rừng là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiênnhu cầu về gỗ cả nước mỗi năm là hàng triệu mét khối, việc dừng khai thác liệu có khiến giá thành gỗ trong nước qua nhập khẩu sẽ rất cao và phụ thuộc nguồn nguyên liệu của nước ngoài?
- Ông Cao Chí Công:Ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên còn nhằm mục đích nâng chất lượng rừng, để nhiều năm nữa có thể tiếp tục khai thác. Đóng cửa rừng gồm ngưngkhai thác chínhvà việcchuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như xây dựng thủy điện, chuyển sang trồng cây công nghiệp… Đóng cửa rừng như Thủ tướng tuyên bố mới đây là dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Việc ngừng khai thác thì đã ngừng lâu rồi, từ Quyết định 2242 ngày 14.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên. Lúc đó từ hàng trăm công ty lâm nghiệp khai thác thì đến nay chỉ còn 3 đơn vị là Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (Quảng Bình), Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô (Kon Tum) và Công ty Đại Thành (Đắk Nông) là khai thác, nhưng đến nay thì Công ty Đại Thành cũng đã ngừng khai thác.
Hai công ty còn lạikhai thác mỗi năm chỉ khoảng 13.500m3 cho nên dù có đóng cửa rừng đối với khai thác chính cũng không ảnh hưởng gì đến nguồn nguyên liệu mà chúng ta sử dụng cho chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Hiện nay gỗ rừng trồng cũng đã có rất nhiều, hằng năm có thể khai thác từ 15-20 triệu mét khối. Việc nhập khẩu của chúng ta cũng không đáng kể, mỗi năm chỉ 4 triệu mét khốitrong khi chúng ta sản xuất vài chục triệu mét khối.
Truy trách nhiệm đến người đứng đầu địa phương
- Việc đóng cửa rừng còn liên quan đến cuộc sống, việc làm của nhiều công ty lâm nghiệp, công nhân lâm nghiệp, dân sống gần rừng bởi vì ở nhiều nơi, họchủ yếu dựa vào khai thác, chế biến gỗ để tái đầu tư trở lại nhằm chăm sóc và bảo vệ rừng. Nếu không được khai thác thì lấy kinh phí ở đâu để họ bảo vệ rừng? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Nhiều năm nay, có rất nhiều công ty lâm nghiệp đã không còn khai thác. Ban đầu là gần 200 công ty nhưng đến năm 2014 chỉ còn 2 công ty. Tuy nhiên, đúng là việc đóng cửa rừng cũng đặt ra những bài toán khó khi các lao động ở các công ty lâm nghiệp và lao động thời vụ ở các địa phương sẽ không có việc làm. Các công ty lâm nghiệp không có nguồn thu để quản lý bảo vệ rừng. Việc cấm khai thác rừng tự nhiên sẽ khiến nhiều người không muốn nhận bảo vệ rừng vì ít nguồn lợi.
Tuy nhiên, mỗi nămngân sách nhà nước đã cấp gần 200 tỉ đồngcho các công ty không khai tháccho nên việc đóng cửa rừng cũng sẽ không gây xáo trộn nhiều. Vấn đề là phải sắp xếp giải quyết lao động làm việc trong những công ty này, trong Đề án 118 đã có phương án giải quyết lao động dôi dư do Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội chủ trì.
- Nếu đóng cửa rừng tự nhiên và Nhà nước sẽ phải cấp kinh phí để quản lý bảo vệ thì liệu trong tình hình ngân sách hạn hẹp, kinh tế khó khăn hiện nay, nhất là đối với một số tỉnh nghèo thì sẽ lấy gì để bảo vệ, phát triển rừng trên diện tích rừng tự nhiên rất lớn? Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông? Nếu không đảm bảo đủ được kinh phí bảo vệ rừng thì rừng không tránh khỏi bị tàn phá.
- Ngân sách mỗi năm hơn 1.000 tỉ hỗ trợ. Nhưng thực tế, để bảo vệ và phát triển rừng thì các địa phương huy động rất nhiều. Từ việc phát triển dịch vụ môi trường rừng cũng hơn 1000 tỉ đồngmỗi năm. Đầu tư của các doanh nghiệp, xã hội hóa từ người dân… cũng rất lớn chứ không hoàn toàn là từ ngân sách.
Nhiệm vụ cần thiết là phải đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, phá rừng. Cần phải tăng cường đấu tranh mạnh hơn nữa và các địa phương cần phải có đề án chi tiết. Nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Còn tùy theo hành vi vi phạm sẽ có mức độ xử lý cho phù hợp.
Thông điệp mà Thủ tướng nêu ra thì Bộ Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn cũng sẽ chấp hành nghiêm túc. Ngay hôm qua Bộ đã giao cho Tổng cục Lâm nghiệp 2việc:Thứ nhất là lập kế hoạch chi tiết triển khai chỉ đạo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai là xây dựng ngay chính sách đặc thù để bảo vệ và khôi phục rừng Tây Nguyên cũng như gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu trong tháng 7 tớisẽ phải ban hành được kế hoạch chi tiết và có dự thảo để trình lên Bộ.
Trí Lâm