Kinh doanh bất động sản khởi sắc trở lại sau 6 năm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:46, 28/06/2016
Ngày 28.6, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch -Đầu tư) đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016. Trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước (quý 1tăng 5,48%; quý 2tăng 5,55%).
Theo báo cáo, tăng trưởng mạnh nhất trong GDP 6tháng đầu năm 2016 là khu vực dịch vụ với mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước như bán buôn, bán lẻ tăng hơn 8%, hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm xã hội tăng trên 6%. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77% là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015. Ngành sản xuất và phân phối điện và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,70% và 8,10%. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,80%.
Tuy nhiên, riêng khu vực nônglâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay của ngành nàytuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết nguyên nhântăng trưởng GDP 6tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nên kinh tế trong nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Theo ông Lâm, nguyên nhân khiến khu vực nônglâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp giảm 0,78%. Sâu xa hơn, do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn (giảm 6,4%) so với vụ đông xuân 2015 cũng khiến khu vực này giảm tăng trưởng.
Đồng thời, theo ông Lâm, tình hình khí hậu diễn biến bất thường như rét buốt ở các tỉnh phía bắc; hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía nam và đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. Đây là lý do khiến cho khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là lần đầu tiên khu vực này giảm tăng trưởng (ở mức 0,78%) sau nhiều năm là điểm tựa cho tăng trưởng GDP, ngay cả trong những năm kinh tế khó khăn nhất” – ông Lâm nói.
Với tình hình tăng trưởng như vậy, ông Lâm cho biếtGDP 6tháng đầu năm nay tăng 5,52% thì 5tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6% để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng 6,7% như Quốc hội đề ra.
Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), năm 2015tăng trưởng kinh tếViệt Nam khá cao, đạt 6,68%. Tuy nhiên, hạn chế tập trung vào một số ngành và lĩnh vực như khoai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng. Sang năm 2016, nếu những ngành này không giữ được đà tăng trưởng đó thì ảnh hưởng đến tăng trưởng năm 2016.
Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp -Phát triển nông thôn cùng các ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp để ngành nông lâm nghiệp và thủy sản khẩn trương thực hiện, khắc phục những khó khăn, hỗ trợ các vùng thiên tai bị hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường để có mức tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn BíchLâm cho rằngđối với sản xuất công nghiệp, cần phân tích, đánh giá và làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó có giải pháp pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến.
“Các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, không đặt ra các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Lâm nói.
Đồng thời, theo ông Lâm, cần phải có giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng dưới hình thức hợp tác công tư.
Trí Lâm