Chính thức xác nhận Formosa là nguyên nhân gây thảm họa cá chết

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:04, 30/06/2016

“Các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam đã kết luận những vi phạm trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm của công ty Formosa là nguyên nhân gây ra việc hải sản chết bất thường. Sau nhiều lần làm việc cùng công ty này, lãnh đạo công ty đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường trên", ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.
          

Chiều 30.6, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Như vậy, sau hơn 85 ngày sau khi xảy ra thảm họa này, Chính phủ đã công bố nguyên nhân cá chết. Trước đó, Chính phủ cũng đã tuyên bố tìm ra nguyên nhân nhưng việc công bố cần phải cẩn trọng và có đầy đủ chứng cứ thuyết phục.

Chủ trì cuộc họp báo, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, sự cố môi trường đã ảnh hưởng lớn đến dân sinh, trật tự xã hội, môi trường tự nhiên. Ngay sau khi có thông tin, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã nhanh chóng hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và tập trung giữ vững an ninh xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan trên tinh thần khoa học, khách quan, đúng pháp luật làm rõ đối tượng gây ra thảm họa để xử lý.

Theo đó, đã huy động hơn 100 nhà khoa học đầu ngành cả trong và ngoài nước, xác định có nguồn thải xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) chứa độc tố mạnh, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc – Nam là nguyên nhân khiến sinh vật biển chết hàng loạt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra, tìm nguồn thải và đã phát hiện công ty Formosa có một số hành vi vi phạm và nước thải từ công ty xả thải ra biển có chứa những độc tố đã vượt quá mức cho phép.

“Từ căn cứ trên, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam đã kết luận, những vi phạm trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm của công ty Formosa là nguyên nhân gây ra việc hải sản chết bất thường. Sau nhiều lần làm việc cùng công ty này, lãnh đạo công ty đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường trên", ông Dũng cho biết.

Theo đó, công ty Formosa cam kết 5 điểm:

1. Công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

2. Thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển, số tiền 11.500 tỉ đồng tương đương 500 triệu USD.

3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.

4. Phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin với người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế.

5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ cũng hoan nghênh Đài Loan cũng như dư luận đã tỏ rõ quan điểm trong vụ việc này và yêu cầu công ty Formosa nghiêm túc thực hiện cam kết. Trong quá trình đầu tư cần nghiêm túc tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Cũng trong cuộc họp báo, lãnh đạo Công ty Formosa đã lên tiếng xin lỗi Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Công ty cũng cam kết sẽ bồi thường và chuyển đổi sinh kế cho người dân bị thiệt hại.

“Chúng tôi cam kết sẽ không để tình trạng này tiếp tục tái diễn và nỗ lực tối đã trong việc giải quyết sự cố này. Chúng tôi vô cùng biết ơn Chính phủ đã chỉ đạo tìm ra nguyên nhân và tha thiết mong người dân Việt Nam tha thứ cho chúng tôi”, lãnh đạo Fomorsa nói. Theo đó, công ty này cam kết sẽ đóng góp mạnh vào kinh tế cũng như bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Trước thời điểm Chính phủ Việt Nam chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc biển 4 tỉnh miền Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ông Trần Nguyên Thành vừa có thư gửi cán bộ công nhân viên trong công ty. Trong đó, ông Thành cho biết, mặc dù không muốn nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra nguyên nhân cá chết của Chính phủ. Tuy cho biết công ty đang phối hợp chặt chẽ cùng cùng cơ quan chức năng để giải quyết từ sự việc nêu trên, ông Thành lại nói rằng nguyên nhân gây ra sự cố do "sai sót của các nhà thầu phụ", "trong giai đoạn vận hành thử".

"Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của Đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù, đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ...", ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch HĐQT công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh viết trong thư gửi cán bộ công nhân viên trong công ty.

Bức thư này cũng thông báo rằng, trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) là chi nhánh của tập đoàn nhựa Formosa Plastics Group của Đài Loan.

Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỉ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II).

Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025 ha và diện tích mặt nước hơn 1.293 ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỉ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. 

FHS đăng ký kinh doanh 11 ngành nghề, một số ngành nghề quan trọng như: chế tạo và mua bán gang thép; kinh doanh cảng; sản xuất xi măng; kinh doanh nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý nước; xây dựng, lắp đặt, vận hành và kinh doanh nhà máy khí, bán các khí nén và các khí chất lỏng sử dụng trong công nghiệp như oxy, nitơ...; chế tạo, gia công, sản xuất, mua bán và xuất nhập khẩu các sản phẩm liên quan quá trình luyện than cốc, hắc ín, dầu thô nhẹ, và kinh doanh bất động sản.

Từ tháng 3.2015, hệ thống bắt đầu thử nghiệm, tới tháng 12.2015 nhận được giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hệ thống xả thải có công suất dự tính ban đầu là 43.000 m3 một ngày đêm, tuy nhiên do công ty chưa chính thức đi vào hoạt động nên hiện mỗi ngày, lượng nước thải chỉ là 11.000 m3.

Theo số liệu được Thứ trưởng Hải công bố, riêng lĩnh vực hóa chất, qua kiểm tra cả năm 2015 và đến thời điểm tháng 5.2016, Formosa nhập 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất, số này có đăng ký và được chấp thuận nhập khẩu, sử dụng.

Chỉ riêng từ đầu năm 2016, Công ty được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất. Mục đích nhập khẩu, theo căn cứ khai báo ngay từ đầu về mục đích sử dụng, là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định nước làm mát, hóa chất để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ pH...

Từ đầu năm 2016, Công ty đã sử dụng 51 tấn hóa chất và hiện nay tồn trong kho 248 tấn (Cục Hóa chất có số liệu cụ thể). Tuy nhiên, cơ quan cấp phép là Cục Hóa chất, nhưng việc quản lý sử dụng số hóa chất này có đúng mục đích hay không lại do Bộ Tài Nguyên- Môi trường quản lý.

Bắt đầu từ ngày 6.4, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), ngay sau đó lan ra các vùng biển thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thống kê sơ bộ đến ngày 25.4, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 10 tấn, Quảng Trị 30 tấn cá chết; đến ngày 29.4, số cá chết tại Quảng Bình lên tới hơn 100 tấn.

Trí Lâm

   

Trí Lâm