Vì sao đến 3 tháng mới công bố thủ phạm gây cá chết hàng loạt?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:21, 30/06/2016
Cần phải điều tra kỹ lưỡng
Theo ông Hà, trước yêu cầu của Thủ tướng và mong muốn chính đáng của người dân, với sức ép lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định cần tiến hành có kế hoạch, đảm bảo chứng cứ khoa học, xác định thủ phạm là ai, đấu tranh thế nào.
Các công việc được tiến hành gồm: Thứ nhất là nguyên nhân, cái gì đang diễn ra ở vùng biển miền Trung, cơ chế gì gây ra hải sản chết hàng loạt. Thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu.
Nhóm thứ nhất tập trung hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước ở các lĩnh vực hải dương học, vũ trụ học... tiến hành nhiều công việc từ lấy mẫu cá, mẫu nước, sinh vật... đồng thời thực hiện nhiều hoạt động từ việc xác định sự việc từ vệ tinh. Nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển xác định bản chất.
“Kết quả phân tích của hàng nghìn thí nghiệm, có thí nghiệm xác định độc tố kim loại nặng phải hàng tuần mới có kết quả. Nhiều thông số cần kiểm chứng để đảm bảo tính pháp lý. Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học của nhà nước đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học quốc tế; từ đó mới công bố”, ông Hà lý giải.
Cũng nói về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định các nhà khoa học đã vào cuộc một cách quyết liệt trong thời gian qua. Kết quả công bố ngày hôm nay chính là minh chứng cho trình độ của nhà khoa học trong việc tiếp cận và xử lý một sự việc hết sức phức tạp, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta.
Theo Bộ trưởng, ngay khi sự việc xảy ra Thủ tướng đã phân công các bộ ngành liên quan khẩn trương tìm ra nguyên nhân. Các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực và cố gắng cao nhất. Quá trình tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, trong đó có các nhà khoa học nước ngoài.
“Có khó khăn là chúng ta phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển... Nhiều chuyên gia đến từ Nhật, Pháp, Đức, Mỹ... đã bổ sung dữ liệu cùng nhà khoa học Việt Nam đối chứng phân tích chỉ tiêu, từ đó có những chứng cứ được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận. Kết quả công bố hôm nay thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học cũng như trình độ và năng lực trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng dẫn ra ví dụ, tháng 12.2004, tại Nhật Bản có sự cố môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên hơn một năm sau, hội đồng đánh giá với những chuyên gia hàng đầu mới có thể kết luận được nguyên nhân là từ công ty gang thép FJE. Như vậy để thấy sự nỗ lực của chúng ta.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, Đảng, Nhà nước chủ trương công khai, minh bạch. Các lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng quyết liệt tìm nguyên nhân ngay từ đầu và chỉ đạo kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, không loại trừ ai.
“Thời gian qua, có nhiều ý kiến trên mạng xã hội bức xúc về tình trạng chậm công bố nguyên nhân cá chết. Tôi cho rằng đó là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, có một số thế lực thù địch đã lợi dụng sự cố này để xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, kích động nhân dân chống phá, xuyên tạc tình hình. Tôi khẳng định việc công bố nguyên nhân này là kịp thời”, ông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Lỗ hổng trong giám sát
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nguồn nước thải của Formosa gồm nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá... Về quy chuẩn, có 2 quy chuẩn 40 - xác định với nước thải công nghiệp, kiểm soát nhiều thông số hơn.
Theo đó, quy chuẩn 52 - tiêu chuẩn đối với ngành gang thép, kiểm soát 12 con số. Toàn bộ lượng nước thải ra, quy chuẩn 52 không thể bao quát được con số nước thải từ cảng. Việc áp dụng quy chuẩn chưa sát tình hình nguồn thải của Formosa. Nguồn cần giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hoá từ các cốc.
“Thực tế, đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Pháp luật có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm”, ông Hà nói.
Về câu hỏi liệu có sửa đổi bổ sung gì các quy định hiện hành về môi trường của doanh nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quy chuẩn về môi trường Việt Nam là văn bản dưới luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua quy chuẩn về môi trường là không đúng thẩm quyền của Quốc hội. Nên tới đây Chính phủ không đề xuất Quốc hội ban hành quy chuẩn về môi trường của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho biết, sau sự cố này, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán, đảm bảo đúng cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Một sự cố xảy ra là điều đáng tiếc. Đây cũng là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước, rà soát chức năng nhiệm vụ để việc thu hút đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ Việt Nam không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Đông nói.
Trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát tất cả quy hoạch liên quan tới môi trường, các tiêu chuẩn liên quan tới môi trường các và các hoạt động khác. Với các cán bộ có liên quan trực tiếp tới công tác này, dù có ở cấp nào cũng phải xử lý theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo lý giải của ông Mai Tiến Dũng, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam và đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ nên là “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.
Theo ông Dũng, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng.
Trí Lâm