Đề nghị công bố ngư trường không an toàn để dân tránh

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:39, 02/07/2016

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều ngày 1.7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một số kiến nghị liên quan đến hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cá chết hàng loạt, đồng thời đề nghị công bố vùng ngư trường không an toàn để dân tránh.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, để hỗ trợ những ngư dân thiệt hại vì thảm họa cá chết, Chính phủ cần triển khai hỗ trợ phát triển đội tàu, đóng tàu mới, huấn luyện thuyền viên, thuyền trưởng, khôi phục nuôi trồng thủy hải sản, thu mua tạm trữ, phát triển dịch vụ du lịch biển...

Ông Nhân cũng đề nghịngành giáo dục cần xem xét miễn, giảm các khoản đóng góp đầu năm học mới tới đây đối với những gia đình học sinh bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi sự cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

“Đồng thời, Chính phủ cũng cần công bố vùng ngư trường đánh bắt hải không an toàn để ngư dân tránh, yên tâm đánh bắt hải sản ở những nơi an toàn, được chứng nhận và và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm”,ông Nhân nói.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, ngày 1.5.2016, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họpđã đưa ra kết luận, chỉ đạo quan trọng là khoanh vùng ảnh hưởng.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp đãtham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo các vùng ảnh hưởng của 4 tỉnh tính từ bờ ra là 20 hải lý. Đối với những vùng ảnh hưởng trong 20 hải lý tại 4 tỉnh, hơn 15.000 tàu khai thác dưới 90 CV của 4 tỉnh đều lấy mẫu giám sát hằng ngày, nếu phát hiện có hải sản nhiễm độc, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm thì tiêu hủy và tham mưu với Chính phủ có chính sách hỗ trợ.

“Vùng ngoài 20 hải lý ở 4 tỉnh này được xác định là vùng an toàn. Tổ chức xác nhận hải sản khai thác đối với loại tàu trên 90 CVở vùng ngoài 20 hải lý, ngay tại các bến cảng, bến cá để xác định đây là sản phẩm an toàn. Tuy nhiên để yên tâm, chúng tôi vẫn chỉ đạo cơ quan chức năng lấy mẫu tần suất 2 tới 3 ngày/lần. Nếu phát hiện thì cũng xử lý”,đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Đồng tình với đề nghị này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, vấn đề cần tập trung trước hết là bồi thường thiệt hại cho dân. Trong đó có hỗ trợ về tín dụng để ngư dân có thể trở ra biển, bồi thường cải tạo môi trường biển trong đó có tẩy rửa biển, trang thiết bị quan trắc môi trường biển, trồng lại san hô, tái tạo cá biển, thủy sinh, chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực dịch vụ, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao...

Đồng thời, theo Phó thủ tướng, cần thanh tra, kiểm tra xem trong quá trình cấp phép cho Formosa có tiêu cực không, nếu có phải xử lý, người dân cũng mong đợi việc này.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải nhanh chóng tiến hành rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước để kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có xả thải gây ô nhiễm ra môi trường, đảm bảo đúng pháp luật, có quy trình và công nghệ kiểm soát.

“Việc hỗ trợ phải xác định đúng, chính xác, dựa trên cơ sở hướng dẫn kê khai đúng thiệt hại thực tế. Bộ NN&PTNT chủ trì, Bộ Công thương cũng phải tham gia vì có những ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng như diêm dân, dịch vụ, du lịch. Đảm bảo không để thất thoát trong hỗ trợ",ông Trương Hòa Bình nói.

Trí Lâm

Trí Lâm