Tháo bỏ hoành phi câu đối chữ Hán -Nôm là vi phạm luật Di sản

Văn hóa - Ngày đăng : 11:01, 05/07/2016

“Chỉ dùng chữ quốc ngữ để thay cho hoành phi, câu đối…”. Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu về Hán Nôm, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán Nôm) vừa đưa ra tại hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” diễn ra tại Hà Nội vào hai ngày 2 và 3 tháng 7.2016. Ngay sau đó ý kiến trên đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau về vấn đề này.

Hoành phi, câu đối có xuất phát từ nền văn hóaTrung Hoa, nhưng khi du nhập sang Việt Nam, thể loại văn tựnày đã được các bậc trí thức người Việt vận dụng một cách tài tình, từ đó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Mỗi bức hoành phi, câu đối được trang trọng treo ở các địa điểm văn hóa đều lưu giữ những giá trị đẹp về truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc. Đó là cách ông cha ta lưu truyền những lời răn dạy, những mong muốn khát vọng, những giá trị nhân bản của đất nước được tồn tại mãi với thời gian.

Hoành phi, câu đối thường thể hiện bằng ngôn ngữ súc tích ngắn gọn mang hàm ý sâu sắc và rất cô đọng. Ở Việt Nam, từ xưa đến nay theo truyền thống,hoành phi câu đối đều viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm (gọi chung là chữ Nho). Thời gian gần đây, một số nơi có viết hoành phi, câu đối bằng chữ quốc ngữViệt. Tuy nhiên, do chữ Hán cổ vốn súc tích, văn tự ngắn gọn, ý nghĩa rộng rãi, sâu sắc nên không phải một sớm một chiều có thể thay đổi bằng tiếng Việt một cách trọn vẹn được. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, các nhà văn hóa muốn thay thế cách thể hiện hoành phi, câu đối hoàn toàn bằng tiếng Việt. Ý kiến trên đã vấp phải sự phản đối trái chiều của các nhà nghiên cứu khác.

Đình cổ Vĩnh Phước, một di tích tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nơi lưu giữ nhiều bức hoành phi câu đối rất quý hiếm từ trước đến nay

Mới đây trong bài tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí cho biết hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 100.000 người có thể đọc hiểu được câu đối chữ Hán, trong khi đó dân số nước ta đến hơn 90 triệu dân, thì việc sử dụng chữ Hán Nôm cho các câu đối, hoành phi tại các địa điểm văn hóa sẽ giảm tác dụng và khó tiếp thu. Chính vì vậy ông đề xuất câu đối hoành phi ở các địa điểm chùa chiền nên được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đặc biệt PGS-TS Nguyễn Tá Nhí còn đưa ra một đề xuất khá táo bạo là có thể hạ các hoành phi câu đối bằng chữ Hán Nôm xuống chuyển vào các bảo tàng, thay vào đó là đưa các hoành phi, câu đối mới chép lại chính những nội dung đó, nhưng được ghi bằng chữ quốc ngữ để thay thế, chỉ trừ những các hoành phi câu đối Hán Nôm nếu liên quan đến hồ sơ gốc của di tích đã có danh hiệu thì có thể để nguyên.

Ngay sau khi ý kiến củaPGS-TS Nguyễn Tá Nhí được đưa ra đã có nhiều phản hồi trái chiều khác nhau. Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công (Thanh Hóa) cho biết: “Thư pháp chữ Hán là môn nghệ thuật đã có hàng ngàn năm tuổi, khi kết hợp với nghệ thuật điêu khắc, sơn son thếp vàng, mỗi bức hoành phi, câu đối chữ Hán với đầy đủ chương pháp, lạc khoản, trở thành bức thư họa khắc gỗ lộng lẫy. Bởi vậy, hoành phi, câu đối chữ Hán không chỉ biểu đạt nội dung, mà hình thức của nó còn tham gia vào không gian kiến trúc nội thất đình chùa, miếu mạo, tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật chạm khắc gỗ hài hòa với những long lyquy phượng, hoa văn, hương án, tượng thờ... Trong khi đó, chữ quốc ngữ, thòi rathụt vào trên hoành phi, câu đối sẽrất thô, cứng, "thư pháp chữ quốc ngữ" lại chưa đủ “pháp” để vừa đảm bảo giá trị văn bản, vừa có yếu tố mỹ thuật. Mỗi bức hoành phi câu đối chữ Hán trong đền chùa đều là những hiện vật rất quan trọng của di tích, nếu thay bằngchữ quốc ngữ, khác nào làm mới di tích và cố tình vi phạm quy định về trùng tu tôn tạo di tích lịch sử. Mặt khác hoành phi, câu đối vừa là hiện vật của di tích, vừa là phối cảnh của kiến trúc cổ đìnhchùa. Bởi vậy, gỡ xuống đưa vào bảo tàng, thay bằng hoành phi,câu đối mới viết bằng chữ quốc ngữ như cách đề xuất của PGS-TS Nguyễn Tá Nhí sẽlàm mới di tích vàvi phạm quy định về trùng tu di tích lịch sử”.

Những bức hoành phi và đôi câu đối sơn son thếp vàng tại đình thần Vĩnh Phước, Sa Đéc, Đồng Tháp

Cùng quan điểm trên, dịch giả nhà báo Lệ Chi (TP.HCM) người đã có nhiều năm nghiên cứu tiếng Trung và chuyển ngữ khá nhiều tác phẩm tiếng Trung sang tiếng Việt nói: “Về ý nghĩa của ngôn ngữ thì tiếng Việt có hoàn toàn có thể dùng để viết hoành phi, câu đối thay cho chữ Hán Nôm, nhưng về mặt hình thức thì sẽ không ổn. Hoành phi câu đối viết bằng tiếng Việt nhìn rất thô và gượng ép. Đơn giản vì chữ quốc ngữ không phù hợp với cách thể hiện theo hàng dọc như chữ Hán Nôm được”.

Từ Hà Nội, tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện nêu ý kiến: “Hôm nay, khi đọc được ý kiến của PGS-TS Nguyễn Tá Nhí ở báo Thanh Niên, tôi rất kinh ngạc! Nhiều đồng nghiệp của tôi ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng vậy. Chữ Hán là một văn tự lâu đời, và từ chữ Hán đã làm xuất hiện những đỉnh cao của văn hóa Trung Hoa và thế giới như: Sở từ, Hán phú, Đường thi, từ Tống, tiểu thuyết Minh Thanh, nghệ thuật thư pháp...

Do điều kiện lịch sử, chữ Hán đã được truyền từ Trung Quốcsang Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, rồi từ đó lại tiếp tục được sinh sôi tạo nên các chữ viết mới mà chữ Nôm của người Việt Nam là một ví dụ (chúng ta có chữ Nôm Việt, chữ Nôm Tày…). Ngôn ngữHán văn khi truyền sang Việt Nam, đến nay vẫn còn giữ được âm đọc từ thời Đường, giàu có về âm sắc và thâm trầm về ý nghĩa. Cách sử dụng và cách đọc chữ Hán của người Việt tạo nên từ Hán Việt rất riêng của Việt Nam và từ đó dòng văn học chữ Hán và dòng văn học chữ Nôm hình thành và phát triển, tạo nên các tác phẩm và tác gia văn học lớn.

Không thể tháohết hoành phi, câu đối ở các di tích rồi đưa về các bảo tàng được. Điều này là trước hết là vi phạm Luật Di sản, cách ly hiện vật với môi trường của nó. Bản thân mỗi tấm hoành phi, câu đốinày chứa đựng những giá trị văn hóa, triết lý và mỹ thuật. Đó là di sản gắn với dân tộc ta, gắn với mỗi di tích, gắn với ký ức của người dân, và là một phần của văn hóa đất nước. Câu đối, hoành phi chữ Hán đảm bảo sự trang trọng, uy nghiêm, cổ kính của truyền thống. Còn nhớ, ngày xưa, hồi cải cách ruộng đất, hồi thành lậphợp tác xã nhiều nơingười ta hùng hổ phábỏđền chùa, đình miếu, lấy hoành phi, câu đối làm bànghế, lấy bia đá để đập lúa, bắc cầu,v.v... Bài học cay đắng đó, đến nay còn hằn in trong ký ức nhiều người!”.

Đôi câu đối được "Việt hóa" trước bàn thờ của nhà nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri, Bến Tre

Không chỉ thể hiện về mặt nghĩa ngữ, hoành phi, câu đối còn mang một hình thức trực quan khác như vẻ đẹp nho nhã thanh cao qua cách thể hiện của người xưa bằng những đường nét thảo chữ như“rồng múa phượng bay”, lời hay như "phun châu nhả ngọc", câu đối hoành phi đang được hiện diện trong những không gian văn hóa vô cùng thiêng liêng, nơilưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và lâu bền của gia đình, dòng họ và của cả một dân tộc từ ngàn xưa đến nay.

Chính vì thế vấn đề được đặt ra "nên hay không nên thay đổi cách thể hiện hoành phi câu đối từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ" quả thật cần được xem xétnghiêmtúc, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, cân nhắc vô cùng cẩn thận của các nhà chuyên môn, các học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như sự đồng tình nhất trí cao của dư luận xã hội.

Bài vàảnh: Tiểu Vũ

Tiểu Vũ