Venezuela khủng hoảng kinh tế: Cái giá của sự hão huyền?
Quốc tế - Ngày đăng : 09:34, 06/07/2016
Quả thực, những gì đang diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này đang tồi tệ hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Dù là quốc gia nghèo nhất thế giới cũng không có một sự hỗn loạn khi đứng trên bờ vực thẳm về tất cả mọi lĩnh vực như Venezuela ở thời điểm hiện tại. Lạm phát lên tới ba con số, thiếu hụt lương thực và thuốc men đến mức người dân phải ăn bất cứ thứ gì có thể ăn đượctrong khi trẻ em và các bệnh nhân thì chết dần chết mòn trong các bệnh viện vì không có thuốc.
Vì sao một quốc gia lẽ ra phải nằm trong top các nước giàu nhất khi sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới như Venezuela lại rơi vào tình trạng kinh khủng hiện tại, nhất là khi chỉ trước đó vài năm quốc gia Nam Mỹ này vẫn được xem là hình mẫu của sự phát triển. Câu trả lời chỉ có một, đó là các nhà lãnh đạo Venezuela đã quá hão huyền khi lôi cả đất nước vào những sự thử nghiệm chính sách kinh tế quá nguy hiểm, theo một mô hình phản kinh tế thị trường.
Đối với các nhà kinh tếthì việc quan tâm tìm hiểu những nguyên nhân thành công của các nền kinh tế cũng quan trọng ngangvới việc tìm hiểu những nguyên nhân thất bại, vì nó sẽ rút ra những bài học đắt giá. Tuy nhiên, ở trường hợp Venezuela hiện nay, thì thứ khiến các nhà kinh tế quan tâm nhất làchẳng hiểu sao quốc gia này lại có thể khủng hoảng kinh tế được. Những kết quả thăm dò trữ lượng dầu mỏ mới nhất trong năm 2014-2015 đã chính thức xác nhận Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, vượt qua các nước đang dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác dầu như Ả Rập Saudi hay Nga. Nói cách khác, người dân Venezuela đang ngồi trên đống vàng đen có trữ lượng lớn nhất thế giới, và ít nhất thì họ cũng có thể giàu ngang ngửa với những ông hoàng dầu lửa như Ả RậpSaudi hay Qatar.
Có lẽ, chính vì điều này nên khá nhiều người gán việc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Nam Mỹ này ở thời điểm hiện tại là do nguyên nhân giá dầu sụt giảm quá mạnh, từ mức trên 100 USD/thùng thời điểm năm 2014 xuống còn 40 USD/thùng vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, một thực tế là chẳng có quốc gia xuất khẩu dầu lửa nào lại rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng như Venezuela, nhất là sựgiảm giá dầu chỉ có thể khiến tốc độ tăng trưởng của một quốc gia như Venezuela sụt giảm và chính phủ sẽ chỉ phải thắt lưng buộc bụng như Nga hay Ả Rập Saudi mà thôi. Việc giá dầu giảm quá nửa không lý giải được vì sao các ngành kinh tế khác của Venezuela sụp đổ, vì sao tình trạng thiếu hụt lương thực trở nên trầm trọng còn lạm phát thì phi mã đến ba con số, trong khi một trong những đồng tiền có mức độ gắn tỷ giá với giá dầu cao nhất như đồng rup của Nga bị sụt giá do giá dầu giảm nhiều lắm cũng chỉ 20%.
Sự khủng hoảng kinh tế toàn diện trên tất cả mọi ngành và lĩnh vực trong nền kinh tế Venezuela, đang được chính những người trong cuộc lý giải một cách cặn kẽ nhất. Một trong số đó là Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela. Theo ôngHausmann, lý do chủ yếu nhất dẫn đến tình trạng tồi tệ hiện tại là do một loạt thế hệ các nhà lãnh đạo quốc gia này đã đi theo một kế hoạch phát triển kinh tế trong đó đi ngược lại với tất cả các nguyên tắc kinh tế chủ chốt và nền tảng nhất.
Các nhà lãnh đạo Venezuela, khởi đầu là cố Tổng thống Hugo Chavez, đã thực hiện một chính sách kinh tế có xu hướng cực tả. Khi ông Hugo Chavez tái đắc cử chức tổng thống vào năm 2006, ông đã công hữu hóa hàng loạt các tài sản trên rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, từ các nông trại, siêu thị, ngân hàng, công ty viễn thông, năng lượng, các công ty khai thác dầu mỏ, các công ty sản xuất xi măng, cà phê thậm chí là cả các công ty sản xuất ly thủy tinh...Và tất cả các doanh nghiệp đã được quốc hữu hóa này bắt đầu phải tuân thủ một cách điều hành mang đậm tính “kế hoạch”, trong đó các sản phẩm làm ra không được thị trường định giá như ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều đang làm, thay vào đó phải tuân theo một quy định chung là “định giá hàng hóa”. Nói cách khác, giá cả hàng hóa là do nhà nước quy định – một đặc trưng điển hình của nền kinh tế bao cấp kế hoạch trước đây vốn đã bị đào thải gần như toàn bộ trên thế giới ở thời điểm hiện tại.
Sự “định giá hàng hóa” một cách bất cập và vô lý này đã giết chết toàn bộ các ngành và lĩnh vực trong nền kinh tế Venezuela. Bộ luật độc đáo mang tên “Luật về chi phí và giá cả công bằng” của chính phủ Venezuela là nguồn cơn gây ra sự sụp đổ cho tất cả các ngành kinh tế. Vì bộ luật này, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đóng cửa do giá nhà nước quy định quá thấp, điều này vừa dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng, vừa khiến lạm phát tăng mạnh do hàng hóa thiết yếu bị thiếu hụt trầm trọng.
Khi bộ luật kỳ quặc này được thực thi, Venezuela chính thức trở thành quốc gia có hệ thống kiểm soát giá lớn nhất thế giới, nhưng đồng thời cũng là nước có mức lạm phát cao nhất toàn cầu. Việc quy định chi phí và giá cả vô lý này đã tạo ra những câu chuyện cười ra nước mắt tại quốc gia Nam Mỹ này, chẳng hạn như việc trợ giá khí đốt và điện lớn hơn cả ngân sách dành cho giáo dục và y tế cộng lại, hay việc với mức lương tối thiểu mỗi ngày thì một người dân Venezuela chỉ có thể mua được khoảng 227 gram thịt bò hoặc 12 quả trứng nhưng lại đủ để mua được tới 1.000 m3 khí đốt hoặc 5.100 kWh điện năng (đủ dùng cho cả một thị trấn nhỏ).
Dĩ nhiên, không phải chính phủ Venezuela rỗi hơi mà thực hiện tất cả những chính sách quy mô lớn đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cơ bản một cách đầy khó khăn này. Việc quốc hữu hóa các tài sản lớn, cộng với việc ban hành luật định giá hàng hóa của chính phủ Venezuela, là nhắm đến phục vụ tầng lớp người nghèo trong nỗ lực thúc đẩy chất lượng cuộc sống của họ. Khi giá cả các loại hàng hóa thiết yếu được chính phủ quy định thấp hơn mức thị trường, thì sẽ càng nhiều người nghèo được hưởng các điều kiện sống tốt hơn. Đó là lý do vì sao trước khi thảm họa xảy ra, Venezuela được rất nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới ca ngợi vì những chính sách cấp tiến của mình. Nhưng khi mà thảm họa xảy ra, đẩy cả đất nước vào một sự khủng hoảng toàn diện, thì rõ ràng là số người dân Venezuela phải chịu hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với số người nghèo được hưởng lợi từ các chính sách trợ giá kỳ quặc kia mà giờ đây họ cũng đang chịu chung số phận. Đó là cái giá phải trả cho một cuộc phiêu lưu hão huyền về kinh tế của các nhà lãnh đạo Venezuela, khởi đầu là cố Tổng thống Hugo Chavez và giờ đây là Tổng thống Nicolas Maduro.
Chắc chắn làsự hoảng loạn đang diễn ra tại Venezuela hiện tại sẽ không sớm kết thúc, khi mà cỗ máy điều hành kinh tế phi lý đến cùng cực kia vẫn còn tồn tại và người dân vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ chết đói do thiếu lương thực hàng ngày. Đâylà một bài học đắt giá được đánh đổi bằng máu và nước mắt của người dân Venezuela cho bất cứ nhà lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới về hậu quả sẽ phải đối mặt khi đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường, dù với bất kỳ mục tiêu và lý tưởng cao đẹp đến đâu chăng nữa. Những nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường là những quy luật thép, bất kỳ kẻ nào chống lại nó sẽ phải trả giá rất đắt, kể cả một quốc gia đang sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng có thể rơi vào tình trạng chết đói vì thiếu lương thực như Venezuela.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, Nghiencuuquocte)