Truy tố nguyên giám đốc, phó giám đốc Ngân hàng Việt - Nga

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:57, 06/07/2016

Là lãnh đạo ngân hàng nhưng các bị can đã không chỉ đạo, yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của ngân hàng, hậu quả VRB.HCM thiệt hại hơn 51 tỉ đồng.

Truy tố 4 bị can

Ngày 6.7, Viện KSND tối cao cho biết đã tống đạt cáo trạng truy tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga, chi nhánh TP.HCM (VRB.HCM) trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng này.

Bốn bị can gồm: Lê Nông (47 tuổi), nguyên Giám đốc VRB.HCM bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Trần Hoàng (55 tuổi), nguyên phó giám đốc; Phạm Bá Chánh (44 tuổi, nguyên phó phòng quan hệ khách hàng); Trần Đình Diệu (34 tuổi), nguyên cán bộ phòng quan hệ khách hàng, cùng bị truy tố tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Vụ án được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm 3 lần - lần gần nhất là 30.9.2015 nhưng HĐXX đã tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ thiệt hạixảy ra tại VRB.HCM.

Cáo trạng xác định, năm 2009, trong quá trình giải ngân các khoản vay tín dụng ngắn hạn cho Công ty TNHH SX-TM-DV-VT Minh Chí (TP.HCM) và Công ty TNHH An Phúc (Bình Dương) , các bị can đã vi phạm quy định về việc bảo đảm tiền vay áp dụng trong hoạt động tín dụng của VRB.HCM. Việc vi phạm này dẫn đến thiệt hại cho VRB.HCM hơn 51 tỉ đồng nợ vay của 2 công ty nói trên.

Theo cáo trạng, Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan thành lập và điều hành 3 công ty: TNHH SX-TM-DV-VT Minh Chí (TP.HCM), TNHH An Phúc (Bình Dương), CP xuất nhập khẩu nông thổ sản An Bình Phú (Lâm Đồng). Tháng 5.2008, Hậu và Loan vay vốn tại VRB.HCM để thu mua nông sản xuất khẩu, tài sản thế chấp là bất động sản và tài sản được hình thành từ vốn vay (cà phê, hạt tiêu).

Từ tháng 5.2008 đến 11.2009, 3 công ty trên được VRB.HCM nhiều lần giải ngân cho vay số tiền trên 1.000 tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản được hưởng hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ. Đến nay, còn dư nợ 171 tỉ đồng đã quá hạn nhưng không còn khả năng thanh toán, vợ chồng Hậu - Loan đã bỏ trốn.

Tháng 2.2010, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Hậu - Loan để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến giữa tháng 3.2010, cơ quan điều tra xét thấy cặp vợ chồng này có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài nên quyết định phối hợp Interpol truy nã quốc tế. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có tung tích gì. Vì vậy, cơ quan điều tra quyết định tách vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với 2 bị can này.

Cho vay hàng trăm tỉ không có tài sản bảo đảm

Đối với các cán bộ VRB.HCM, cáo trạng thể hiện năm 2009, trong quá trình giải ngân các khoản vay tín dụng ngắn hạn cho Công ty Minh Chí và Công ty An Phúc, Lê Nông và các cán bộ nghiệp vụ dưới quyền gồm Diệu, Sanh, Chánh đã vi phạm các quy định của nhà nước và của ngân hàng về đảm bảo tiền vay trong hoạt động tín dụng, giải ngân cho vay hơn 499 tỉ đồng nhưng không có tài sản bảo đảm, gây hậu quả VRB không thu hồi được tổng số tiền hơn 51 tỉ đồng nợ vay của 2 công ty nói trên.

Đáng chú ý, Lê Vũ Trường Sanh (43 tuổi, nguyên phó phòng quan hệ khách hàng) đã bị CQĐT khởi tố từ năm 2011 về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, đến nay Viện KSND tối cao cho rằng mặc dù Sanh đã đồng ý đề xuất giải ngân một số khoản vay của công ty an Phúc dẫn đến thiệt hại cho VRB.HCM nhưng xét toàn bộ khoản giải ngân do Sanh đồng ý đề xuất đã được tất toán cả tiền gốc và tiền lãi cho vay, bị can sai phạm lần đầu, có thái độ khai báo thần khẩn, ăn năn hối lỗi nên đã ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho Sanh.

Ngọc Lê/Thanh Niên

Thanh Niên