Tranh cãi về dùng chữ quốc ngữ thay cho Hán Nôm trên hoành phi câu đối
Văn hóa - Ngày đăng : 17:24, 06/07/2016
Như báo điện tử Một Thế Giới đã có bài phản ánh,tại hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” diễn ra tại Hà Nội vào hai ngày 2 và 3 tháng 7.2016 , PGS-TS Nguyễn Tá Nhí chia sẻ: “ Hiện nay ở nước ta dân số đã nhiều hơn 90 triệu người, cho dù có 11 vạn người thông thạo tiếng Hán, thế thì 89 triệu, 89 vạn người Việt Nam không đọc được câu đối viết bằng chữ Hán, thế thì ích lợi của việc thể hiện câu đối đại tự thờ ở chùa thu được bao nhiêu ?”. Chính vì những lý do trên, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí đề xuất và khuyến khích nên dùng chữ quốc ngữ để thể hiện hoành phi câu đối và ghi lời Phật dạy ở các ban thờ trong chùa.
Ngay sau khi ý kiến của PGS-TS Nguyễn Tá Nhí được đưa ra , lập tức đã thu hút sự quan tâm dư luận. Nhiều cuộc tranh luận của bạn đọc cũng như trên các diễn đàn mạng đã diễn ra vô cùng sôi nổi, trong đó có nhiều ý đồng tình cũng như phản đối xuất của PGS-TS Nguyễn Tá Nhí.
Dưới đây là tổng hợp hai luồng ý của bạn đọc về vấn đề nêu trên:
Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Hương bày tỏ sự ủng hộ việc dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán Nôm vớilý do: “Tôi ủng hộ việc thay đổi các hoành phi câu đối chữ Hán. Nên thay bằng chữ quốc ngữ để mọi người, con cháu cùng đọc, hiểu. Còn các văn tự chữ Hán chỉ dùng lưu trữ cho các nhà nghiên cứu... Lý do: 1. Tôi đã từng đọc trên báo: Người nước ngoài khi hỏi về ý nghĩa các chữ viết trên hoành phi, câu đối... chùa, đền... hầu hết mọi ngườiđều không thể đọc, hiểu, nên họ đã nói: “Người Việt mù chữ ngay trên đất nước của mình! 2. Từ xưa đến nay, Trung Hoa đã có mặc định "ở đâu có người Trung Hoa, có chữ Trung Hoa... Đó là đất nước Trung Hoa (ai cũng hiểu đó chỉ là tham vọng bá quyền của họ) 3. Di sản, di vật, kỷ vật... gắn liền với lịch sử, hoàn cảnh, ký ức... nhục nhã, đau khổ, buồn thương... theo tôi nên đóng gói nó lại, chỉ như một bài học để nhắc nhở một thời đã qua, chứ đối với những người có lòng tự tôn nó nhức nhối lắm, nó nhắc lạinỗi đau "một nghìn năm đô hộ giặc Tàu...". Chỉ nên lưu giữ chữ Hán-Nôm của những gì gắn bó với lịch sử liệt oanh của dân tộc: xây dựng và bảo vệ đất nước, phải có một bản dịch tiếng Việt cùng với nó và nhà nước thông qua Giáo hội Phật giáo tiến hành, toàn dân sẽ hưởng ứng.... Đôi lời như vậy, cũng là thiển nghĩ của cá nhân mà bản thân tôi đã từng trăn trở!”.
Trong khi đó bạn đọc Đinh Kim Nguyệtkhông đồng tình vớiviệc thay chữ Hán Nôm bằng quốc ngữ: “Hán Nôm là dòng văn học gốc lâu đời của Việt Nam, cũng như người Nhật phải giữ chữ Kanji trong ngôn ngữ họ. Không thể nói vì phần lớn người Việt hiện nay không lưu tâm học nữa mà nó hết giá trị lịch sử của nó - Theo tôi, chỉ cần gắn thêm một bảng dịch nghĩa bằng chữ ABC cho tiếng Việt mới bên cạnh các hoành phi câu đối là có thể giúp con cháu đời đời biết đến những cố gắng giữ gìn tiếng Việt của cha ông thông qua cách ghép 2, 3 chữ Hán để xây dựng 1 chữ nôm của ta. Và như thế không có cớ cho bọn vọng ngoại kiểu mới dựa vào trình độ hạn hẹp của họ mà bài bác vật quý cổ xưa”.
Một bạn đọc khác là Đỗ Hạnh tỏ ra khá gay gắt và muốn “đoạn tuyệt” hẳn với thể loại văn tự Hán Nôm bằng ý kiến: “Xin đừng nhân danh di sản mà kéo dài sự lệ thuộc vào văn hóa ngoại bang. Hoành phi câu đối đâu phải của người Việt. Khi Hán tộc, lấy sức mạnh của mình để ép người Việt vứt bỏ chữ viết của mình để dùng chữ viết của họ thì nỗi đau này cần phải được chấm dứt khi loài người đã bước sang thế kỷ 21 và chúng ta đã có chữ viết như hiện nay. Chỉ (trừ)những ngôi chùa nào được xây dựng từ lâu, còn lại nên dùng chữ Việt hoặc chữ Phạn. Nếu ai đó cứ bảo thủ dùng chữ Hán, hãy tìm hiểu xem một bộ phận người dân nghĩ như thế nào về cội nguồn dân tộc Việt ? Hãy tìm hiểu xem lịch sử của chúng ta đang bị người phương Bắc xuyên tạc thế nào? Hãy làm mọi việc vì lợi ích Dân tộc, Đất nước".
Ngay sau bình luận của bạn đọc Đỗ Hạnh lập tức bên dưới đã có một ý kiến phản hồi trực tiếp của bạn đọc Phạm Anh Hào: “Thưa ĐH (Đỗ Hạnh): Thế chữ "Việt" bạn viết ra bạn có hiểu được ý nghĩa của nó không? Nếu như cái logique của bạn thì chắc người ta sẽ đổi chữ "Việt" thành chữ nào khác chứ quốc gia của ta không còn gọi là Việt Nam nữa. Bạn nói đến "Hán tộc, lấy sức mạnh của mình để ép người Việt vứt bỏ chữ viết của mình để dùng chữ viết của họ" thì tôi không biết khi nói điều này bạn dùng nguồn sử liệu nào vậy? Lòng tự tôn dân tộc thì cũng phải đúng mực…”.
Một bạn đọc không nêu tên khác cũng để lại một bình luận ngắn gọn bày tỏ sự ủng hộ ý kiến của PGS-TS Nguyễn Tá Nhí: “Ủng hộ ông Nguyễn Tá Nhí! Trên đất Việt mà viết những dòng chữ mà công dân Việt đọc không được thì nên thay thế bằng chữ quốc ngữ".
Trong khi đó trên diễn đàn mạng xã hội cũng xuất hiện các cuộc tranh luận khá nghiêm túcvề việc "nên hay không nên thay đổi cách thể hiện hoành phi câu đối từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ”. Bên cạnh đó dư luận cũng quan tâm đến việc đưa ra những giải pháp hợp lý cho việc gìn giữ bảo tồn và phát huy tác dụng của hoành phi câu câu đối bằng chữ Hán Nôm đối với số đông những người không thể đọc, hiểuthể loại văn tự này.
Ông Mai Thanh Hùng, ở Q.7TP.HCM đưa ra ý kiến: “Tôi nghĩ phương án để nguyên các hoành phi câu đối chữ Hán Nôm và có một bản dịchra tiếng Việt, Anh, Pháp bên cạnh là hay nhất. Hán tự có cái hồn riêng và không có tội tình gì đến nỗi phải thay bằng chữ quốc ngữ. Mà nói thật để chữ quốc ngữ lên hoành phi câu đối thấy chả ra sao cả. Nên nhớ chữ quốc ngữ cũng là tài sản đi vay chứ không phải chữ viết của chính người Việt sáng tạo. Trong trường hợp cần thiết nếu có thay đổi thì phải nghiên cứu thật kỹ và phải có lộ trình cho từng giai đoạn. Nếu được như vậy sẽ được các thế hệ đi trước dễ chấp nhận hơn”.
Chị Lệ Thủy, một giáo viên tiếng Trung ở TP.HCM phát biểu: “Tôi ủng hộ ý kiến của PGS-TS Nguyễn Tá Nhí, tuy nhiên không nên thay đổi quá đột ngột sẽ dẫn đến sự đường đột với hệ ngôn ngữ đã từ lâu ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt hàng ngàn năm nay. Với tỷ lệ người biết đọc hiểu tiếng Hán Nôm khá thấp như trong nước hiện nay thì quả thật rất lãng phí với một di sản văn hóa đặc sắc của cha ông để lại. Vẫn để nguyên trạng những bức hoành phi câu đối ở những nơi mà chúng tồn tại từ trước đến nay nhưng nhất thiết phải có bản dịch văn dịch nghĩa bên cạnh cho công chúng hiểu. Lẽ ra việc làm này Bộ Văn hóa đã phải làm từ rất sớm”.
Cuộc tranh luận về vấn đề "nên hay không nên thay đổi cách thể hiện hoành phi câu đối từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ" chắc chắn sẽ kéo dài và thu hút sự quan tâm nhiều người trong xã hội trong thời gian đến. Báo điện tử Một Thế Giới sẽ tiếp tục chuyển tải những thông tin mới nhất về đề tài này đến với độc giả.
Tiểu Vũ (Tổng hợp)