Mọi thông tin về thu phí giao thông sẽ có trên các trang tin điện tử

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:05, 07/07/2016

Để minh bạch việc thu phí tại các dự án giao thông, đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí” đã được đề xuất.

Đề án được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhằm đảm bảo cho việc giám sát thu phí được công khai và minh bạch đối với các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Hệ thống giám sát thu phí tập trung nàyđể chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí.

Cụ thể, đề án sẽ tập trung vào việc xây dựng các giải pháp tăng cường giám sát thu phí; hệ thống giám sát lưu trữ dữ liệu thu phí và cung cấp báo cáo, thống kê về giá vé, lượng xe qua trạm, doanh thu thu phí do nhà đầu tư báo cáo hằng tháng, quý, năm để cơ quan quản lý nhà nước đối chiếu…

Đặc biệt, thông tin thu phí nói riêng và thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức BOT nói chung sẽ được truyền trực tiếp từ trạm thu phí đến các trang thông tin điện tử của các ngành để nhân dân được biết và cùng tham gia giám sát.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ được giao xác nhận doanh thu thu phí của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc xác nhận này chưa có cơ sở để đối chiếu mà chỉ dựa trên số báo cáo của nhà đầu tư.

Nếu đề án này được thực hiện, thông tin khai thác từ hệ thống giám sát thu phí sẽ là cơ sở pháp lý để Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, xác nhận số liệu với nhà đầu tư.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu được Bộ GTVT chấp thuận và thông qua, đề án dự kiến được triển khaitừtháng 10-12.2016.

Theo thống kê của Bộ GTVT, trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã huy động 444.000 tỉđồng, trong đó vốn tư nhân là 186.660 tỉđồng tại 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao). Dự án BOT không chỉ hấp dẫn các đơn vị trong giao thông có tên tuổi mà nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, nhiều tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng cũng lao vào “đặt gạch” để được làm BOT.

Cụ thể, cả nước có 88 trạm thu phí trên quốc lộ, trong đó 74 trạm do ngành giao thông quản lý, 14 trạm do UBNDcác tỉnh, thành phố quản lý và 13 trạm cao tốc.

Câu chuyện thu phí đường bộ tại các dự án cầu, đường theo hình thức BOT đã và đang nóng hơn bao giờ hết trong dư luận. Sự phản ứng của xã hội đã khiến các cơ quan chức năng buộc phải xem xét đến việc giảm mức phí và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính không tăng phí đường bộ tại các dự án cầu, đường BOT.

Nam Phong

Nam Phong